Anh nằm lại nơi núi rừng Tây Bắc
Tháng 7, tháng của sự tri ân, khiến ta nhớ về những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Lực lượng CAND đã có nhiều cán bộ chiến sỹ mãi mãi ra đi trong cuộc chiến chống tội phạm.
Phía sau họ là người vợ, người mẹ, là những đứa con hụt hẫng, chống chếnh trước nỗi đau lớn trong đời. Họ cũng là những người đã phải hi sinh hạnh phúc riêng tư, nén nỗi đau để sống thêm phần cho người đã khuất vì sự nghiệp vẻ vang.
Nửa năm nay, người vợ tần tảo của Trung tá Trần Văn Hinh, Phòng CSGT Công an tỉnh Điện Biên đi về trong đơn chiếc. Một mình chị lủi thủi trong căn nhà ở tổ 9, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ.
Chị âm thầm với công việc quen thuộc bao năm: sáng sớm ra chợ nhận thịt bán, gần trưa về nhà làm giò chả, chiều lại ra chợ, rồi trở về khi trời đã tối. Cũng chừng ấy thời gian, chị trở về trong nỗi buồn vô hạn.
Trung tá Trần Văn Hinh và gia đình. |
Không còn anh để mong ngóng, không còn niềm vui chuẩn bị bữa cơm tối đón anh về. Lặng lẽ ngắm anh trong bức ảnh phía trên cao, lặng lẽ thắp nhang để khói hương lan tỏa trong ngôi nhà thiếu vắng người đàn ông trụ cột. Ngày nào cũng thế, chị vẫn đau đớn mỗi khi trở về ngôi nhà ấm áp khi xưa.
Giáp Tết Bính Thân 2016. Đúng vào những ngày rét tái tê, băng tuyết phủ trắng cành cây ngọn cỏ vùng núi phía Bắc, chồng chị - Trung tá Trần Văn Hinh, Trạm trưởng Trạm CSGT Tuần Giáo có mặt trên cung đường đèo Pha Đin làm nhiệm vụ phân luồng giao thông.
Băng tuyết phủ kín mặt đường, có đoạn dày tới 2cm khiến đường trơn trượt, xe đi lại khó khăn và nguy hiểm. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, sáng sớm 25-1 anh đã cùng các chiến sỹ đứng ở mặt cầu trên cung đường đèo hướng dẫn xe qua tránh ách tắc giao thông.
Khoảng 8h40 khi đang hướng dẫn một chiếc xe tải trên cầu thì chiếc xe mất lái, văng đuôi xe ép anh Hinh vào thành cầu. Đồng đội, người dân có mặt tại đó bất lực trước sự việc bất ngờ. Anh nằm xuống giữa thời tiết khắc nghiệt, gia đình buốt lòng đón anh trở về.
Chị Nguyễn Thị Nam, vợ Trung tá Trần Văn Hinh nức nở khi nhắc đến chồng: “Tính đến ngày hôm nay (20-7) anh ra đi được 6 tháng 1 ngày. Ngày nào chị cũng đếm và cũng nhớ…”. Câu nói khiến người nghe như bị bóp nghẹn con tim.
Lãnh đạo Cục CSGT thăm hỏi, chia buồn với gia đình Trung tá Trần Văn Hinh |
Tròn 6 tháng qua vắng bóng anh trên cõi đời này chị vẫn chưa thật tin là anh không còn trở lại. Sau khi anh mất, đồng đội bảo chị chuyển giấy tờ của anh để đề nghị ghi công anh, chị bảo chưa làm gì trước 49 ngày vì chị chưa chấp nhận được sự ra đi của anh.
Và cho đến bây giờ: “Đã 6 tháng rồi mà không sao nguôi ngoai được em à! Trước đây buổi tối còn nghe tiếng nhau... Biết là có suy nghĩ cũng không làm gì được nhưng nó vẫn còn trong tâm thức” – chị nói trong nước mắt.
Chị kể, anh chị đều là người miền xuôi lên Điện Biên lập nghiệp. Chị người gốc Nam Định, anh ở Ninh Bình. Họ yêu nhau được một thời gian thì anh lên Lai Châu công tác. 3 năm sau, năm 1989 anh trở về, tổ chức đám cưới rồi đưa nhau lên Tây Bắc. Chị theo anh, mang theo nghề làm giò chả lên vùng đất mới. Chị vẫn có tiếng đảm đang, cố gắng bươn chải để chồng yên tâm công tác.
