Báo động “giang hồ thôn” và “Chí Phèo thời hiện đại”!
Những mâu thuẫn, xung đột dẫn đến ẩu đả, đâm chém nhau thành thương đôi khi chỉ từ những lý do vụn vặt. Có thể là do nhất thời, là phút giây thiếu kiềm chế bản thân nhưng gốc gác của vấn đề bắt nguồn từ quá trình tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người. Vì thiếu nhận thức pháp luật, ý thức đạo đức và kinh nghiệm sống, những người trong cuộc đã giải quyết bằng “cái đầu nóng”...
Cảnh sát 113 xử lý vụ 2 băng nhóm ẩu đả trên đường Trung Tiết (TP. Hà Tĩnh)
Cứ tưởng câu khẩu hiệu “trai làng ta quyết bảo vệ gái làng ta” chỉ tồn tại vào quãng những năm 80, 90 của thế kỷ trước; thế nhưng, mới đây, đứa em họ của tôi là Tuấn “say” cô bé H. ở xóm Thi, xã T.H. đã bị thấm đòn.
Xóm này ở ven sông, nhiều cô gái đến tuổi cập kê xinh như mộng, được nhiều trai phố để mắt, chinh phục. Lép vế trước trai phố, một tốp trai làng đã bàn nhau “giữ làng, giữ gái”, không hẳn là do tình yêu mà đôi khi chỉ “cho bõ ghét”. Để rồi các chàng trai đến xóm Thi “tán gái” như Tuấn đã nhiều lần bị “sứt đầu, mẻ trán” bởi các cuộc “tập kích” của trai làng.
Tuấn cho biết: “Trời thì mưa, xe thì bị chọc thủng cả 2 lốp. Đường vắng, đêm khuya, rồi “củ đậu bay”... May mà em đội mũ xe máy không thì chưa biết hậu quả sẽ thế nào”.
Không chỉ là những cuộc chiến giữ gái làng, những vụ ẩu đả còn có thể xảy ra với bất cứ lý do nào, bất cứ ở đâu. Tại một quán karaoke ở Xuân Thành (Nghi Xuân), khi đã ngà ngà hơi men, đám thanh niên bản địa và một số khách hát đã lao vào nhau hỗn chiến. Dẫu không có thương tích nghiêm trọng nào xảy ra nhưng cũng đủ làm cho không khí nóng lên.
Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong cuộc nhậu, Trần Văn H. ở huyện Nghi Xuân bị bạn nhậu đâm trọng thương.
Hay chuyện không đồng ý về “mái tóc cua” do thợ cắt tóc thực hiện, Trần Xuân Giáp ở Xuân Giang đã dùng kéo đâm thành thương chủ quán. Mới đây thôi, dư luận trên địa bàn Hà Tĩnh xôn xao vụ một nữ học sinh ở thị xã Hồng Lĩnh đã bị chặn đánh vì lý do đòi nợ trên facebook. Hay cũng chỉ vì những mâu thuẫn trên mạng xã hội, Trần Khắc Tiệp ở xã Xuân Liên đã dùng dao đâm gây thương tích đối với Trần Hữu Chi...
Thiếu tá Nguyễn Công Luận - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Nghi Xuân cho biết: Năm 2016, Công an huyện Nghi Xuân tiếp nhận, xử lý 21 vụ, 36 đối tượng có hành vi cố ý gây thương tích nhưng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự, khởi tố được 1 vụ. Nhiều vụ việc mâu thuẫn, ẩu đả, gây thương tích chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, không bị xử lý hình sự nên không đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Vì vậy, “lâu dần thành quen”, nhiều kẻ đã tự biến mình thành “giang hồ thôn” và “Chí Phèo thời hiện đại”.
Nguyễn Phi L., Nguyễn Phi H. từ lâu đã biến mình thành những “anh Chí” của một xã vùng biển huyện Nghi Xuân. Vốn xuất thân trong một gia đình mà bố, mẹ và cả anh trai từng vào tù ra tội nên L., H. thiếu sự giáo dục, dạy dỗ và mối liên kết ruột thịt hết sức lỏng lẻo. Hai anh em thường tỏ ra bất cần, thách thức và gây sự, đánh nhau với bất kỳ ai, vì bất kỳ lý do gì. Từ làng trên, xóm dưới, người dân đều tìm cách tránh xa L., H. Tuy nhiên, những lần gây chuyện, phần vì những người bị hành hung không dám kiện tụng, phần vì hậu quả không lớn nên L., H. không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy là, L., H. ngày càng ngang ngược, thường kiếm chuyện gây sự với những người xung quanh.
Cũng với thái độ “nhờn luật”, Trần Thái T. ở xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) dù đã lớn tuổi nhưng thường xuyên kiếm cớ gây sự với hàng xóm, láng giềng, nhất là những người yếm thế. Đã thành thói quen, mỗi lần uống rượu vào là T. chửi bới, gây gổ với bất kỳ ai. Ông Tùng gần nhà T. là nạn nhân trực tiếp, thường xuyên với những thiệt hại về gia súc, gia cầm, thậm chí có lần, T. đã phá cả ruộng lúa vừa gieo của nhà ông Tùng.
Nhiều, nhiều lắm những vụ giải quyết xung đột bằng “chân, tay” chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho các cơ quan chức năng, các nhà quản lý và chính quyền cơ sở.
(Còn nữa)
CATP Hà Tĩnh