Bài 3: Những vụ án đau lòng sau làn khói ảo
Trong lúc “ngáo đá”, dùng hung khí cưỡng đoạt tài sản người đi đường; dùng dao sát hại người thân hay tử vong do sử dụng ma túy tổng hợp (MTTH) quá liều… những thông tin này đang khiến dư luận trở nên lo ngại. Hiểm họa MTTH không chừa một ai. Sau những cuộc thác loạn, những làn khói ảo chết người mang tên… MTTH là hậu quả thực nhói lòng.
Ngáo đá, nhìn ai cũng nghĩ sẽ hại mình Hôm tôi đến Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hà Nội cũng là lúc mà các học viên cai nghiện tự nguyện ở Khu điều trị nội trú đang lên lớp nghe cô giáo Hoàng Thị Khánh, cán bộ Phòng Điều trị nội trú của Cơ sở đang truyền đạt những nội dung liên quan đến Luật Phòng, chống ma túy cũng như tác hại do ma túy gây ra. Ngồi trong lớp học, các học viên là những dân chơi một thời bị ma túy lôi cuốn cứ thế gật gù cái đầu. Cô giáo Hoàng Thị Khánh chia sẻ, để các học viên tiếp thu kiến thức theo kế hoạch tuyên truyền, giáo dục của cơ sở là rất khó khăn, nhất là đối với các học viên nghiện ma túy MTTH. Bởi những trường hợp này thường xuất hiện ảo giác, nên luôn có tâm lý hoang mang, lo lắng, mơ mơ màng màng. Đúng như những gì mà cô giáo Khánh chia sẻ, tiếp xúc với học viên Đ.V.Đ. (22 tuổi, nhà ở huyện Thanh Trì, Hà Nội), tôi thấy Đ. chưa thực sự tỉnh táo dù Đ. vào đây cai nghiện tự nguyện đã gần 1 tháng. Thấy tôi hỏi chuyện, một hồi lâu sau Đ. mới đáp. Theo Đ. cho biết thì Đ. “đập đá” từ năm mới 17 tuổi. ““Bộ môn” chính của em là “đá”, còn “ke” em chỉ chơi vài đường là sập ngay. Em dính vào “đá” là do mấy đứa bạn em khích chơi sau một lần đi liên hoan. Em hận mình đã không làm chủ bản thân!”, Đ. nhớ lại. Do sử dụng “đá” trong một thời gian dài nên Đ. thường xuyên bị ảo giác, ảo thanh. Có thời điểm, hễ ra đường, thấy ai nhìn mình là y như rằng, Đ. lại có suy nghĩ: “Người đó đang định hãm hại mình”, rồi dùng hung khí đuổi đánh người đó. Đến giờ, Đ. vẫn còn nhớ như in hôm đó. Đó là vào một buổi tối cuối tháng 10-2015, khi Đ. đến nhà vợ chơi ở phố Bạch Mai (Hà Nội). Tại đây, Đ. có gặp một người đàn ông hỏi đường ra phố Huế. Tuy nhiên, thấy người đàn ông này không đi theo hướng đường mình chỉ, Đ. lập tức cho rằng, đây là “kẻ đang theo dõi và sẽ đánh mình”, nên đã dùng thanh sắt đuổi đánh, khiến người đàn ông này phải nhập viện với nhiều vết thương… Đ. cho biết thêm, trước khi đến đây, Đ. hay gặp ảo giác, ảo thanh, lúc nào cũng nghĩ có người đang gọi, đang theo dõi mình, nhưng hóa ra không phải vậy. Cũng chính vì “ngáo đá”, Đ. thường xuyên xích mích, đánh vợ vô cớ. Năm 2017, vợ Đ. không chịu được cuộc sống như vậy nên đã nộp đơn ly dị. Hai người con của Đ. sau đó được ông bà nội chăm sóc. Một buổi ghi nhận ở Cơ sở Cai nghiện ma túy số 5 cũng như tiếp xúc, nghe tâm sự của những dân chơi MTTH một thời – những người trong cuộc, tôi càng thêm thấy tác hại do MTTH: thuốc lắc, ma túy “đá”, “ke”, cần sa – “cỏ K”, “cỏ Mỹ” v.v... gây ra là nhường nào. MTTH khiến con người ta từ một người hiền lành trở nên bạo lực, sẵn sàng dùng hung khí tấn công người khác. Học viên D.B.T. (21 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội), biết đến ma túy “đá” từ những năm 2012, 2013. T. vốn là học viên năng khiếu bộ môn tennis của một trường đào tạo thể dục thể thao. Do nghiện “đập đá” nên T. phải nghỉ học. Những vụ va chạm, mâu thuẫn đánh nhau theo đó xuất hiện ngày nhiều. T. chia sẻ, tất cả cũng là do “ngáo đá”, do ảo giác, cảm giác người xung quanh đang muốn hãm hại mình gây ra. Thấy T. như vậy, gia đình liền tá hỏa đưa T. vào đây cai nghiện với mục đích cắt cơn nghiện, ngăn ngừa vụ việc đau lòng xảy ra.
Lực lượng chức năng cùng người dân khống chế một trường hợp bị “ngáo đá” có hành vi mất kiểm soát. |
Theo Điều 13, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định, người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, việc sử dụng rượu, bia, ma túy trước khi gây án không được coi là tình tiết giảm nhẹ. Pháp luật buộc mọi công dân có năng lực trách nhiệm hình sự phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trước những hành vi vi phạm do mình gây ra, không thể có chuyện “gây án do loạn thần do trước đó có sử dụng ma túy sẽ không bị xử lý nghiêm trước pháp luật”. Một số vụ việc điển hình liên quan đến “ngáo đá” 1- Khoảng 9h30, ngày 17-10-2018, trong quá trình tuần tra kiểm soát giao thông trên tuyến QL18A (thuộc phường Hải Hòa – TP Móng Cái, Quảng Ninh), Tổ công tác CSGT – Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và khống chế một nam thanh niên “ngáo đá” hai tay cầm hai dao nhọn đang có hành vi gây mất an ninh trật tự. 2- Sáng 6-9-2018, trong lúc lên cơn “ngáo đá”, bị ảo giác, Vũ Ngọc Huyến (34 tuổi, ở đường Mai Xuân Thưởng – TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã dùng dao, kim tiên khống chế và dọa giết một số nhân viên phục vụ quán nhậu trên đường Mai Xuân Thưởng. Sau gần 30 phút thuyết phục không thành, lực lượng Công an đã xông vào quật ngã đối tượng, giải cứu thành công con tin. 3- Khoảng 11h30, ngày 12-3-2018, trên đường Hoàng Diệu, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), sau khi la hét, nhảy múa, với biểu hiện “ngáo đá”, một người đàn ông khoảng 40 tuổi, không mặc áo, trên người có nhiều hình xăm liền dùng một vật nhọn dí vào cổ mình đòi tự tử. Rất may, sau đó lực lượng Công an đã có mặt tại hiện trường khống chế, ngăn không cho người đàn ông này thực hiện hành vi nguy hiểm |
CATP Hà Tĩnh