Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Bác Hồ trong lòng người dân Nam Bộ

Những ngày này, hòa chung không khí của cả nước, đồng bào nhiều tỉnh Nam Bộ đang nô nức hướng đến kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19-5-1890 - 19-5-2018).

Ở huyện Cù Lao Dung, nơi có Đền thờ Bác Hồ do nhân dân nơi đây lập nên khi nghe tin Bác qua đời (1969), từ ngày Bác ra đi đến nay, mỗi dịp sinh nhật cũng như ngày giỗ Bác, người dân đến Đền thắp nén nhang dâng Bác. Đã thành thông lệ, gần đến ngày 19-5, bà con lại tất bật chuẩn bị nếp thơm, nấu xôi, làm bánh dâng Bác. Gia đình nào cũng có mâm lễ vật của riêng mình là những sản vật địa phương do chính tay vun trồng. Đến mỗi căn nhà ở Cù Lao Dung đều thấy bàn thờ Bác Hồ đặt ở nơi trang trọng, uy nghiêm và nghi ngút khói hương. Tưởng nhớ tới Bác Hồ, ông bà nhắc nhở con cháu; người dân lối xóm động viên nhau... ai cũng cố gắng sống tốt, lao động, sản xuất, học tập thật giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau để xứng đáng với công lao của Bác và để cho Bác vui lòng.

