An ninh mạng – góc nhìn từ tâm điểm dư luận: Cần tránh định kiến và nhìn nhận sai lệch
An ninh mạng là vi phạm nhân quyền? Hiểu như vậy là sai lệch. Như dẫn chứng phần trên, rất nhiều quốc gia đã có hành lang pháp lý về an ninh mạng và thậm chí còn gắt gao hơn nhiều để đảm bảo an ninh quốc gia và quyền con người.
Lắng nghe chỉnh lý, tránh áp đặt
Đương nhiên, khi ban hành thể chế pháp lý, việc lắng nghe ý kiến phản biện đa chiều là yêu cầu tất yếu. Không thể tự nghiền ngẫm, vạch ra quy định theo ý chỉ của mình để coi đó là khoa học và buộc người khác tuân theo.
Đặc biệt, ngày nay với tính dân chủ, phản biện xã hội được nâng cao, việc soạn thảo luật pháp càng phải đề cao tính phản biện, lắng nghe ý kiến đa chiều, tránh các biểu hiện chủ quan, duy ý chí dẫn tới quy định luật pháp xa rời thực tiễn, mang tính máy móc, cứng nhắc, thậm chí hà khắc kiểu phong kiến. Với vấn đề nhạy cảm và phức tạp như mạng internet, điều này càng phải cẩn trọng, phải hết sức khách quan.
|
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng.
|
Bài học từ những kiểu ban hành “luật trên trời”, “luật phòng lạnh” còn nóng hổi, chẳng những gây “trò hề” mà còn khiến dân mất tin, tính uy nghiêm luật pháp suy giảm. Vấn đề cốt lõi là phải xem xét trong những ý kiến đóng góp, đâu là ý kiến tích cực cần tiếp thu, chỉnh lý, đâu là ý kiến sai trái, thù địch, cần phải loại trừ.
Chính bởi vậy, Ủy ban thường vụ (UBTV) Quốc hội khi xem xét vấn đề an ninh mạng internet trong luật đã rất cẩn trọng. Cùng việc hội thảo, lấy ý kiến, nghiên cứu, tham khảo luật pháp quốc tế, cơ quan lập pháp phải tổng kết thực tiễn từ chính hiện tình đất nước, xã hội để “căn luật” sao cho khoa học. Và nhiều ý kiến góp ý đã được chỉnh sửa, tiếp thu.
Chẳng hạn, việc bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam, đây là vấn đề có nhiều ý kiến. UBTV Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổ chức hội nghị để tọa đàm, trao đổi với các vị đại sứ, làm rõ các kiến nghị có liên quan.
Sau khi cân nhắc nhiều mặt, đồng thời tham khảo các quy định tương tự của pháp luật một số nước là thành viên của WTO, UBTV Quốc hội đã chỉnh lý theo hướng: Về yêu cầu đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam, không quy định nội dung này trong dự thảo luật để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Đây là vấn đề lớn từng vấp phản ứng mạnh, nay Quốc hội bỏ quy định này sau khi cân nhắc kỹ lưỡng cho thấy sự thận trọng, khách quan, vì xu thế chung chứ không phải áp đặt, “thích thì làm” như một số luận điểm.
Về yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam thì giữ lại nội dung này và ghép với quy định tương tự đối với doanh nghiệp trong nước để chỉnh lý thành khoản 2, Điều 26 dự thảo Luật đã chỉnh lý.
Tránh hiểu sai lệch, định kiến
Hiện nay, còn một số vấn đề nhiều người còn hiểu sai, cho rằng an ninh mạng là cấm đoán, là “cự tuyệt” bên ngoài. Có ý kiến nói, Nhà nước cấm Facebook, Google... vào Việt Nam để “xài mạng riêng”. Đây là quan niệm sai, chúng ta chỉ yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam.
Cũng có người nói, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc mới yêu cầu phải đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu người dùng trong nước. Điều này cũng sai trái bởi đến nay, đã có hơn 18 quốc gia thành viên của WTO (trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Australia, Đức, Pháp...) đã quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia. Mới đây nhất có thêm Ấn Độ cũng yêu cầu điều tương tự!
