Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

DỰ ÁN LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

Công an thành phố Hà Tĩnh trân trọng gửi tới bạn đọc một số nội dung mới, quan trọng của Dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

DỰ ÁN LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)
Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV dự kiến thảo luận, thông qua một số Dự án Luật liên quan đến công tác Công an, trong đó có 04 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì tham mưu soạn thảo.
Bao gồm: Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 
Công an thành phố Hà Tĩnh trân trọng gửi tới bạn đọc một số nội dung mới, quan trọng của Dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an được giao trọng trách xây dựng dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
 1. Sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cư trú; trong đó việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) là cần thiết với những lý do cụ thể sau đây:
a) Bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân
Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền tự do cư trú, đi lại, giao dịch, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình… là quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng và bảo vệ. Quản lý cư trú có liên quan trực tiếp đến những quyền này; vì vậy, sửa đổi Luật Cư trú là để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân liên quan đến cư trú theo hướng đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư; quy định cụ thể điều kiện, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng công khai, minh bạch; kiên quyết xoá bỏ cơ chế xin cho, nặng về hành chính, quản lý kém hiệu quả, lãng phí, phiền hà, tiêu cực gây bức xúc trong Nhân dân; đồng thời, khắc phục được những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về cư trú trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.
b) Góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới
Tình hình an ninh chính trị thế giới, khu vực có những diễn biến đa dạng, phức tạp, khó lường, xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế tiếp tục gia tăng. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chủ nghĩa dân tộc thực dụng, cực đoan, bảo hộ mậu dịch ngày càng lan rộng. Thế giới đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức lớn về an ninh phi truyền thống, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, khủng hoảng di cư, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... Ở trong nước, các thế lực thù địch vẫn gây sức ép với Việt Nam về vấn đề dân chủ, nhân quyền, công khai tiếp xúc, hỗ trợ số đối tượng chống đối, thực hiện các hoạt động thâm nhập, tác động chuyển hóa nội bộ, tuyên truyền chống Việt Nam, kích động gây rối, gây bạo loạn nhằm gây mất ổn định chính trị - xã hội ở nước ta. Tình hình an ninh, chính trị trên các địa bàn trọng điểm Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.
Bên cạnh đó, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, tính chất tinh vi, táo bạo, sử dụng vũ khí nóng gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Các loại tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu xã hội đen, giết người, cờ bạc, buôn lậu, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán phụ nữ, trẻ em, chống người thi hành công vụ, đâm thuê, chém mướn, bảo kê, buôn bán ma túy, bắt cóc tống tiền, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm do người chưa thành niên thực hiện… vẫn  còn đang xảy ra, hoạt động với tính chất côn đồ, hung hãn gây ra những hậu quả nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe người dân, gây lo lắng trong Nhân dân.
Tại Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội khóa XIII về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm đã đề ra nhiệm vụ: Thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm; tạo chuyển biến rõ rệt về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được Quốc hội giao thì cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về cư trú, góp phần tích cực, có hiệu quả trong việc phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
Trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/ĐUCA ngày 08/01/2018 về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng Công an nhân dân năm 2018 và những năm tiếp theo; theo đó, Nghị quyết đã đặt ra nhiệm vụ: Tăng cường quản lý cư trú, quản lý dân cư, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới.
c) Thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư
Hiện nay, các quy định của Luật Cư trú về điều kiện, thủ tục đăng ký cư trú đã tương đối cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú, lựa chọn nơi cư trú; tuy nhiên về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú còn mang tính thủ công, rườm rà, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/10/2017 về đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, trong đó có phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo Số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì việc thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký cư trú cho công dân cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với hình thức quản lý mới cũng như yêu cầu quản lý dân cư trong tình hình mới; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú cũng như tạo ra sự chuyển biến căn bản trong quan hệ giải quyết thủ tục đăng ký cư trú giữa cơ quan nhà nước và người dân.
Bên cạnh đó, việc tổ chức triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Đã hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai dự án; đã xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; triển khai thu thập thông tin dân cư và tổ chức cấp hơn 18 triệu Số định danh cá nhân cho công dân.
