Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

14 năm chạy thận, cậu bé 17 tuổi chỉ nặng hơn 20kg

Mỗi tuần 3 buổi, tài xế trên tuyến xe buýt TP Hà Tĩnh - Hương Sơn đã quen với hình ảnh cậu bé nhỏ thó khoác chiếc áo bệnh nhân đứng chờ xe ở trước cổng nhà (thôn Thịnh Lộc, xã Sơn Lộc, Can Lộc) để đến BVĐK tỉnh Hà Tĩnh chạy thận.

14 năm chạy thận, cậu bé 17 tuổi chỉ nặng hơn 20kgMỗi khi con lên cơn đau, nén nước mắt, chị Thiết chỉ biết vuốt ngực cho con và ôm con vào lòng

Trong tiếng nức nở của người mẹ trẻ, câu chuyện về 14 năm chiến đấu với căn bệnh suy thận của cậu bé 17 tuổi Đinh Văn Tuần là cả một cuộc chiến bền bỉ của bản thân em và gia đình để giành giật sự sống.

“Năm lên 3 tuổi, cháu bị viêm phổi, vợ chồng tôi bồng bế đi hết viện này đến viện khác nhưng không khỏi. Ra Bệnh viện Nhi trung ương thì được kết luận cháu bị hội chứng thận hư. Vợ chồng tôi phải chạy vạy khắp nơi để điều trị cho cháu với sự hỗ trợ của bà con, làng xóm, chính quyền địa phương. Tuy vậy, việc điều trị ăn ở của bố con ngoài Hà Nội rất tốn kém nên nhiều lúc gia đình bế tắc. Có lần tôi về quê ngoại ở Tiến Lộc, đến xin từng nhà, người cho cân gạo, người cho tiền. Gom góp cả ngày cũng được hơn triệu bạc gửi ra cho bố con” - Chị Võ Thị Thiết, mẹ Tuần rưng rưng nước mắt.

14 năm chạy thận, cậu bé 17 tuổi chỉ nặng hơn 20kgCánh tay Tuần đầy những nốt bơm kim tiêm nổi cục sần sùi, làn da thâm đen do thiếu máu

Tiền bạc cạn kiệt dần nhưng bệnh trạng của Tuần ngày càng nặng thêm. Do tuổi còn quá nhỏ không lọc được máu nên Tuần phải lọc dịch từ ổ bụng, vì thế thường xuyên bị nhiễm trùng nên nằm viện nhiều hơn. Anh Đinh Văn Quyết - bố của Tuần cho biết: “Mỗi một đợt từ Hà Nội đi về, ngoài bế con, tôi còn mang thêm 240kg dịch để về nhà lọc cho cháu theo hướng dẫn của bác sỹ. Mỗi khi cháu nhọc, bố con lại cơm đùm cơm nắm ra Hà Nội. Cuộc sống cứ kéo dài như thế”.

Sức lực bị vắt kiệt nhưng thấy bạn bè đến trường em cũng ước ao. Đến năm học lớp 4, không thể gắng gượng được nữa, Tuần đành phải bỏ học. Hàng ngày thấy con đau đáu nhìn ra cửa chứng kiến cảnh bạn bè chơi đùa, ríu rít rủ nhau đến trường, anh chị lại ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong.

Đến năm 2012, Tuần được chuyển về BVĐK Hà Tĩnh để chạy thận. Vẫn 1 tuần 3 buổi nhưng không còn những chuyến đi dài tốn kém. Tuy nhiên, do thiếu máu, thiếu chất và tác động của thuốc đã khiến Tuần không thể phát triển được. 17 tuổi, 14 năm chạy thận, Tuần hiện chỉ cao được 1m với cân nặng hơn 20kg.

14 năm chạy thận, cậu bé 17 tuổi chỉ nặng hơn 20kgNhững lúc ổn định, Tuần lại ngồi nhìn em học để nguôi ngoai nỗi nhớ sách vở, trường lớp

Bác sỹ Trần Tiền – Khoa cấp cứu Chống độc BVĐK Hà Tĩnh cho biết: “Bởi chạy thận lâu dài nên giờ đây bệnh nhân Tuần sức khỏe rất yếu. Biết hoàn cảnh Tuần khó khăn nên bệnh viện cũng đã cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho em. Nhưng với căn bệnh này, bản thân Tuần và gia đình cũng phải cố gắng chuẩn bị tốt tinh thần và kinh tế để chống chọi với những chu kỳ chạy thận lâu dài hơn”.

Mỗi lần chạy thân xong, Tuần mới có thể duy trì sự sống nhưng những cơn đau do thiếu máu, khó thở, do các triệu chứng cao, thấp huyết áp luôn xuất hiện trong những giấc ngủ chập chờn. Thương bố mẹ, em thường cắn răng chịu đựng nhưng có những lúc không thể cố, em lại òa lên khóc như 1 đứa trẻ.

14 năm chạy thận, cậu bé 17 tuổi chỉ nặng hơn 20kgPhải chạy thận để duy trì sự sống, Tuần và gia đình rất mong được sự hỗ trợ của những tấm lòng hảo tâm

Nhà 5 miệng ăn, nhưng chỉ có 1 sào ruộng, để duy trì cuộc sống, kiếm thêm tiền lo cho Tuần chữa bệnh và 2 em ăn học, bố Tuần phải làm thêm nhiều việc, mẹ em cũng mượn thêm của bà con làng xóm 4 sào ruộng. Chia sẻ với nỗi vất vả của bố mẹ, nhiều lúc rất mệt mỏi nhưng em vẫn cố gắng lên xe buýt. Tuần tâm sự: “Em đã gắn bó với xe buýt từ những ngày đầu mở tuyến nên đến nay những tài xế, những hành khách cùng tuyến đều biết em. Cứ đến giờ, đến ngày là các bác lại dừng trước cửa nhà cho em lên. Họ không thu tiền vé mà còn cho em thêm tiền để uống sữa. Em cảm động lắm!”.

Mặc dù bảo hiểm đã chi trả mọi chi phí, nhưng để có thêm tiền thuốc bổ, bồi dưỡng… mỗi tháng, gia đình phải chi 4-5 triệu đồng cho Tuần. Cuộc sống của bệnh nhân suy thận gắn với cái án “chung thân” tại bệnh viện, vì thế, để kéo dài sự sống, Tuần rất cần sự chia sẻ của những những tấm lòng hảo tâm.

Mọi sự chia sẻ, giúp đỡ Tuần xin được gửi về địa chỉ: Anh Đinh Văn Quyết, chị Võ Thị Thiết thôn Thịnh Lộc, xã Sơn Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), Điện thoại: 0911082167; hoặc Toà soạn Báo Hà Tĩnh, số 223 Nguyễn Huy Tự, thành phố Hà Tĩnh, số tài khoản: 0202000445566 tại Vietcombank Hà Tĩnh.

CATP Hà Tĩnh