Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

42 năm - Những chiến công đi cùng năm tháng

Chúng ta đang sống trong những ngày của Tháng Tư lịch sử, ngày mà cách đây 42 năm, dân tộc Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhìn lại lịch sử để một lần tri ân các thế hệ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Cùng với lực lượng Công an nhân dân cả nước, cùng với quân và dân Hà Tĩnh, hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Công an Hà Tĩnh đóng góp quan trọng trong thành quả chung của quê hương dân tộc.

Cầu Hiền Lương năm 1954

Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, đất nước ta bị chia cắt làm 2 miền: Miền Bắc và Miền Nam. Với nhiệm vụ của từng miền, Đảng ta xác định thời kỳ này: Miền Bắc tiến hành hàn gắn vết thương chiến tranh khôi phục kinh tế, tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội. Miền Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc. Nhưng với âm mưu thâm độc, Mỹ đã mở chiến dịch dụ dỗ, cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam, chúng thành lập “Hội đồng di cư Bắc Việt”, đồng thời tung luận điệu “Chúa đã vào Nam” nên đã tạo ra một làn sóng giáo dân di cư ở khắp miền Bắc. Âm mưu dụ dỗ cưỡng ép di cư rộ lên ở Hà Tĩnh đầu tiên là ở Đức Ninh- huyện Đức Thọ. Hai trăm hộ giáo dân ở xứ đạo Thọ Ninh đã bán ruộng đất, đồ đạc để vào Nam. Qua điều tra, Công an Hà Tĩnh nắm được 2 tên Lưu Châu, Lưu Hạnh đã liên lạc với phòng nhì Pháp ở Hải Phòng nhận kế hoạch về cưỡng ép di cư. Công an Hà Tĩnh đã lập chuyên án lấy ký hiệu K12 để điều tra, kết quả đấu tranh nắm được âm mưu của bọn chúng câu kết với bọn phản động lợi dụng đạo Thiên chúa gây rối trật tự ở các vùng Hương Sơn, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, bắt 3 tên gián điệp: Lưu Bá Sơn, Trần Văn Hoà (Hương Khê), Phan Xuân Liên (Hương Sơn).

Thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cuối năm 1955, Hà Tĩnh tập trung lực lượng hoàn thành cuộc vận động cải cách ruộng đất đợt 4 ở 245 xã và đợt 5 ở 6 xã vùng biển. Trước khi cải cách ruộng đất, Công an Hà Tĩnh đã tập trung lực lượng điều tra cung cấp tình hình chính trị xã hội cho các đội công tác; tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc vận động cải cách ruộng đất, tuy nhiên cải cách ruộng đất đã phạm phải một số sai lầm. Thực hiện chỉ đạo sửa sai của Trung ương và của tỉnh, Công an Hà Tĩnh đã phối hợp với khối nội chính tiến hành điều tra xác minh và trả lại tự do cho 1.077 cán bộ và nhân dân bị bắt oan, sửa sai cho 4.647 hộ nông dân không đúng là địa chủ. Lợi dụng sai lầm của ta trong cải cách ruộng đất, chính quyền Ngô Đình Diệm hô hào “Bắc tiến”, tung gián điệp ra miền Bắc thu thập tình báo và phá hoại. Ở Hà Tĩnh, hoạt động chống phá nổi bật nhất vẫn là bọn phản động lợi dụng đạo Thiên chúa phản công quyết liệt; đòi thanh minh cho số linh mục phản động có tội đã bị bắt, đòi trả ruộng đất cho nhà xứ… Trước tình hình đó, Công an Hà Tĩnh đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền tổ chức vận động quần chúng, huy động lực lượng bắt một số đối tượng phản động lợi dụng đạo Thiên chúa, giáo dân đồng tình ủng hộ, trật tự an ninh trở lại ổn định.

Tỉnh Hà Tĩnh có đường biên giới đất liền dài, địa hình rừng núi hiểm trở, có nhiều đường tiểu mạch nên trong “chiến tranh Đặc biệt” Mỹ - Diệm đã tiến hành hoạt động tung gián điệp biệt kích xâm nhập qua biên giới, bờ biển để đi sâu vào nội địa nhằm tiến hành các hoạt động thu thập tình báo và phá hoại. Địch đã tung 23 toán gián điệp biệt kích vào địa bàn Hà Tĩnh qua biên giới phía Tây và từ biển Đông vào (trong đó có 7 vụ qua biên giới đường bộ và đường không, 16 vụ qua đường biển bằng canô, tàu thuyền, người nhái). Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, của cấp uỷ, chính quyền địa phương, Công an Hà Tĩnh đã lập án đón chặn bắt giữ 20 vụ/23 vụ gián điệp biệt kích, có vụ câu nhử, bắt giữ hàng chục tên, thu hàng chục tấn hàng hoá, phương tiện điện đài, vũ khí, chất nổ.

