Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Tổng kết Dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người”

Ngày 29/12/2020, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người” (Dự án 4) giai đoạn 2018-2020. Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, Chủ nhiệm Dự án 4 chủ trì Hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Công an Hà Tĩnh có Đại tá Nguyễn Thanh Liêm - Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra, Phó Giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo các phòng chức năng Công an tỉnh

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, qua 03 năm triển khai thực hiện, Ban Chủ nhiệm Dự án 4 liên ngành Trung ương và địa phương (Ban Chủ nhiệm Dự án 4) đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 05 nghị định, 03 chỉ thị và 08 quyết định liên quan trực tiếp đến công tác bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em; các đơn vị thành viên Ban Chủ nhiệm Dự án 4 ban hành trên 320 báo cáo, đề xuất giải pháp trọng tâm trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này. Đã kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề nóng, bức xúc nổi lên như bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phòng ngừa xâm hại trẻ em trên không gian mạng; sử dụng lao động trẻ em, phòng, chống bạo lực học đường. Đồng thời, đổi mới phương pháp, nội dung, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, thông báo phương thức, thủ đoạn tội phạm xâm hại trẻ em, xây dựng các mô hình phòng ngừa tại cơ sở. Tập trung lực lượng điều tra, xử lý tội phạm, giải quyết dứt điểm các vụ việc gây bức xúc dư luận. Tăng cường hợp tác quốc tế và thực hiện các cam kết của Việt Nam về công tác bảo vệ trẻ em.

Với những nỗ lực đó, công tác điều tra, xử lý loại tội phạm trên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, cơ quan điều tra các cấp đã tiếp nhận, xử lý 5.286 tin báo, tố giác liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và bạo lực gia đình, mua bán người; điều tra, khám phá 14.975 vụ với 19.587 đối tượng xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và bạo lực gia đình, mua bán người. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 3.423 vụ với 3.720 bị can và thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm 3.358 vụ với 3.655 bị cáo về các tội xâm hại trẻ em, tội phạm bạo lực gia đình và mua bán người. Cùng với đó, Tòa án nhân dân các cấp thụ lý 3.564 vụ với 3.822 bị cáo phạm các tội về xâm hại trẻ em, đã giải quyết xét xử 3.364 vụ với 3.603 bị cáo (đạt tỷ lệ trên 94%).
 
Những kết quả đạt được trong giai đoạn 2018-2020 đã kéo giảm 3,13% số vụ xâm hại trẻ em; 10,02% số vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật so với cùng kỳ giai đoạn 2015-2017. 
 
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá thực trạng, dự báo tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi nổi lên hiện nay. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất giải pháp trọng tâm, đột phá, phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị, địa phương; những biện pháp trong công tác phối hợp liên ngành nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hiện Dự án 4.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quý Vương ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được của Ban Chủ nhiệm Dự án 4 trong thời gian qua. Chỉ đạo một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quý Vương đề nghị lực lượng Công an, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát hình sự tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ các chủ trương, giải pháp thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các quyền trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, ban hành theo thẩm quyền của Bộ Công an các văn bản tạo cơ sở pháp lý trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm để đưa các vụ việc xâm hại trẻ em ra xét xử nghiêm minh, kịp thời. Đồng thời, thông qua công tác đấu tranh, phòng ngừa rút ra được bài học kinh nghiệm, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương những giải pháp bền vững kiềm chế, làm giảm tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.
 

 
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp liên ngành, phát huy vai trò trách nhiệm của các đơn vị, trao đổi thông tin kịp thời, nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, kế hoạch phối hợp hoặc mô hình liên thông trong giải quyết vụ việc xâm hại trẻ em từ khâu tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, điều tra vụ việc, xét xử tội phạm và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, chú trọng nhân rộng mô hình Phòng Điều tra thân thiện tại Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đảm bảo nguyên tắc không làm tổn thương nạn nhân là trẻ em trong quá trình giải quyết vụ việc.

Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục tuyên truyền pháp luật, xây dựng môi trường xã hội, các khu vui chơi công cộng an toàn, lành mạnh; rà soát, quản lý chặt không để phát sinh tiêu cực từ dịch vụ, ngành nghề kinh doanh có điều kiện gần trường học. Kịp thời ngăn chặn bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; chú trọng công tác giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng ngừa, tự bảo vệ cho trẻ em.
 
Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng đề nghị Ban Chủ nhiệm Dự án 4 cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống xâm hại trẻ em, chủ động đề xuất bảo đảm tài chính, hậu cần, kỹ thuật; nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa khoa học công nghệ trong phòng, chống tội phạm, nhất là phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên không gian mạng. Đồng thời, thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Theo Báo Công an Hà Tĩnh