Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Lịch sử hình thành và phát triển của Công an thành phố Hà Tĩnh

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thành phố Hà Tĩnh trở thành một trong những địa bàn trọng điểm, là nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não nên thực dân Pháp đã dùng nhiều máy bay, tàu chiến đánh phá, tập kích, tung gián điệp biệt kích, kích động bọn phản động và mọi loại phần tử xấu phá hoại hòng làm suy yếu tiềm lực kháng chiến

Sau phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931, các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân thị xã Hà Tĩnh (nay là Công an thành phố Hà Tĩnh) ra đời như: tự vệ đỏ 8 phố, tự vệ công nông, tự vệ cứu quốc 8 phố đã thúc đẩy phong trào cách mạng tại thành phố Hà Tĩnh phát triển mạnh mẽ, sôi nổi. Ngày 18/8/1945, chính quyền công nông cách mạng lâm thời ra đời, đã tiến hành giải tán Sở liêm phóng, Sở Cảnh sát địch; đồng thời chính quyền cách mạng lâm thời lập ra một tổ chức mới chuyên lo điều tra và giữ gìn ANTT gọi là Công an cục, do đồng chí Phạm Văn Vinh - ủy viên UBND cách mạng lâm thời làm Công an Cục trưởng.Công an thành phố Hà Tĩnh ra đời từ đó. Vừa mới ra đời, mặc dù lực lượng còn ít, nhưng Công an thành phố Hà Tĩnh đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về chính trị tư tưởng và nghiệp vụ, thực sự là lực lượng nòng cốt trong công cuộc đấu tranh diệt ác, trừ gian, bảo vệ và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, lập nhiều chiến công xuất sắc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thành phố Hà Tĩnh trở thành một trong những địa bàn trọng điểm, là nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não nên thực dân Pháp đã dùng nhiều máy bay, tàu chiến đánh phá, tập kích, tung gián điệp biệt kích, kích động bọn phản động và mọi loại phần tử xấu phá hoại hòng làm suy yếu tiềm lực kháng chiến. Để góp phần đánh bại thực dân Pháp xâm lược, Công an thành phố Hà Tĩnh đã phát động phong trào “luyện cán lập công”, “bảo mật, phòng gian”, “ba phòng, ba không”, phong tỏa tin tức, quản lý ra vào vùng địch tạm chiếm, bố trí trinh sát, xây dựng cơ sở bí mật ở những địa bàn xung yếu để ngăn chặn truy bắt nhiều tên và tổ chức gián điệp biệt kích, đồng thời vận động quần chúng thực hiện mô hình “ngụ gia liên bảo”, tăng cường công tác an ninh trật tự ngay từ cơ sở. Trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại, tình hình kinh tế-xã hội của thành phố gặp nhiều khó khăn, biến động. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch và tổ chức phản động ra sức kích động, chống phá, nhất là cưỡng ép, dụ dỗ đồng bào giáo dân bỏ đất đai, nhà cửa, di cư vào Nam gây xáo trộn, mất ổn định tình hình. Tình hình trên đòi hỏi các cấp, các ngành, đoàn thể, trong đó lực lượng Công an phải tập trung giải quyết. Tháng 4/1955, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Đồn Công an thị xã, do đồng chí Trần Bốn làm Đồn trưởng, trụ sở tại khu vực ngã tư sân vận động cũ; vừa mới thành lập Đồn Công an thị xã đã phối hợp với các Phòng của Công an tỉnh, phá chuyên án HH13, đập tan âm mưu của ba tên phản động do linh vục Thân Văn Hiềng cầm đầu có hành vi cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam. Ngày 15/6/1957 tỉnh Hà Tĩnh được Bác Hồ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn, Bí thư liên khu IV về thăm; sau chuyến thăm của Bác, lực lượng Công an Hà Tĩnh nói chung và Công an thành phố nói riêng đã phát động phong trào thi đua làm theo lời căn dặn của Bác. Từ năm 1960 đến năm 1972, Công an thành phố Hà Tĩnh đã cùng với quân và dân thành phố Hà Tĩnh đập tan hai cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ. Ngày 27/01/1973, Hiệp định Pari được ký kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc, thắng lợi đó đã làm thay đổi cục diện giữa ta với địch trên chiến trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; cùng với toàn tỉnh, nhân dân thành phố Hà Tĩnh phấn khởi bắt tay vào khôi phục kinh tế, văn hóa, ra sức chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam. Trong phong trào “Vì miền Nam ruột thịt” đã có hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Công an thành phố Hà Tĩnh đã tình nguyện tăng cường cho An ninh miền Nam, An ninh các nước bạn Lào, Cămpuchia, nhiều đồng chí đã chiến đấu, hi sinh anh dũng vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Sau ngày miền Nam giải phóng, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập trên cơ sở sát nhập tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Công an hai tỉnh cũng đã tiến hành công tác hợp nhất vào cuối tháng 01/1976, khẩn trương sắp xếp lại tổ chức, nhân sự và biên chế phù hợp với tình hình và nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới. Năm 1983, Công an thành phố Hà Tĩnh đã lập nên một chiến công lớn, gây xúc động lớn cho hàng ngàn người dân thành phố và các vùng lân cận lúc bấy giờ. Đó là ngày 15/3/1983 tên cướp Hoàng Thế Phương, đang có lệnh