Tại Khoản 1 Mục I Phần B Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân ban hành kèm theo Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/10/2017 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú năm 2013 để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục hành chính nêu tại Mục VIII Phần A Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; cụ thể:
- Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
- Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
- Bãi bỏ các nhóm thủ tục: Tách sổ hộ khẩu; cấp đổi sổ hộ khẩu; cấp lại sổ hộ khẩu; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu; xóa đăng ký thường trú; xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú; hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật; cấp giấy chuyển hộ khẩu; cấp đổi sổ tạm trú; cấp lại sổ tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú; gia hạn tạm trú; hủy bỏ đăng ký tạm trú trái pháp luật.
d) Đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú
Trong điều kiện đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra là phải hiện đại hoá công tác quản lý cư trú theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới. Trong khi đó, khoa học, công nghệ trong đăng ký, quản lý cư trú ở nước ta còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của công dân, chưa bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu quản lý dân cư và hội nhập quốc tế; mặt khác, dữ liệu đăng ký, quản lý cư trú hiện nay chủ yếu được lưu trữ thủ công; việc cấp, quản lý, sử dụng giấy tờ về đăng ký, quản lý cư trú tuy có nhiều cố gắng cải tiến, sắp xếp hợp lý hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; do đó, cần quy định việc đăng ký, quản lý cư trú theo hướng ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để vừa quản lý chặt chẽ dân cư, vừa góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và từng bước thực hiện Chính phủ điện tử.
Để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/ĐUCA ngày 01/8/2017 về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết đặt ra yêu cầu: Sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú để đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý cư trú. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2020 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trong đó, xác định thời gian thực hiện dự án là đến năm 2021. Bộ Công an có Kế hoạch số 82/KH-BCA-C06 ngày 04/3/2020 về triển khai thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã xác định việc hoàn thành, đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước tháng 6/2021.
Từ những lý do nêu trên cho thấy, việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) là cần thiết.
2. Mục đích xây dựng Luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú bảo đảm phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
- Thực hiện chủ trương hiện đại hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác quản lý dân cư; bảo đảm tốt hơn nữa tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cư trú.
- Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về các giấy tờ của công dân; đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
3. Quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật
- Bảo đảm phù hợp với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý cư trú và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.
- Tạo khuôn khổ pháp lý hữu hiệu để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống, làm ăn; trình tự, thủ tục đăng ký đơn giản, thuận tiện, kịp thời, công khai, minh bạch, không gây phiền hà, tiêu cực; đồng thời, bảo đảm cho công tác đăng ký, quản lý cư trú có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
- Đổi mới hình thức quản lý cư trú trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản lý cư trú, bảo đảm tính khoa học, công khai, minh bạch và thuận tiện cho đăng ký, quản lý cư trú.
- Tổng kết đầy đủ, toàn diện thực tiễn thi hành pháp luật về cư trú để kế thừa các quy định của Luật Cư trú còn phù hợp và đang phát huy tác dụng trong công tác đăng ký, quản lý cư trú; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm quản lý cư trú của nước ngoài để vận dụng phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam.
- Quy định cụ thể các nội dung liên quan đến cư trú, hạn chế đến mức thấp nhất việc phải ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật để các cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp hành luật nghiêm chỉnh, kịp thời, thống nhất.
4. Cơ sở ban hành Luật
- Điều 23 Hiến Pháp năm 2013 quy định: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định;
- Ngày 25/10/2013, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; trong đó, nêu lên nhiệm vụ, giải pháp: Chủ động nắm chắc tình hình, đánh giá và dự báo đúng các tình huống phức tạp có thể xảy ra. Phát hiện kịp thời các âm mưu, hành động của các thế lực thù địch để chủ động có phương án ứng phó, ngăn chặn, đẩy lùi từ xa và tích cực chuẩn bị lực lượng bảo đảm giành thắng lợi khi tình huống xấu xảy ra, không để bị động bất ngờ;
- Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế đề ra giải pháp: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quốc phòng, an ninh;
- Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đề ra mục tiêu đến năm 2030 toàn bộ dân số Việt Nam được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc;
- Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới đề ra nhiệm vụ: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý cư trú…;
- Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2011-2015) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2015-2020) trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ: Có cơ chế đặc thù để triển khai những dự án khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh;
- Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/10/2017 của Chính phủ về phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an xác định đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan tới công tác đăng ký, quản lý cư trú;
- Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 08/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 (đã được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ);
- Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 13/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phối hợp triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư yêu cầu Bộ Công an: Chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai và hoàn thành thu thập thông tin về dân cư; chuẩn hóa dữ liệu sẵn có để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin cơ bản của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật căn cước công dân và Điều 4, Điều 5 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân;
- Nghị quyết số 08-NQ/ĐUCA ngày 01/8/2017 của Đảng ủy Công an Trung ương về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định: Sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú để đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý cư trú;
- Nghị quyết số 10-NQ/ĐUCA ngày 08/01/2018 của Đảng ủy Công an Trung ương về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng Công an nhân dân năm 2018 và những năm tiếp theo đề ra nhiệm vụ, giải pháp: Tăng cường quản lý cư trú, quản lý dân cư góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.