Bắt toán gián điệp biệt kích Lê Khoái

       Điển hình, năm 1962, bắt toán gián điệp biệt kích do Lê Khoái làm toán trưởng xâm nhập từ tuyến biển vào phía bắc Đèo Ngang. Năm 1967, sau khi phối hợp với dân quân bạn (Lào) bắt gọn toán gián điệp biệt kích “Hadley”. Dược sự chỉ đạo của Bộ Công an, Công an Hà Tĩnh đã lập chuyên án đấu tranh với mật danh “K50”, dùng kế “câu nhử địch”, chuyên án kéo dài 3 năm (từ năm 1967 đến năm 1970), bắt gọn 7 toán, gồm 56 tên, thu toàn bộ tang vật. Năm 1971, Công an Hà Tĩnh đã triển khai đội hình, phối hợp với dân quân bản Un Xắc (Lào) truy lùng, truy kích địch, tiêu diệt 9 tên, bắt sống 12 tên gián điệp hỗn hợp Việt- Lào xâm nhập vào biên giới thuộc huyện Hương Khê.

Phá thành công Chuyên án K50

Ngoài việc tung các toán gián điệp biệt kích xâm nhập vào địa bàn Hà Tĩnh để phá hoại, kẻ địch cũng tìm mọi cách móc nối, hình thành các tổ chức phản động trong nội địa, âm mưu kích động gây bạo loạn, chống phá việc thực hiện kế hoạch cải cách và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an Hà Tĩnh đã chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền tiến hành cuộc vận động quần chúng “khoanh vùng trấn phản”, phục vụ tốt việc trấn áp bọn phản cách mạng ở 5 địa bàn trọng điểm và 68 địa bàn xã có tình hình phức tạp.

Điển hình, ngày 01/3/1967, phá chuyên án “cuốn sách trắng” bắt Trần Cầu là giáo viên cấp 2 Bình Lộc, Can Lộc, mật danh “Liên đoàn những người yêu nước không đảng phái” viết sách tuyên truyền phản cách mạng, chống chế độ xã hội chủ nghĩa. Đầu năm 1972, lập chuyên án đấu tranh phá tổ chức phản động “Hội dân lập giải phóng” do Trần Đình Nam, Lê Trạch, Lê Hoà cầm đầu, nhằm đảm bảo yêu cầu “bóp chết tổ chức địch ngay từ trong trứng”, không để chúng liên lạc với bọn gián điệp biệt kích, không để phát triển lan rộng, góp phần ổn định an ninh trật tự.

Hà Tĩnh ở vào vị trí xung yếu, yết hầu, lại nằm trên con đường huyết mạch giao thông quốc lộ 1A, đặc biệt là có tuyến đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy núi Trường Sơn nên trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, quân đội Mỹ nguỵ đã tập trung nhiều máy bay thả bom nhằm cắt đứt đường tiếp tế của miền Bắc cho miền Nam. Địch phát hiện tuyến giao thông phía Bắc Hà Tĩnh còn đơn tuyến, nhiều nơi hiểm yếu, khó khắc phục nên chúng tập trung đánh phá các huyện phía Nam (Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Khê) nhưng không sao ngăn chặn được sự chi viện của miền Bắc, vì vậy chúng chuyển sang đánh phá các huyện phía Bắc (Can Lộc, Đức Thọ) với âm mưu đánh vào giao thông vận tải một cách triệt để và toàn diện, chốt chặn một số trọng điểm, kết hợp khống chế toàn tuyến, nhằm cắt đứt tuyến giao thông vận tải đường bộ Bắc- Nam trên địa bàn Hà Tĩnh. Đặc biệt, đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2, chúng dùng máy bay chiến lược B52 hòng tránh lưới lửa phòng không của chúng ta, vừa dùng vũ khí tối tân uỷ hiếp, đe doạ tinh thần, phá hoại để ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam, ném bom rải thảm nhằm huỷ diệt sự sống hàng loạt, chúng còn dùng bom thuỷ lôi phong toả cảng Xuân Hải, Cửa Sót, Cửa Nhượng và các tuyến đường sông: Sông Lam, Sông La, Ngàn Sâu, Ngàn Phố… các bến phà Linh Cảm, Địa Lợi, Khe Giao.

