Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Chuyện phía sau những bộ hồ sơ đề nghị Tổ quốc ghi công

Chiến tranh đã qua đi, nhiều người lính không trở về, hoặc rời chiến trường với nhiều thương tích, trong đó có nhiều cán bộ chiến sỹ Công an đã nằm lại chiến trường. Thế nhưng, sau nhiều năm hòa bình, giấy tờ không còn, đồng đội cùng chiến đấu thì đã mất nên có sự hi sinh, có những cống hiến chưa được đền đáp.

Hành trình ghi công Đầu năm 2015, Công an tỉnh Hà Tĩnh nhận được đơn đề nghị của ông Nguyễn Ngọc Tuyên, ở xã Tây Phong, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình phản ánh: Anh trai ông là Nguyễn Tiến Hùng, SN 1948. Sau khi học sơ cấp Công an ra trường, đồng chí Hùng được điều động tăng cường cho Công an tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 12-1966, trong khi làm nhiệm vụ tại bến phà Phủ thuộc xã Thạch Hòa, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh thì phà chìm khiến đồng chí Hùng hi sinh. Gia đình nhận được Giấy báo tử có ghi bị tai nạn trong khi làm nhiệm vụ ở bến phà vào ban đêm nhưng do chiến tranh và thiên tai nên toàn bộ giấy tờ bị mất. Nhưng có một điều may mắn là gia đình đã tìm thấy phần mộ của đồng chí Hùng ở Nghĩa trang liệt sỹ núi Nài. Công an tỉnh Hà Tĩnh đã rà soát hồ sơ lưu trữ và tìm kiếm thông tin tại Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh, gặp các đồng chí nguyên là cán bộ Công an tỉnh thời gian công tác và chiến đấu giai đoạn từ 1960-1967 trên địa bàn Hà Tĩnh. Sau khi có thông tin chính xác về quá trình hoạt động và hi sinh của đồng chí Hùng, Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an tỉnh Thái Bình và địa phương nơi đồng chí Hùng sinh sống trước khi vào Công an để tiếp tục xác minh và hoàn thiện hồ sơ. Cuối năm 2015, Bộ Công an đã có công văn đề nghị cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với liệt sỹ Nguyễn Tiến Hùng. Câu chuyện cảm động về hành trình ghi công cho nữ điệp báo Lê Thị Nguyệt, quê ở huyện Ân Thi, tỉnh Hải Dương là bằng chứng thuyết phục cho sự nỗ lực và nhiệt huyết của người làm chính sách. Bà Nguyệt anh dũng hi sinh dưới đòn tra tấn dã man của quân thù nhưng những bằng chứng, giấy tờ làm căn cứ để công nhận liệt sỹ cho bà có rất ít, mà hồ sơ lại được gửi từ Công an Hà Nội. Thế nên, từ việc xác định quê hương bản quán của liệt sỹ cho đến quá trình hoạt động, hi sinh của bà là một hành trình dài. Cuối cùng, tháng 3-2014, lễ truy điệu và trao bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Lê Thị Nguyệt tại thôn Bảo Tàng, xã Quảng Lăng, huyện Ân Thi đã được tổ chức sau 66 năm nữ điệp báo ngã xuống.

Thượng tá Lê Văn Hùng cùng cán bộ Phòng 3, Cục Chính sách, Bộ Công an nghiên cứu hồ sơ để xác nhận thông tin về đồng đội.
Những công việc nghĩa tình Với những người làm công tác chính sách, một kết quả có hậu như thế chính là nguồn động viên, khích lệ to lớn để các anh tiếp tục công việc nghĩa tình. Thượng tá Lê Văn Hùng, Phòng 3 Cục Chính sách, Bộ Công an nói: “Đối với công việc này, nếu nản là không làm được”. Câu nói khái quát được công việc đặc thù của người cán bộ làm chính sách. Và, cũng nhờ tinh thần “không biết nản” ấy mà hành trình ghi công cho những CBCS Công an đã vì sự bình yên của nhân dân, đất nước thêm thành công. Nhiều sự việc xảy ra từ lâu, giấy tờ đã mất, người biết việc cũng không còn. Mỗi hồ sơ được xét duyệt thành công đòi hỏi cả một quá trình thẩm tra, xác minh, tra cứu tàng thư xem có chứng cứ về phản bội, đầu hàng của người đang đề nghị xét duyệt hay không. Bên cạnh đó, còn có cả sự phối hợp tận tình, trách nhiệm của các CBCS Công an ở các địa phương khác nhau để tìm ra cái kết có hậu. Câu chuyện sau đây là một điển hình. Đại tá Phạm Quang Tuyển, Trưởng phòng 3, Cục Chính sách, Bộ Công an có mặt trong lễ truy điệu liệt sỹ Lê Thị Nguyệt tâm sự: “Khi nghe đọc tiểu sử liệt sỹ trong lễ truy điệu, giữa không khí trang nghiêm có đầy đủ các ban ngành của địa phương, tôi cảm thấy xúc động xen lẫn tự hào. Và cũng cảm thấy nhẹ lòng hơn khi đã làm được một điều gì đó cho thế hệ cha ông đã vì độc lập dân tộc. Điều đó cũng là thỏa nỗi mong mỏi của gia đình liệt sỹ”. Còn nhiều nữa những câu chuyện về hành trình ghi công cho các liệt sỹ, thương binh của lực lượng Công an qua các cuộc kháng chiến và trong cả thời bình. Còn nữa câu chuyện về những cán bộ chính sách đi tìm mộ đồng đội, nỗ lực tìm kiếm thông tin bảo vệ lẽ phải... Họ đã góp phần vinh danh cho những chiến công xuất sắc của lực lượng Công an.
Tính từ năm 2010 đến nay, Cục Chính sách đã làm thủ tục thẩm định, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” 70 liệt sĩ CAND qua các thời kỳ. Đã xác nhận là thương binh cho 545 trường hợp; giải quyết chế độ đối với người tham gia kháng chiến chống Mỹ, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế thuộc CAND đã xuất ngũ, thôi việc cho 29.958 trường hợp.

CATP Hà Tĩnh