truy nã đặc biệt, đã bắt cóc, khống chế cháu Nguyễn Thị Mai ở P. Hà Huy Tập bằng quả lựu đạn mỏ vịt; để đảm bảo an toàn tính mạng cho cháu bé và người xung quanh, hai đồng chí Nguyễn Xuân Khang và Trần Đức Kháng đã dũng cảm lao vào dật quả lựu đạn, chẳng may lựu đạn nổ, hai đồng chí đã anh dũng hi sinh và cháu Mai được cứu sống. Sau 15 năm hợp nhất (1976 - 1991) Công an Nghệ Tĩnh đã chiến đấu, công tác lập nhiều chiến công xuất sắc trên mặt trận bảo vệ ANTT, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương Nghệ Tĩnh giàu đẹp, nhưng do yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng và Nhà nước đã quyết định chia tỉnh Nghệ Tĩnh thành 2 tỉnh theo địa giới cũ. Ngày 01/9/1991, Công an 2 tỉnh trở về hoạt động trên phần địa giới của mỗi tỉnh, thành phố Hà Tĩnh trở lại vị thế là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi tái lập tỉnh, mặc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, cán bộ, chiến sỹ Công an thành phố Hà Tĩnh đã từng bước kiện toàn, ổn định về tổ chức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được Đảng bộ và nhân dân thành phố giao phó. Từ năm 1991 đến nay, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Công an tỉnh Hà Tĩnh, của cấp ủy chính quyền địa phương, lực lượng Công an thành phố Hà Tĩnh đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả “Chiến lược bảo vệ an ninh Quốc gia”, “Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm”... xây dựng thế trận ANND và thế trận Quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định về an ninh chính trị trên địa bàn. Tham mưu đề xuất và trực tiếp giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, các mâu thuẫn, các điểm nóng, triệt phá bóc gỡ nhiều vụ án phức tạp, như điều tra bắt giữ Nguyễn Hữu Lý-kẻ đã gây ra 09 vụ đốt ở phường Đại Nài, gây hoang mang trong nhân dân; tà đạo Lưu Văn Ty ở Thạch Trung, bắt giữ vụ đánh bạc tại phường Tân Giang năm 2009 do Phan Anh Tuấn cầm đầu, thu giữ 461 triệu đồng...Ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội, từng bước lập lại trật tự an toàn giao thông; làm tốt công tác PCCC; đẩy mạnh công tác QLHC về TTXH, đấu tranh chống tội phạm về trộm cắp, đánh bạc, ma túy, mại dâm, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các đoàn thể đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa xã hội, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm. Sau khi thành lập trung đội cơ động chiến đấu, Công an thành phố Hà Tĩnh đã tăng cường công tác tuần tra, khép kín địa bàn, hình thành lực lượng phản ứng nhanh tấn công, trấn áp các loại tội phạm có hiệu quả cao; bảo vệ tuyệt đối an toàn trong các dịp Lễ, Tết, các sự kiện, các đoàn khách về thăm và làm việc trên địa bàn, đặc biệt là bảo vệ tuyệt đối an toàn, không để sự việc đột xuất bất ngờ xảy ra trong các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Suốt chặng đường lịch sử, Công an thành phố Hà Tĩnh không ngừng lớn mạnh, phát triển về mọi mặt, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, hết lòng phụng sự nhân dân; không quản ngại hy sinh gian khổ, kiên trì, bền bỉ xây dựng tổ chức, lực lượng, ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, lập nhiều thành tích xuất sắc cùng với quân và dân toàn thành phố làm nên những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng CNXH, bảo vệ quê hương đất nước, giữ vững cuộc sống yên bình cho nhân dân, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Công an tỉnh, cấp ủy chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao. Thắng lợi đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của lãnh đạo Bộ Công an, của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và đặc biệt là sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ to lớn của quần chúng nhân dân. Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Công an thành phố được các thành tích nổi trội sau: - Năm 1978 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thách tích đảm bảo tốt ANTT. - Năm 1980, 1985, 1996 được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng II về thành tích đảm bảo ANTT. - Năm 2002 được UBND tỉnh tặng bằng khen công nhận “công sở văn minh”. - Năm 2013 được tặng cờ thi đua phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ. - Năm 2014 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong đảm bảo ANTT. - Năm 2015 được tặng cờ thi đua xuất sắc của Tổng cục III, Bộ Công an. - Ngoài ra còn nhiều tập thể, cá nhân được tặng bằng khen, giấy khen, điện khen, cờ thi đua của lãnh đạo các cấp. Đây là những phần thưởng cao quý được Đảng, Nhà nước ghi nhận những thành tích mà Công an thành phố đã đạt được trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng đơn vị trong sạch vững mạnh. 2. Vị trí và chức năng Công an thành phố Hà Tĩnh Công an thành phố Hà Tĩnh có trụ sở hiện nay tại số 173, đường Xuân Diệu, phường Nguyễn Du, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Số điện thoại: 039.3888.258. Fax: 039.3888.460

CATP Hà Tĩnh