Báo động tình trạng bạo hành giáo viên
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, đã có nhiều vụ bạo hành giáo viên cả về thể xác lẫn tinh thần gây bức xúc trong dư luận. Có lẽ đã hết thời "muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy", bởi giờ đây nhiều giáo viên đã phải đi dạy học trong nỗi lo sợ, sợ chính những học sinh của mình và phụ huynh của các em…
Chỉ cần gõ từ khóa "bạo hành giáo viên" lên google ngay lập tức có ngay hàng triệu kết quả với hàng chục vụ việc giáo viên bị đánh đập, hành hung trong nhiều năm qua.
Nhiều vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả tâm lý của giáo viên, gây bức xúc trong dư luận suốt một thời gian dài khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng, đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng, người thầy không còn được tôn trọng, không còn vị thế như ngày xưa.
Gần đây nhất đó là vụ việc phụ huynh vào tận lớp đánh cô giáo mầm non ngất tại chỗ, trước sự chứng kiến của các em nhỏ cùng các phụ huynh khác tại phường Trung Thành (Thái Nguyên).
Theo đó, chiều 16-3-2018, đối tượng Nguyễn Ánh Dương (phường Hương Sơn, TP Thái Nguyên) đi ôtô đến đón con ở Trường Mầm non Độc Lập (thuộc tổ 3, phường Trung Thành).
Đón được con, trên đường về, Dương phát hiện trán con có vết màu đỏ nên đã gặng hỏi. Cháu bé cho biết bị ngã, sau đó nói là do cô giáo đánh. Ngay lập tức, Dương quay lại trường học và yêu cầu gặp cô giáo của con là cô Hạ Thị Hương Thơm.
Khi cô Thơm vừa bước ra cửa, Dương đánh vào mặt và vào bụng khiến cô Thơm ngã xuống sàn. Khi mọi người chứng kiến vụ việc lao vào can ngăn thì Dương mới dừng lai.
Các giáo viên và phụ huynh vội vàng đưa cô Thơm tới Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên. Sau khi hành hung cô Thơm, Dương đã bị Công an TP Thái Nguyên triệu tập để điều tra làm rõ hành vi cố ý gây thương tích.
|
Trường Mầm non Độc Lập, nơi một cô giáo thực tập đang mang bầu bị phụ huynh đánh nhập viện. |
Tại CQĐT, Dương đã khai báo toàn bộ sự việc, do không kiềm chế được bản thân nên đã hành hung cô Thơm. Còn về phía cô giáo Thơm, cô khẳng định không có việc đánh con của Dương.
Được biết, trong vụ việc này, hai bên đã có thỏa thuận và xin lỗi nhau nhưng theo lãnh đạo Công an TP Thái Nguyên cho biết, vụ việc vẫn đang tiếp tục xác minh làm rõ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó chỉ vài ngày, tại huyện Yên Thành (Nghệ An) cũng xảy ra một vụ giáo viên nam bị hành hung, bị đánh gãy sống mũi.
Được biết, vụ việc bắt nguồn từ chuyện em Nguyễn Ngọc Phong (lớp 9D, Trường THCS xã Tân Thành, Yên Thành) dùng giấy đốt lửa trong giờ học thì bị thầy Đặng Minh Thủy (39 tuổi) phát hiện.
Phong bị thầy Thủy tát, đồng thời yêu cầu mời phụ huynh lên làm việc. Ngày hôm sau, Phong mời anh trai là Nguyễn Văn Đoàn đến gặp thầy Thủy đề bàn về việc giáo dục học sinh.
Tại đây, giữa hai người xảy ra cãi vã, xô xát và Đoàn đã hành hung khiến thầy Thủy chảy máu mũi, gục xuống tại chỗ. Thầy Thủy sau đó được đưa đến Bệnh viện đa khoa Phú Diễn cấp cứu, kết quả chụp X-quang và CT cho thấy bệnh nhân bị gãy xương chính mũi, chảy máu ở hốc phải, có dịch nhiều ở khoang. Đoàn cũng đã bị triệu tập tới cơ quan Công an địa phương để tiến hành lấy lời khai.
Cũng tại Nghệ An, vụ việc bà Phạm Thị Ngà có con theo học tại Trường Mầm non Việt - Lào thành phố Vinh (Nghệ An) bắt cô thực tập phải quỳ xin lỗi, hành hung cô giáo này đang mang bầu phải nhập viện và có nguy cơ xảy thai… đã khiến cho dư luận cảm thấy "sốc".
Những vụ bạo hành giáo viên nghiêm trọng đang khiến dư luận xã hội, ngành giáo dục, đặc biệt lo lắng về tình trạng bạo lực với giáo viên về một môi trường giáo dục đang bị đe dọa. Giáo dục Việt Nam sẽ ra sao khi truyền thống "Tôn sư trọng đạo" ngày càng phai nhạt, các giá trị dường như bị đảo lộn?
Và cả những đứa trẻ, chúng sẽ nghĩ gì khi chứng kiến cảnh cha mẹ chúng đối xử với thầy, cô giáo của mình như vậy? Liệu chúng sẽ còn tôn trọng thầy cô giáo, tiếp tục nghe lời thầy cô trong tương lai, hay cũng coi thường thầy cô như bố mẹ chúng để rồi không ai có thể dạy dỗ được chúng.