Tiểu đội CSGT Ngã ba Đồng Lộc hướng dẫn xe qua trọng điểm

Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ an toàn vật tư, hàng hoá trên các tuyến đường hướng ra tiền tuyến, Công an Hà Tĩnh đã thực hiện phương châm “4 bám”: Bám sát mặt đường, bám sát cầu phà, bám sát phương tiện xe, thuyền và bám sát kho tàng, bến bãi, với tinh thần “địch phá ta cứ đi”. Chiến tranh ngày càng diễn ra ác liệt, công tác đảm bảo giao thông vận tải ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp, nhưng lực lượng Công an quyết tâm khắc phục khó khăn, không sợ hy sinh gian khổ, ngày đêm phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bộ đội, công nhân giao thông, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ trong công tác thông đường, thông xe, giải toả hàng hoá ùn tắc phục vụ yêu cầu tiền tuyến. Phối hợp với lực lượng công binh để rà phá bom trên các tuyến giao thông đường bộ và phá bom thuỷ lôi trên các cửa biển, luồng lạch, sông ngòi; đồng thời phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc gắn với nhiệm vụ chính trị; toàn dân san lấp hố bom và cải tạo đồng ruộng. Do đó, mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng giao thông vẫn tải vẫn thông suốt, phục vụ chi viện kịp thời cho các chiến trường. Tiêu biểu là Tiểu đội Cảnh sát giao thông Ngã ba Đồng Lộc; Trạm Cảnh sát giao thông Công an Kỳ Anh.

Cùng với việc đảm bảo giao thông thông suốt, Công an Hà Tĩnh đã  triển khai các kế hoạch bảo vệ tài sản, hàng hoá, vũ khí trong các kho tàng, bến bãi, trên các phương tiện giao thông vận tải. Xây dựng và tổ chức tập luyện các phương án phòng chống cháy nổ, nhất là các phương án phòng chống cháy khi bị địch đánh phá vào các mục tiêu. Do đó, trong thời kỳ chiến tranh phá hoại, các vụ cháy do địch gây ra đều được dập tắt kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Điển hình là, ngày 26/3/1965, Mỹ ném bom khu vực núi Nài, lực lượng Công an đã dũng cảm xông pha dưới các làn bom địch, dập tắt các đám cháy, cứu chữa được hàng trăm ngôi nhà dân. Ngày 22/9/1972, kho thuốc trừ sâu phục vụ trong sản xuất nông nghiệp ở Thạch Minh- Thạch Hà bị trúng bom bốc cháy, lực lượng Công an đã nhanh chóng triển khai phương án chữa cháy cùng với nhân dân cứu chữa, vận chuyển 10 tấn thuốc trừ sâu đến nơi an toàn. Ghi nhận những thành tích đó, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an Hà Tĩnh đã được tuyên dương đơn vị anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ.

Chòi canh gác của lực lượng PCCC Công an Hà Tĩnh những năm chống Mỹ

Thực hiện mong muốn của Bác Hồ là giải phóng niềm Nam thống nhất Tổ quốc, với sự chỉ đạo thường xuyên của Bộ Chính trị; đảm bảo trong mọi tình huống phải chi viện về sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Cùng với sự chi viện của Công an cả  nước, lực lượng Công an Hà Tĩnh đã điều động hàng trăm cán bộ có kinh nghiệm công tác, có tinh thần cách mạng không sợ hy sinh gian khổ để chi viện cho an ninh các tỉnh phía Nam. Từ năm 1964- 1973 đã huy động 123 đồng chí vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam, trong đợt tổng động viên lực lượng cho giải phóng miền Nam. Đã có 121 cán bộ chiến sỹ tình nguyện vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam và ở lại bổ sung lực lượng cho Công an các tỉnh. Lực lượng Công an Hà Tĩnh được tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam, nhiều đồng chí đã lập công xuất sắc, 52 đồng chí đã anh dũng hy sinh được công nhận là liệt sỹ, 30 đồng chí được công nhận là thương binh.

Trong những năm kháng chiến chông Mỹ cứu nước Công an Hà Tĩnh đã luôn sát cánh cùng các lực lượng Quân đội, dân quân, du kích, thanh niên xung phong, cán bộ nhân dân địa phương nêu cao tinh thần chiến đấu, không sợ gian khổ, hy sinh để đánh lại địch, bảo vệ tài sản, phục vụ đắc lực cho hoạt động chi viện chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Những thành tích, chiến công của lực lượng Công an Hà Tĩnh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước góp phần tô thắm thêm truyền thống, khẳng định sự trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt của lực lượng Công an nhân dân nói chung và Công an Hà Tĩnh nói riêng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Công an Hà Tĩnh đã có 4 tập thể, 2 cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu là Anh hùng lực lượng vũ trang, được tặng thưởng 2 Huân chương chiến công hạng nhất, 2 huân chương chiến công hạng nhì, nhiều bằng khen của Chính phủ, Bộ Công an, Uỷ ban nhân dân tỉnh; gần đây nhất ngày 01/3/2010 Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cho phòng CSGT Công an Hà Tĩnh.

Những chiến công, những bài học kinh nghiệm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước luôn được các thế hệ cán bộ chiến sĩ Công an Hà Tĩnh hôm nay luôn khắc ghi, trân trọng, tự hào. Những bài học kinh nghiệm được rút ra trong kháng chiến đến nay vẫn còn nguyên giá trị khoa học để tiếp tục xây dựng lực lượng Công an Hà Tĩnh vững mạnh toàn diện, đáp ứng trước mọi yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, mà Ngành giao phó, giữ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.

CATP Hà Tĩnh