5. Về những nội dung mới trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)
Sau kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khoá XIV vừa qua, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) được chỉnh lý gồm 07 chương, 39 điều và có những nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) như sau:
(1) Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) quy định thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin; cụ thể là quản lý cư trú bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú của mỗi công dân đều là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ quan, tổ chức và công dân có thể khai thác, sử dụng để phục vụ giao dịch dân sự, giải quyết các thủ tục hành chính...
Dự thảo Luật đã bỏ các quy định về: Sổ hộ khẩu, Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia dình, cấp cho cá nhân, giấy chuyển hộ khẩu, các hành vi bị nghiêm cấm (thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú); quyền được cấp, cấp lại, đổi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú...
Việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân để thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện các thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.
(2) Sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính
Việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý cư trú, tạm trú của công dân; do vậy, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các thủ tục như: Cấp đổi, cấp lại Sổ hộ khẩu; cấp giấy chuyển hộ khẩu; cấp đổi, cấp lại Sổ tạm trú... đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số thủ tục như tách Sổ hộ khẩu (được xác định theo hướng đây là việc tách hộ gia đình), huỷ bỏ kết quả đăng ký thường trú, tạm trú trái pháp luật.
Bên cạnh đó, do sử dụng phương thức quản lý hiện đại này nên thời hạn giải quyết đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cho công dân cũng đơn giản, rút ngắn về cả thủ tục và thời gian. Nếu như hiện nay thời gian giải quyết đăng ký thường trú là 15 ngày thì theo dự thảo Luật sẽ tối đa là 07 ngày.
(3) Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương (tức là, không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc). Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân; bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp.
(4) Ngoài các trường hợp bị xoá đăng ký thường trú như hiện nay, xuất phát từ thực tiễn và để nâng cao hiệu quả quản lý về cư trú, nắm đúng thực tế số hộ, số người thường trú trên địa bàn, phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoạch định, thực hiện chính sách an sinh xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người có liên quan, dự thảo Luật đã bổ sung một số trường hợp xoá đăng ký thường trú:
- Người vắng mặt tại nơi thường trú trên 12 tháng liên tục trừ trường hợp đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác, đã khai báo tạm vắng hoặc xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư.
- Người đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam; bị tước, bị huỷ bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở là do được thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã hết thời hạn thuê, không được mượn, không được ở nhờ nữa.
- Người đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, kê biên, tịch thu và người đã bán nhà, tàu, thuyền, phương tiện khác là chỗ ở dùng để đăng ký thường trú bị xoá đăng ký thường trú sau 12 tháng kể từ ngày bán nhà, tàu, thuyền, phương tiện đó; trừ trường hợp được chủ sở hữu tài sản mới đồng ý cho tiếp tục đăng ký thường trú.
(5) Bổ sung quy định để quản lý đối với trường hợp công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú để đảm bảo quản lý tốt hơn đối với nhóm người này (đây là những người chưa đăng ký thường trú, tạm trú ở đâu như người di cư, sống lang thang, không có giấy tờ tuỳ thân, không có chỗ ở hợp pháp hoặc có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng không được chủ hộ đồng ý cho đăng ký thường trú, tạm trú...). Việc bổ sung quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, giúp cơ quan nhà nước nắm được tình hình của những người này và hỗ trợ họ.
6. Một số nội dung của dự thảo Luật còn có ý kiến khác nhau
Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đã được Bộ Công an phối hợp với Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nghiên cứu thống nhất hướng tiếp thu, giải trình hầu hết ý kiến của Đại biểu Quốc hội; đến nay, còn một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cụ thể như sau:
Một là, về điều kiện đăng ký thường trú (Điều 21)
Nội dung này, Bộ Công an thống nhất theo đa số ý kiến của đại biểu là quy định điều kiện đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ cần bảo đảm yêu cầu về diện tích bình quân tối thiểu làm điều kiện để dăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhằm bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương và giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn; tuy nhiên, cần quy định mức tối thiểu là không dưới 08m2 sàn/người để bảo đảm điều kiện sống và phù hợp với điều kiện của đa số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì mục tiêu đến năm 2020 diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 29m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 22m2 sàn/người; phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 08m2 sàn/người. Đến năm 2030, phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 30m2 sàn/người, diện tích nhà ở tối thiểu đạt 12m2 sàn/người).