Trên Faceboook, có người nói, Luật An ninh mạng Việt Nam yêu cầu “cung cấp toàn bộ thông tin người dùng cho nhà nước, kể cả tin nhắn cá nhân, riêng tư...”. Hoàn toàn không có chuyện như vậy.
Luật quy định rõ: “Cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng”. Có nghĩa là khi cần cung cấp thông tin thì người đó đang bị điều tra về hành vi phạm pháp và phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền mới được phép.
An ninh mạng là vi phạm nhân quyền? Hiểu như vậy là sai lệch. Như dẫn chứng phần trên, rất nhiều quốc gia đã có hành lang pháp lý về an ninh mạng và thậm chí còn gắt gao hơn nhiều để đảm bảo an ninh quốc gia và quyền con người. Tại Đức, Bộ Tư pháp rất coi trọng việc đảm bảo an ninh mạng, họ quy định rõ, Facebook nếu quản lý không tốt để người dân kích động bạo lực, chửi bới trên mạng, xuyên tạc sẽ bị phạt nghiêm khắc.
Trên mạng, nhiều người vội “quan ngại” cho rằng Facebook, Google sẽ rút khỏi Việt Nam, trong khi người trong cuộc không nghĩ vậy. Sau khi Luật An ninh mạng được Quốc hội chính thức thông qua, đại diện Facebook tại Việt Nam cho biết hoạt động của Facebook không hề bị ảnh hưởng tại Việt Nam. Hơn thế nữa, họ cho rằng, luật sẽ mở ra nhiều cánh cửa giúp Facebook hoạt động tốt hơn, cũng như phối hợp tốt hơn với Chính phủ Việt Nam trong tương lai.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng nước ta ngày càng diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều nguy cơ thách thức không chỉ đối với nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh đối với các hoạt động sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, phát tán thông tin xấu độc, vu khống, sai sự thật; bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng; phòng chống lợi dụng mạng để tiến hành các hoạt động khủng bố, tuyên truyền chống phá chế độ.
Nhiều hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (hệ thống thông tin của Chính phủ, các bộ, các tổ chức, ngân hàng, năng lượng, hàng không...) đã trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên của tin tặc.
Mỗi năm có hàng chục ngàn cuộc tấn công nhằm vào các cơ quan chính phủ, các hệ thống tài chính, ngân hàng, hạ tầng thông tin trọng yếu, trang web của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam... nhằm đánh cắp thông tin, bí mật nhà nước, thành tựu khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ. Các loại virus, mã độc, vũ khí mạng xuất hiện ngày càng nhiều, một số loại được thiết kế chuyên biệt, hết sức nguy hiểm. Trong khi đó hệ thống mạng thông tin nước ta còn nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, không được kiểm tra, đánh giá thường xuyên.
Những năm gần đây, hệ thống máy điện toán của Việt Nam đã bị xâm nhập nhiều lần. Năm 2014 chứng kiến hệ thống máy điện toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường bị tấn công vào dịp Trung Quốc kéo giàn khoan vào Biển Đông.
Vào 2016, một ngân hàng bị xâm nhập và mất cắp 1,1 triệu USD. Hai tháng sau hệ thống máy điện toán của của sân bay Tân Sân Nhất, Nội Bài bị tin tặc tấn công, phá hoại. Năm 2017, hàng ngàn máy điện toán ở Việt Nam bị nhiễm WannaCry virus. Gần đây, 75 triệu tài khoản người dùng của VNG, một công ty về trò chơi và Internet lớn nhất của Việt Nam cũng đã bị đánh cắp.
Việc bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và an toàn xã hội theo cấp độ và áp dụng các biện pháp bảo đảm là cấp bách. Không gian mạng trở thành môi trường lý tưởng cho âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta, thông qua các hoạt động thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa; liên lạc, móc nối, chỉ đạo và thành lập tổ chức hoạt động chống phá; sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, gây rối an ninh, chuyển hóa chính trị ở nước ta. Việc xây dựng hành lang pháp lý đảm bảo an ninh trên mạng internet rõ ràng là yêu cầu khách quan, không thể nói Việt Nam làm luật và phát triển kỹ thuật “để bịt miệng dân và củng cố chế độ độc tài”!
Theo Báo CAND
CATP Hà Tĩnh