Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với sự nghiệp xây dựng lực lượng CAND

Trong bài viết "Nhớ anh Trần Quốc Hoàn" (25/11/2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng có nhận xét: "Trong hai tám năm anh Hoàn phụ trách ngành Công an, giữa tôi và anh Hoàn đã có sự phối hợp hiệp đồng rất tốt. Tôi thường nói với anh, Quân đội và Công an là anh em sinh đôi, cần có sự phối hợp chặt chẽ. Anh Hoàn đã có công rất lớn trong việc xây dựng, lãnh đạo lực lượng Công an làm tròn nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”.

Đây cũng chính là niềm trân quý và kính trọng mà Đại tướng muốn gửi tới cố Bộ trưởng Bộ Công an - Trần Quốc Hoàn. Hướng đến 70 năm thành lập lực lượng Công an nhân dân (19/08/1945 – 19/08/2015), cũng là khi chúng ta những thế hệ đi sau cùng hướng về cội nguồn những trang sử vẻ vang mà các anh hùng đã viết nên có tên cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Cố bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ngày 23/01/1916 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Mảnh đất giàu truyền thống hiếu học và sục sôi chí khí cách mạng, lòng yêu nước ấy đã thức thời người thanh niên đầy bản lĩnh, nhiệt huyết. Vì vậy, ngay từ buổi niên thiếu, đồng chí đã tham gia cách mạng trong phong trào học sinh phản đế của Đảng. Đến tháng 3/1934, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ 1936, đồng chí hoạt động cho Mặt trận Dân chủ và làm thợ in ở Hà Nội để gây dựng cơ sở, được cử làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tháng 7/1943, đồng chí bị bắt và đày đi Sơn La cùng với Lê Đức Thọ, Hoàng Minh Chính, Tô Hiệu,… được cử làm Bí thư Chi bộ nhà tù Sơn La. Đến tháng 3/1945 được tha, đồng chí trở về làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Kháng chiến toàn quốc, đồng chí là phái viên của Trung ương, tiếp tục giữ chức Bí thư Thành ủy (1954), Bí thư các Liên khu ủy Khu II, Khu X. Chính rèn luyện trong đấu tranh gian khổ, tù đày đã tôi luyện nên đồng chí một phẩm chất cách mạng kiên trung, một tầm nhìn chiến lược thời đại. Năm 1951, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng; năm 1952,giữ chức Giám đốc Nha Công an Việt Nam, rồi Thứ trưởng Thứ Bộ Công an. Một thời gian ngắn sau, cũng trong năm 1953, khi Thứ Bộ Công an được đổi tên thành Bộ Công an, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Bộ Công an (1953 - 1981). Cũng trong năm 1953, trường đào tạo Công an đổi tên thành Trường Công an Trung ương thì đồng chí đã kiêm luôn chức Hiệu trưởng nhà trường đến năm 1962. Những năm tiếp sau đó, hệ thống trường Công an phát triển, đồng chí cũng chính là người đặt nền móng xây dựng nội dung lý luận cơ bản của giáo trình nghiệp vụ trong đấu tranh chống tội phạm trên lĩnh vực an ninh trật tự. Đến nay, về cơ bản các trường Công an vẫn tiếp tục tiếp thu kết quả đó, có vận dụng sáng tạo trong biên soạn giáo trình của mình. Rời Bộ Công an, đồng chí làm Bí thư Trung ương Đảng, rồi Trưởng ban Dân vận Trung ương cho tới khi qua đời ngày 5/6/1986. Đồng chí cũng từng là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa III (Ủy viên Dự khuyết từ năm 1960 đến 1972) và khóa IV, Đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII. Với 20 năm tham gia Bộ Chính trị, 28 năm giữ cương vị Bộ trưởng bộ Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cống hiến trọn cuộc đời phục vụ sự nghiệp cách mạng của Ðảng, của dân tộc, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Ðồng chí Trần Quốc Hoàn đã được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại Nhớ về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chúng ta lại càng thêm tự hào vì những cống hiến lớn lao và những di sản quý báu trong công tác chỉ đạo nghiệp vụ, xây dựng lực lượng, đào tạo cán bộ, trong hệ thống lý luận công tác Công an, các quan điểm, phương châm, nguyên tắc, đường lối, phương pháp đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Với tầm nhìn xa, trông rộng vừa chiến lược, vừa thực tiễn, Bộ trưởng đã lãnh đạo, chỉ đạo nghiệp vụ hết sức tài tình phục vụ hiệu quả sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.   