Băn khoăn về phương án đổi mới thi THPT năm 2017
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo đổi mới thi THPT quốc gia năm 2017, dư luận xã hội đã có những ý kiến trái chiều. Trong đó, lo lắng nhất là việc thực hiện phương án thi này sẽ khiến cả học sinh và giáo viên “trở tay không kịp” vì thời gian chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 còn quá ít.
Theo dự thảo đổi mới thi THPT quốc gia 2017, các môn thi THPT quốc gia vẫn giữ nguyên 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Tuy nhiên, các môn tự chọn gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý sẽ được đưa vào các bài thi tổng hợp là Khoa học tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (gồm Sử, Địa và Giáo dục công dân).
Trong bài thi tổng hợp sẽ có từng phần riêng của các môn. Ví dụ, ở bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên có 60 câu thì sẽ có 20 câu hỏi của môn Vật lý, 20 câu hỏi môn Hóa học và 20 câu hỏi môn Sinh học. Một điểm mới khác là môn Toán và các môn xã hội khác như Lịch sử, Địa lý cũng đều thi theo hình thức trắc nghiệm.
Đề thi sẽ được rút ra từ ngân hàng đề thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng trong 3 năm qua. Mỗi thí sinh sẽ có một mã đề riêng, thí sinh thi trắc nghiệm trên giấy nhưng sẽ được chấm trên máy.
|
Dự thảo đổi mới thi THPT quốc gia năm 2017 đang khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. (Ảnh minh họa) |
Thời gian làm bài thi được rút ngắn, trong đó, môn Ngữ văn 120 phút; môn Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội 90 phút và môn Ngoại ngữ là 60 phút. Điểm mới cuối cùng là các trường đại học không tham gia chủ trì cụm thi như năm 2016 mà giao cho các Sở GD&ĐT tự tổ chức thi ở địa phương, thí sinh có thể thi ngay ở chính trường mình đang học, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường giám sát thông qua các giải pháp kỹ thuật.
Nhận định về dự thảo đổi mới phương án thi năm 2017, rất nhiều giáo viên và các nhà quản lý giáo dục phổ thông cho rằng, đổi mới là tốt và cần thiết song cần phải có lộ trình để giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị và thích ứng.
Ths Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường Chuyên THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) chia sẻ: “Cả ngày hôm nay, trong giờ học lẫn giờ giải lao, đâu đâu cũng thấy giáo viên và học sinh bàn tán về phương án đổi mới thi THPT quốc gia 2017 với tâm trạng “mừng ít, lo nhiều”.
Trong đó, nhiều giáo viên đã không ngần ngại bày tỏ sự bất ngờ trước phương án đổi mới thi có phần hơi vội vàng của Bộ GD&ĐT, nhất là khi phương án này chưa có sự tham vấn rộng rãi từ phía các cơ sở giáo dục, đặc biệt là bậc THPT”.
Cũng theo phân tích của thầy Trần Trung Hiếu, bất ổn nhất chính là đưa môn Toán vào danh sách các môn thi trắc nghiệm. Điều này sẽ triệt tiêu tư duy logic, chính xác, vốn là đặc thù riêng của môn Toán, khuyến khích học sinh học theo kiểu đoán mò, may rủi cao.
Đặc biệt, nếu việc coi thi không nghiêm túc thì còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi và sẽ có một bộ phận học sinh vượt qua môn thi này nhờ may mắn. Đối với các môn Khoa học xã hội, việc bổ sung thêm môn Giáo dục công dân vào bài thi tổng hợp có thể xem là một tín hiệu đáng mừng vì bên cạnh kiến thức, các em cũng cần được bồi đắp thêm tình yêu đất nước và trách nhiệm đối với Tổ quốc.
Tuy nhiên, việc đưa môn Lịch sử vào thi trắc nghiệm là không phù hợp bởi với cách thi trắc nghiệm, môn học này sẽ quay về yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng, nhớ cụ thể, máy móc, đi ngược lại với chủ trương đổi mới nhằm tăng sức hấp dẫn của môn học này. Đồng thời, triệt tiêu tư duy phân tích, đánh giá, tổng hợp, vốn là những thế mạnh của học sinh khối C.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt - Đức (Hà Nội) cũng cho rằng: Nếu năm 2017 sẽ áp dụng phương thức thi như dự thảo đưa ra thì quả là lo lắng cho cả nhà trường và giáo viên. Trong đó, mối lo lớn nhất là cả cách dạy và học làm sao phải “xoay” để đáp ứng kịp với phương thức thi mới, khi mà thời gian chuẩn bị thi THPT là rất ngắn.
“Với môn Toán và các môn Khoa học xã hội như Sử, Địa, Giáo dục công dân, từ trước đến nay cả thầy và trò đều quen dạy và học theo phương pháp tự luận, giờ bỗng dưng chuyển sang thi trắc nghiệm thì đúng là rất khổ. Bởi lẽ, nếu thi trắc nghiệm, phải dạy những thứ hết sức cơ bản, học sinh nhìn vào có thể đoán được đáp án rất nhanh.
Đặc biệt, các em phải có đủ kiến thức chắc chắn để loại bỏ các đáp án gần đúng để chọn được đáp án đúng nhất. Đòi hỏi này quả không dễ khi mà thời gian chuẩn bị quá ngắn. Nếu Bộ GD&ĐT vẫn cố ép thì các trường và học sinh vẫn phải thực hiện thôi, nhưng chắc chắn là kết quả sẽ không cao như mong muốn” - ông Nguyễn Quốc Bình cho biết.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành, ĐH Sư phạm Hà Nội thì cách thức thi 2017 sẽ ngay lập tức thay đổi việc học và dạy trong nhà trường, không còn phân biệt giữa môn chính và môn phụ. Do vậy, áp lực về kiến thức đối với học sinh sẽ tăng lên.
“Để các em có thể thích ứng được với cách thi mới, Bộ cần thông báo kỹ hơn về nội dung ôn tập cũng như cấu trúc đề thi minh họa để các em hiểu rõ. Hơn nữa, do thời gian từ nay đến khi thi THPT quốc gia 2017 chỉ còn 9 tháng, tương đối ngắn nên đề thi của Bộ GD&ĐT không nên quá cao thì các em mới có thể đáp ứng được” - bà Thu Anh đề xuất.
TS Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐHQGHN) cũng lưu ý: Ưu điểm lớn nhất của phương án đổi mới thi THPT quốc gia năm 2017 là mỗi thí sinh sẽ có một mã đề thi riêng, điều này sẽ đảm bảo được tính khách quan, công bằng của kỳ thi, làm cơ sở tin cậy để các trường xét tuyển đại học, cao đẳng. Việc tổ hợp 8 môn thi thành 5 bài thi cũng hạn chế khả năng học tủ, học lệch của thí sinh. Tuy nhiên, thi trắc nghiệm thường có “mẹo” làm bài. Vì vậy, đề thi cần được ra cẩn trọng, các câu hỏi phải được thiết kế để tránh được các thủ thuật này để hạn chế tối đa sự may rủi. Đề thi cũng phải tương đương nhau về độ khó, tránh việc không công bằng giữa các thí sinh.
CATP Hà Tĩnh