Hai đứa con, một trai một gái lần lượt ra đời, lớn khôn và nay đều theo nghề của cha, công tác ở Hà Nội. 5 năm nay anh làm nhiệm vụ ở Trạm CSGT Tuần Giáo cách nhà chừng 80km, tuần về nhà 1 lần. Ít về nhưng tối nào anh cũng gọi điện nói chuyện với vợ. Là vợ Công an, cũng giống như nhiều phụ nữ khác, chị phải chịu thiệt thòi hơn người khi không có chồng ở nhà đều đặn mỗi tối.
Thế nhưng, chị vẫn coi đó là công việc, và chị cùng các con luôn tự hào về anh. Chị động viên anh: “Con lớn rồi. Anh đi công tác đâu cũng được”. Chị ở nhà tần tảo, là bến đậu bình yên cho anh và các con trở về.
Hôm đó, nhiệt độ khắp khu vực Tây Bắc đều xuống thấp. Nhiều nơi 0 độ, hoặc âm độ. Chị Nam vẫn đi chợ như mọi ngày. Khi đồng đội anh gọi điện báo anh bị tai nạn, chị về, nhưng vẫn cứ nghĩ anh chỉ bị nhẹ thôi. Tối hôm trước anh còn gọi điện bàn với chị đặt cơm mời các bác đồng nghiệp về ăn sau khi triển khai công tác Tết. Nào ngờ…
Người dân, bạn bè đau đớn tiễn đưa Trung tá Trần Văn Hinh |
Đau đớn, xót xa, chị hỏi mấy chiến sỹ cùng trạm với anh: “Chú kịp ăn sáng chưa con?”. Rồi chị nghe các chiến sỹ trẻ kể lại, anh Hinh vẫn thích ăn mì tôm sáng. Hôm đó các cháu úp cho bát mì tôm rồi lên đường.
Trạm chỉ có 3 chú cháu, chẳng lẽ giá rét thế này lại để các cháu ra làm việc một mình. Vậy là cả chú và cháu đều ra bám mặt đường trơn trượt. Ai ngờ đâu, đó là buổi làm việc cuối cùng của anh.
Hồng Nhung - nữ chiến sỹ An ninh, con của vợ chồng chị Nam tâm sự với tôi rằng em vẫn cứ nghĩ như bố đi công tác xa.
Trong tâm thức của con gái, anh Hinh là người bố vô cùng tốt tính, dù đi làm xa nhưng vẫn quan tâm đến gia đình, hầu như ngày nào cũng gọi điện cho con. “Vừa mới hôm trước 2 bố con còn thủ thỉ với nhau, hôm sau bố đã đi rồi…” - Nhung nhớ lại.
Có lúc, nhớ bố cồn cào, em đưa lên facebook như nói ra để bố nghe được. Có khi trên dòng thời gian của Nhung là tình cảm dành cho mẹ: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy.
Con còn có mẹ để yêu thương”. Mất mát tình cảm của bố, em dồn cả tình cảm của mẹ và vẫn thấy mình còn được yêu thương. Những dòng thơ của một người bạn đã chia sẻ nỗi buồn với gia đình Trung tá Hinh được Nhung nhắc lại trong nỗi nhớ khôn cùng:
“Ba hy sinh vào đúng đợt gió mùa
Trời Tây Bắc, thiếu ba, con lạnh lắm
Sao ba không về, giúp con ủ ấm
Con ghét ba sao ba mãi chẳng về…”.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Chính sách, Bộ Công an, trong thời gian 5 năm, từ năm 2010 đến 2015 có hơn 30 CBCS hi sinh trong khi làm nhiệm vụ được công nhận liệt sỹ; có 280 CBCS bị thương được công nhận là thương binh. Ngoài ra, còn nhiều CBCS hi sinh, bị thương chưa được hưởng chế độ, chính sách hoặc đang trong quá trình đề nghị, xét duyệt được hưởng chế độ, chính sách thương binh, liệt sỹ. |
CATP Hà Tĩnh