Bảo đảm quyền lợi cho người cao tuổi không có lương hưu
Theo đề xuất của Chính phủ tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) theo đó mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo. Nếu được thông qua sẽ có thêm khoảng 800.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp này.
Dự thảo có nhiều điểm mới trong bảo đảm quyền của người cao tuổi
Nhà nước khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế – xã hội, khả năng cân đối giữa ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.
Theo Chính phủ, việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng, thêm khoảng 800.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động. Trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Như vậy, quy định này giúp gia tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà ngân sách nhà nước không phát sinh tăng nhiều. Ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ BHYT còn trợ cấp hằng tháng do quỹ BHXH đảm bảo từ thời gian đóng BHXH của người lao động).
Theo Báo Nhân quyền