34 cán bộ hải quan tiếp tay doanh nghiệp lừa hoàn thuế bị truy tố
Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra cáo trạng lần 2 truy tố 52 bị can phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 34 đối tượng phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", 7 đối tượng khác phạm tội "Mua bán trái phép hoá đơn".
Ngày 4-11, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra cáo trạng lần 2 truy tố 52 bị can, trong đó có 11 đối tượng là chủ doanh nghiệp phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 34 đối tượng nguyên là chi cục trưởng, chi cục phó, đội trưởng và công chức hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang, phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", 7 đối tượng khác phạm tội "Mua bán trái phép hoá đơn". Cáo trạng truy tố lần này thay thế cáo trạng số 11/VKSTC-V1 ngày 13-4-2016. Theo cáo trạng, từ tháng 5-2011 đến tháng 3-2013, lợi dụng chính sách về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của nhà nước trong việc xuất khẩu hàng hoá, Lê Thị Chi, Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ vận tải xuất nhập khẩu Kim Chi (công ty Kim Chi), 37 tuổi, trú tại thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang cùng 10 đồng phạm khác là giám đốc, chủ doanh nghiệp, kế toán… đã dùng thủ đoạn gian dối, sử dụng 3 pháp nhân là công ty Kim Chi, công ty Phương Phương Tùng và doanh nghiệp Dân Thành Đô mua bán trái phép hoá đơn GTGT của nhiều doanh nghiệp trong nước. Qua đó nhóm bị can do Chi cầm đầu đã quan hệ móc nối chi tiền bồi dưỡng cho cán bộ hải quan (34 người) thuộc cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang, ký xác nhận theo thủ tục lập hồ sơ xuất khẩu hàng hoá khống, không đúng thực tế cho công ty Tam Hung, Công ty Leng Kheang Long của Campuchia để xin hoàn thuế GTGT. Số tiền chiếm đoạt của ngân sách nhà nước tổng cộng gần 42 tỉ đồng. Các bị can Nguyễn Việt Cường, Châu Thuý Hằng… (trong nhóm 7 đối tượng mua bán trái phép hoá đơn) vì động cơ vụ lợi đã bán cho Lê Thị Chi tổng cộng 2.381 hoá đơn GTGT khống hàng hoá hoặc không đúng thực tế mua vào để hợp thức hoá các bộ hồ sơ xin hoàn thuế GTGT, với tổng số tiền khống ghi trên các số hoá đơn là gần 444 tỉ đồng để làm thủ tục hoàn thuế cho Chi chiếm đoạt số tiền gần 42 tỉ đồng nêu trên của ngân sách nhà nước. Đối với 34 cán bộ hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang, tuy đã biết công ty Kim Chi, công ty Phương Phương Tùng và doanh nghiệp Dân Thành Đô của Lê Thị Chi khai khống số lượng hàng hoá trong các tờ khai xuất khẩu hàng hoá (chủ yếu là các tờ khai xuất khẩu mặt hàng bách hoá tổng hợp) cho 3 doanh nghiệp này. Nhưng vì động cơ vụ lợi đã làm trái công vụ, không đề xuất chuyển phân luồng tờ khai để kiểm tra thực tế hàng hoá mà vẫn đăng ký tiếp nhận, ký xác nhận đóng dấu công chức hải quan hàng hoá đã xuất khẩu, đã làm thủ tục hải quan trên các tờ khai xuất khẩu hàng hoá của công ty Kim Chi, công ty Phương Phương Tùng, doanh nghiệp Dân Thành Đô để Lê Thị Chi cùng các đồng phạm khác sử dụng các tờ khai hải quan xuất khẩu hàng hoá khống kê khai, lập hồ sơ đề nghị xin hoàn GTGT trái quy định của pháp luật. Cụ thể, từ tháng 9-2012 đến tháng 10-2013 Nguyễn Văn Biên, chi cục trưởng chi cục hải quan cửa khẩu Khánh Bình, đã đồng ý và cho chủ trương để cán bộ cấp dưới quyền ký xác nhận khống trên các tờ khai hàng hoá xuất khẩu cho 3 công ty của Chi, không phân biệt có hàng hoá hay không có hàng hoá và nhận tiền bồi dưỡng của Lê Thị Chi theo thoả thuận 0,3% trị giá ghi trên tờ khai và chia theo tỉ lệ ca trực; trong đó, Nguyễn Văn Biên được 24%, hai chi cục phó, đội trưởng được chia 12%. Tổng số tiền mà 34 cán bộ hải quan này hưởng lợi gần 2 tỉ đồng, trong đó Nguyễn Thành Trí, Đội trưởng Đội kiểm soát hải quan Cục hải quan An Giang hưởng lợi bất chính gần 357 triệu đồng, Nguyễn Văn Biên hưởng 261 triệu đồng, Nguyễn Phi Công, chi cục phó chi cục hải quan cửa khẩu Khánh Bình hưởng 140 triệu đồng, Thái Thanh Nguồn, chi cục phó, hưởng lợi bất chính 129 triệu đồng… Số cá bộ hải quan còn lại, người ít nhất hưởng lợi 5 triệu đồng, người cao nhất là 95 triệu đồng. Số tiền còn lại đưa vào bếp ăn tập thể của đơn vị.
CATP Hà Tĩnh