Trong công tác đào tạo cán bộ, Bộ trưởng đã cho mở các lớp bồi dưỡng cán bộ chủ chốt chi viện cho an ninh miền Nam vào những năm 1959, 1960, 1961… Đến thời kỳ chiến tranh phá hoại ác liệt ở miền Bắc, năm 1968-1969, Bộ trưởng đã quyết định mở lớp đào tạo đại học. Đó là lớp Toán học cao cấp (KC1) để phục vụ máy tính điện tử, rồi lớp D1 (1969), D2 (1970), các lớp ngoại ngữ,… đến nay đã đào tạo hàng ngàn cán bộ có trình độ, cử nhân phục vụ công tác Công an khắp mọi miền đất nước. Bên cạnh đó, với sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Bộ trưởng đã xây dựng các cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật như đài phát thanh, đài phát tín,… Viện Khoa học kỹ thuật hình sự, Trung tâm máy tính điện tử - một trong ba trung tâm đầu tiên của miền Bắc thời kỳ chống Mỹ để phục vụ công tác Công an. Song song với việc xây dựng, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã quyết định thành lập các Cục kỹ thuật nghiệp vụ như KG1, KG2, KG3… Nhờ đó, chúng ta đã thu thập những thông tin phản gián kịp thời, chính xác phục vụ lực lượng An ninh, cấp ủy miền Nam phòng tránh được các cuộc “hành quân”, vây ráp của Mỹ - ngụy và các đợt oanh kích phá hoại miền Bắc. Đặc biệt thông qua hệ thống điện đài phản gián với sự chỉ đạo về đối sách nghiệp vụ tài tình của Bộ trưởng, chúng ta đã tương kế, tựu kế, câu nhử bắt gọn các toán gián điệp biệt kích của Mỹ - ngụy tung ra miền Bắc. Vì vậy có thể nói đây là thời kỳ hoàng kim trong công tác đào tạo cán bộ, khoa học kỹ thuật của ngành. Hằng năm, Bộ trưởng đã cử nhiều cán bộ sang Liên Xô, Tiệp Khắc… để đào tạo cán bộ về các ngành vật lý, điện tử, thông tin, pháp y, hóa, sinh... Đây là lực lượng nòng cốt, chủ công trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật của ngành Công an cũng như của đất nước. Ngoài ra, Bộ trưởng còn hết sức quan tâm đến công tác xây dựng và thực hiện pháp luật. Với sự chỉ đạo của Bộ trưởng, ngành Công an đã có Pháp lệnh Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (27/9/1961), Pháp lệnh Cảnh sát nhân dân (16/7/1962), đặc biệt các văn bản dưới luật đã được Bộ trưởng ban hành, phủ kín hầu hết các lĩnh vực cần thiết như Điều lệ Cảnh sát khu vực; chế độ bắt, giam, giữ, khám xét, hỏi cung;… là những “viên gạch” đặt nền móng để ngày nay chúng ta xây dựng hệ thống pháp luật tương đối hoàn thiện. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cũng là người đầu tiên quyết định thành lập tổ chức pháp chế ngành và quan tâm, chỉ đạo đào tạo cán bộ pháp lý. Hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập lực lượng Công an nhân dân với niềm tự hào và biết ơn những công lao to lớn của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, chúng ta những thế hệ tiếp theo nguyện hứa sẽ tiếp tục thực hiện, cụ thể hóa và phát triển hoàn thiện với tầm cao mới những thành tựu ấy để bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân trong điều kiện mở cửa, hội nhập xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phát huy truyền thống cao quý, bản chất tốt đẹp của lực lượng Công an là lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân; là tính tổ chức kỷ luật cao, hy sinh chiến đấu không mệt mỏi, tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ cùng mối liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân.

CATP Hà Tĩnh