Người dân khắp nơi đến dâng hương, thăm viếng Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
Đền thờ Bác Hồ tọa lạc tại xóm 6, ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú (cũ), nay là xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Nếu trong cuộc kháng chiến chống Pháp, xã An Thạnh Nhì là căn cứ địa của Tỉnh uỷ, của Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Sóc Trăng thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, người dân Cù Lao Dung cũng từng nuôi giấu đùm bọc biết bao cán bộ cách mạng ở những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất. Đây  cũng là vùng căn cứ của Tỉnh ủy những năm đầu cách mạng và căn cứ của Huyện ủy suốt 21 năm, cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Đến năm 1989, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng có cuộc họp với lãnh đạo huyện Long Phú (lúc đó chưa thành lập huyện Cù Lao Dung - PV) thống nhất chủ trương trùng tu Đền thờ Bác Hồ. Thật ra đây cũng là tâm nguyện của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ từ những năm còn chiến tranh: “Khi nào hoà bình độc lập sẽ xây dựng lại Đền thờ Bác to và đẹp hơn”. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo ngành Văn hóa – Thông tin đưa đoàn khảo sát để phục vụ cho việc trùng tu, xây mới. Từ đó, Đền thờ Bác Hồ được trùng tu ngày càng khang trang hơn. Từ gỗ, tre, lá nay thay bằng gạch, ngói, ximăng, cốt thép… nhưng hình dáng ngôi đền được giữ nguyên trạng. Qua gần hai tháng thi công (từ ngày 25-4 đến 15-6-1990), dưới sự chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện Long Phú, chính quyền xã An Thạnh Nhì cùng vận động đóng góp hàng trăm ngày công của nhân dân, Đền thờ Bác Hồ được trùng tu theo dạng kiên cố, hoàn thành đúng thời gian kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Người. Một vinh dự lớn đến với Đảng bộ, chính quyền, quân dân địa phương khi vào ngày 28-12-2001, Đền thờ Bác Hồ được công nhận là Di tích Lưu niệm Danh nhân cấp quốc gia. Cũng ở Sóc Trăng, tại phường 7, TP Sóc Trăng, đã thành thông lệ từ nhiều năm nay, cứ đến các ngày 19-5 và 2-9, hàng trăm cựu chiến binh (CCB) từ các tỉnh, thành: Sóc Trăng, Cần Thơ, Bến Tre, An Giang, TP Hồ Chí Minh… những người đã từng sống, chiến đấu ở Sóc Trăng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước lại tề tựu về nhà một CCB để làm lễ sinh nhật hoặc thắp hương giỗ Bác Hồ. Tại buổi gặp mặt, mọi người cùng nhau ôn lại cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các CCB khác cùng nhau kể lại những kỷ niệm về những tháng ngày chiến đấu gian khổ, hào hùng của một thời trai trẻ của họ. Từng có mặt tại buổi họp mặt, chúng tôi ghi nhận không khí trang nghiêm, thiêng liêng của ngày giỗ Bác Hồ. Đốt nén hương thơm trước bàn thờ Bác, các CCB hứa với Bác dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn giữ vững phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Với nhiều người dân Khmer, ngày sinh nhật Bác, mọi người cùng nhau ra TP Sóc Trăng xem triển lãm hình ảnh Bác Hồ hay cùng nhau tổ chức kỷ niệm sinh nhật Bác tại nhà bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng cùng chung tấm lòng hướng về Bác thân yêu. Ông Trần Cam, ngụ xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), tự hào cho biết: “Với chúng tôi, Bác Hồ là người được bà con ngưỡng mộ nhất. Tài năng, đức độ, sự hi sinh của Bác thật cao cả, tấm gương Bác mãi mãi cho thế hệ con cháu noi theo. Ở địa phương chúng tôi, nhiều gia đình tổ chức sinh nhật Bác theo cách riêng của mình như mua trái cây, nấu món ăn ngon dâng Bác”. Ông Lý Sênh (ngụ TP Sóc Trăng) cũng bồi hồi: “Người Khmer chúng tôi ơn Bác, ơn Đảng nhiều lắm. Cuộc đời bà con chúng tôi đổi thay cũng là nhờ Đảng và Bác Hồ. Vì thế, trong trái tim người dân Khmer chúng tôi lúc nào cũng khắc sâu hình ảnh Bác kính yêu. Chúng tôi luôn nhắc nhở con cháu học tập, noi theo tấm gương Bác để học hành, công tác tốt, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp hơn”… Từ Sóc Trăng xuôi theo QL1A về xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu,  chúng tôi được nghe kể nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm của đồng bào nơi đây dành cho vị Cha già kính yêu của dân tộc. Từ trong đạn bom, khói lửa của chiến tranh khốc liệt, người dân đã luôn hướng về Bác Hồ, mong ngày thống nhất đất nước sẽ được ra thăm Bác. Thế nhưng, niềm mong ước chưa thành thì Bác đã ra đi. Tin Bác mất đến với người dân Bạc Liêu trong nỗi đau khôn tả. Để bày tỏ tình yêu thương vô hạn với Bác, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã để tang Bác, Huyện ủy Vĩnh Lợi mượn ngôi nhà của gia đình ông Trần Văn Tến để tổ chức lễ truy điệu Bác vào lúc 17h ngày 3-9-1969. Sau lễ truy điệu Bác Hồ, ngôi nhà trở thành nhà tưởng niệm Bác. Đồng thời, Huyện ủy Vĩnh Lợi phát động các xã trong huyện xây dựng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đầu năm 1971, địch dã tâm đưa quân lính đến đốt nhà tưởng niệm Bác Hồ. Hành động của địch đã bị nhân dân địa phương lên án và vô cùng căm phẫn. Tháng 4-1971, Huyện ủy Vĩnh Lợi giao cho Đảng ủy xã Châu Thới chỉ đạo cho lực lượng du kích phối hợp với địa phương quân đánh đồn địch ở Tân Tạo (xã Châu Hưng), phá ấp chiến lược, lấy sắt và dây thép gai đem về xây dựng Đền thờ Bác trên nền nhà tưởng niệm. Ngày 15-4-1972, Đảng ủy xã Châu Thới họp Ban chấp hành mở rộng, quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đền thờ Bác Hồ tại khuôn viên đất Chùa ông Hai Kiệm, ấp Bà Chăng A (là vị trí đền thờ hiện nay) và thành lập Đội bảo vệ trong và sau khi xây dựng Đền thờ Bác. Ngày 25-4-1972, địa phương long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng Đền thờ Bác Hồ. Sau 24 ngày đêm, vất vả, bí mật, có lúc phải ngừng thi công vì địch càn quét, bắn phá, ngôi Đền thờ Bác đã được xây dựng xong bằng vật liệu kiên cố với diện tích 18,24m2 và khuôn viên rộng 6.000m2. Ngày 19-5-1972, xã Châu Thới đã làm lễ khánh thành Đền thờ nhân kỷ niệm 82 năm ngày sinh của Bác. Huyện ủy Vĩnh Lợi chỉ đạo cho du kích, địa phương quân và Đội bảo vệ Đền thờ Bác bằng mọi giá, dù có phải hy sinh tính mạng cũng phải bảo vệ an toàn Đền thờ. Sau khi Đền thờ Bác Hồ được khánh thành, địch thường xuyên huy động các phương tiện đánh phá như: Pháo 105 ly từ Vĩnh Hưng bắn vào, máy bay địch từ sân bay Sóc Trăng đến bắn phá. Đặc biệt tháng 3-1973, địch dùng 4 máy bay trực thăng đến bắn phá Đền thờ Bác, 4 chiến sĩ bảo vệ Đền thờ rất kiên cường, dũng cảm dùng súng M16 dụ máy bay địch ra khỏi khu vực Đền thờ, không để máy bay địch bắn phá Đền thờ; Sư đoàn 21 địch tại thị xã Bạc Liêu nhiều lần đưa hàng ngàn lính bộ binh vào đánh phá Đền thờ Bác, nhưng đều bị chặn đánh, làm phá sản kế hoạch của chúng. Đền thờ Bác được bảo vệ an toàn cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Năm 1998, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Châu Thới được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ và quân dân tỉnh Bạc Liêu nói chung và của huyện Vĩnh Lợi nói riêng. Ngày nay, Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới thường xuyên mở cửa đón khách đến thăm viếng. Đặc biệt, hằng năm luôn tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân ngày sinh của Bác (19-5), ngày Bác đi xa (2-9); nhiều cơ quan, ban, ngành của tỉnh, huyện thường xuyên tổ chức đoàn thăm viếng Đền thờ và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo công dâng Bác; phát động trồng cây, tổ chức kết nạp Đảng và nhiều hoạt động thiết thực khác…
Theo Báo CAND

CATP Hà Tĩnh