Các nội dung còn lại là giữ nguyên như dự thảo Luật do Chính phủ trình.
Bên cạnh đó, một số đại biểu Quốc hội đề nghị quy định thêm tiêu chí về thời gian tạm trú nhất định tại địa bàn là điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ. Tuy nhiên, Bộ Công an đề nghị không nên quy định tiêu chí này vì đây là quy định để hạn chế công dân đang sinh sống tại các thành phố trực thuộc Trung ương được đăng ký thường trú vào các đô thị này của Luật Cư trú hiện hành; quy định này tạo ra sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa các công dân. Do vậy, không nên tiếp tục giữ quy định này và mở rộng phạm vi áp dụng đối với tất cả các tỉnh trong cả nước.
Hai là, về xoá đăng ký thường trú (Điều 25) và xoá đăng ký tạm trú (Điều 30)
Nội dung này Bộ Công an đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật do Chính phủ trình như ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội. Việc xoá đăng ký đối với trường hợp ‘‘công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên...” là để nâng cao trách nhiệm của công dân trong việc chấp hành pháp luật về cư trú; giúp chính quyền địa phương các cấp có thể hoạch định chính sách phát triển kinh tế được chính xác, sát với nhu cầu của người dân trong địa bàn quản lý, bố trí nguồn lực hợp lý cho các đối tượng thụ hưởng hợp pháp đang thực tế sinh sống trên địa bàn.
Việc xoá đăng ký thường trú trong trường hợp này không có nghĩa là xoá toàn bộ thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú mà tất cả thông tin của công dân trong 02 cơ sở dữ liệu này vẫn được lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng như bình thường. Việc xoá đăng ký thường trú của công dân còn được thể hiện trong cả hồ sơ lưu trữ của cơ quan đăng ký, quản lý cư trú. Đối với những trường hợp bị xoá sẽ thể hiện rõ cả lý do bị xoá và thời điểm bị xoá ở trường thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ba là, về thời hạn tạm trú, gia hạn tạm trú (khoản 10 Điều 2, Điều 28, Điều 29 dự thảo Luật)
Điều 28, Điều 29 dự thảo Luật quy định về điều kiện đăng ký tạm trú, hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú theo hướng công dân tạm trú không có thời hạn. Vấn đề này, Bộ Công an đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) quy định về thời hạn tạm trú và gia hạn tạm trú, bởi vì:
(1) Để phù hợp với đặc điểm, khái niệm trong giải thích từ ngữ về ‘‘nơi tạm trú” quy định tại Điều 2 dự thảo Luật là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.
(2) Để phân biệt nơi tạm trú với nơi thường trú (là công dân sinh sống ổn định, lâu dài, không xác định thời hạn).
(3) Kế thừa quy định còn phù hợp với thực tiễn của Luật Cư trú hiện hành (khoản 4 Điều 30 Luật Cư trú hiện hành quy định Sổ tạm trú có thời hạn tối đa là 24 tháng, hết thời hạn tạm trú, công dân đến cơ quan Công an nơi cấp Sổ tạm trú để làm thủ tục gia hạn).
(4) Để bảo đảm chặt chẽ trong công tác quản lý cư trú, nếu người đã đăng ký tạm trú mà không còn cư trú ở địa điểm đã đăng ký và không làm thủ tục gia hạn tạm trú thì sẽ bị xoá đăng ký tạm trú.
Bốn là, về thời điểm có hiệu lực của Luật và quy định chuyển tiếp (Điều 39 dự thảo Luật)
Dự thảo Luật đưa ra 02 phương án: Phương án 1 quy định Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn tiếp tục được sử dụng đến hết ngày 31/12/2022; Phương án 2 quy định Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Bộ Công an đề nghị chỉ để 01 phương án tại dự thảo Luật (Phương án 2) là như nội dung do Chính phủ trình Quốc hội (Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021; Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân chỉ được tiếp tục sử dụng để giải quyết các giao dịch, giấy tờ, tài liệu được xác lập trước ngày Luật có hiệu lực thi hành như quy định tại khoản 3 Điều 42 dự thảo Luật do Chính phủ trình, không có quy định chuyển tiếp là được sử dụng tiếp đến hết ngày 31/12/2022).
Vấn đề này đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đã có ý kiến báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 47 ngày 10/8/2020 và đa số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với định hướng này.

 

BBT