BÀI 2: NGUYÊN NHÂN CHÁY NHÀ Ở HỘ GIA ĐÌNH
Theo thống kê, trong năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 71 vụ cháy lớn nhỏ, trong đó cháy nhà dân chiếm 43% tổng số vụ cháy; địa bàn Thành phố Hà Tĩnh xảy ra 13 vụ, trong đó, cháy nhà dân 07 vụ, chiếm gần 54% tổng số vụ cháy; nguyên nhân xảy ra cháy do bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn điện, nguồn nhiệt chiếm hơn 60%.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân vẫn đang chủ quan, lơ là trong công tác đảm bảo an toàn PCCC tại nhà ở hộ gia đình, chưa quan tâm đến những nguyên nhân có thể dẫn đến cháy, nổ tại nhà ở hộ gia đình như:
1. Cháy nổ do chập điện là nguyên nhân phổ biến trong các vụ cháy. Theo thống kê, hơn 70% số vụ cháy có nguyên nhân liên quan đến các sự cố điện như:
- Sử dụng quá nhiều thiết bị điện trong một lúc. Đường dẫn điện bị quá tải, chập mạch.
- Đường dẫn điện, thiết bị điện sử dụng đã lâu, chưa được thay thế, bảo trì.
- Tự ý câu dây điện, móc thêm các thiết bị điện ngoài thiết kế ban đầu như gắn tủ lạnh, điều hòa,…
- Thiết bị tự ngắt (aptomat) bị hỏng, kém chất lượng, hoặc không được lắp đặt.
- Không tắt các thiết bị điện như phích cắm điện, ấm đun nước, quạt điện.. khi ra khỏi nhà.
2. Cháy nổ từ thiết bị đun nấu trong gia đình
Hiện nay, đa số hộ gia đình đều sử dụng bếp ga trong đun nấu. Việc bất cẩn không khóa bình gas sau khi sử dụng, khí gas bị rò rỉ ra ngoài kết hợp với oxi trong không khí sẽ tạo thành hỗn hợp cháy khi gặp nhiệt độ cao, sóng từ từ điện thoại, tia lửa từ bật lửa, thuốc lá,… sẽ gây ra cháy.
3. Cháy nổ từ việc tích trữ các thiết bị dễ cháy
Nhiều gia đình tích trữ xăng, dầu khí, chất lỏng dễ cháy. Trong không khí luôn tồn tại những hợp chất gây cháy. Khi các chất này bị rò rỉ, chỉ cần tiếp xúc với nguồn điện hoặc lửa sẽ gây ra những vụ cháy nổ lớn.
4. Bất cẩn từ việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã
- Tàn hương rơi xuống bắt vào các thiết bị, vật dụng dễ cháy.
- Đốt vàng mã gần các thiết bị dễ cháy như bình ga, xe máy,… đốt tại nơi không có đồ che chắn, nơi có gió lớn, nhiệt độ cao.
Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản tại hộ gia đình, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng kéo dài trong thời gian tới, các hộ gia đình cần chủ động thực hiện một số nội dung sau:
- Lắp đặt thiết bị tự ngắt (aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh, từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn.
- Sử dụng thiết bị điện đúng công suất. Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng. Trước khi đi ngủ, phải kiểm tra các thiết bị điện, thiết bị gas, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
- Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy trong nhà ở.
- Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Dùng bếp gas an toàn, cẩn thận.
- Bố trí nơi thờ cúng hợp lý. Chỉ đốt hương, vàng mã khi có người trông coi. Khi đốt vàng mã phải che chắn, phòng gió cuốn tàn lửa cháy lan.
- Chủ động mở ít nhất 2 lối thoát hiểm trong nhà; gỡ bỏ “chuồng cọp” (nếu có) để đảm bảo thoát nạn khi có sự cố xảy ra.
- Nâng cao nhận thức của bản thân và người thân trong gia đình về đảm bảo an toàn PCCC tại chính gia đình mình. Chủ động trang bị các phương tiện PCCC tại chỗ để xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra./.
BBT