Chúng ta đã thấy được, ngoài những áp lực giảng dạy trên lớp, các giáo viên giờ đây phải đối diện với một nỗi sợ mới đến từ phụ huynh học sinh. Trong những vụ việc như vậy, dư luận đều chia thành hai “chiến tuyến”, người bênh phụ huynh, người thì xót thương cho cô giáo và ai cũng có lý do chính đáng cho những hành động của mình.
Dạy văn hóa đã khó, dạy làm người càng khó gấp bội. Muốn dạy dỗ hàng chục đứa trẻ trong một lớp học với hàng chục tính cách, hàng chục hoàn cảnh sống khác nhau đó là một cuộc chiến về tinh thần. Trong số các em, có những đứa trẻ ngoan, biết vâng lời nhưng cũng có những em hiếu động, cá biệt thậm chí ương bướng, lì lợm.
Với những đứa trẻ ấy, đôi khi dạy dỗ bằng lời nói là hoàn toàn bất lực, nhất là với các em mầm non. Có thể một cái phát vào bàn tay, hay vào hông, sẽ giúp các bé vào nền nếp. Sự nhân nhượng, mềm mỏng trong nhiều trường hợp lại không thể rèn giũa được con người.
Chắc chắn rằng, không ai chấp nhận một giáo viên bạo lực, một giáo viên có hình thức xử phạt cực đoan như đánh học sinh thâm tím, tát vào mặt các em đến sưng đỏ, phơi mình giữa thời tiết khắc nghiệt hay miệt thị học sinh.
Nhưng nếu việc phạt của giáo viên trong ngưỡng cửa chấp nhận được, mục đích là để dạy dỗ, từ trách nhiệm của giáo viên chứ không phải là sự ghét bỏ, trừng phạt cá nhân thì hãy nghĩ đến tương lai của chính những đứa trẻ.
Là một người cha, người mẹ, nên lắng nghe con trẻ kể về hoàn cảnh bị phạt và thẳng thắn trao đổi với giáo viên, với nhà trường về vụ việc để cùng tìm ra giải pháp tốt nhất.
Thay vì đánh mất đi bình tĩnh và gây ra những vụ bạo hành giáo viên nghiêm trọng. Đồng thời các bậc phụ huynh cũng luôn phải là người công tâm, phải có cái nhìn đa chiều. Phải hiểu tính cách của con mình, có đứa trẻ nói thật, nhưng có đứa trẻ biết nói dối.
Người làm cha làm mẹ có thái độ đúng đắn, đúng mực không bao giờ có những lời lẽ, phát ngôn chợ búa, hay những hành động bạo lực trước mặt trẻ con, không bao giờ bênh con trước mặt người khác khi chưa biết đúng sai thuộc về ai.
Chị Hải Yến, giáo viên trường THCS Giảng Võ chia sẻ: Thú thực là nghe nhiều vụ bạo hành trên báo đài gần đây, giáo viên chúng tôi cũng hoang mang lắm. Môi trường sư phạm càng ngày càng nhiều áp lực. Lớp học thì đông, các em học sinh mỗi đứa một cá tính.
Nhiều lúc mệt mỏi, cáu bẳn lắm nhưng cố kìm nén, luôn nhẹ nhàng hết mức có thể. Như lớp trẻ bây giờ cuộc sống đầy đủ, hầu như đứa nào cũng có điện thoại, đồng hồ, nên chỉ cần một hành vi không chuẩn mực thôi là thầy cô giáo dễ bị đưa lên mạng, dễ bị “ném đá” hội đồng lắm.
Chưa kể, nhiều vị phụ huynh không cần biết đúng sai thế nào, chưa tìm hiểu kĩ nhưng cứ nghe con kể là đến lớp làm ầm lên. Không phủ nhận là nhiều giáo viên không có trình độ sư phạm, không có những hành vi thái độ chuẩn mực, nhưng đó chỉ là một số rất nhỏ, còn đa số là các thầy cô đều nhiệt tình, tâm huyết với công việc.
Thế nhưng việc dạy dỗ các con vẫn phần lớn từ gia đình, chứ không thể phó mặc hết cho nhà trường. Hình thành tính cách đứa trẻ, gần gũi với đứa trẻ vẫn là bố mẹ chúng.
|
Phụ huynh vào tận lớp hành hung cô giáo ở Hải Phòng (ảnh cắt từ clip). |
Bà Nguyễn Thị Chanh, nguyên Hiệu trưởng một trường cấp 2 Nam Định chia sẻ: Trong suốt gần 40 làm nghề giáo, tôi chưa từng chứng kiến vụ bạo hành giáo viên nào ở trường.
Cũng có một vài thầy cô giáo vì nóng giận, không giữ được bình tĩnh dùng thước kẻ đánh vào tay học sinh, nhưng gia đình học sinh vẫn đến làm việc với nhà trường rất nhã nhặn và nhà trường cũng đã có hình thức kỉ luật giáo viên, không để tình trạng đó lặp lại lần nữa.
Điều cốt lõi chúng tôi luôn đặt ra là phải tận tâm, nhiệt tình với công việc, với học sinh cá biệt thì phải mềm mỏng, khéo léo, không phải cứ đánh, cứ quát là học sinh nghe theo.
Đặc biệt là nhà trường và phụ huynh phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc giáo dục con cái. Khi thầy cô giáo không tận tâm, không có nghiệp vụ sư phạm, không có phương pháp giáo dục sẽ khiến việc dạy dỗ học sinh thành phản giáo dục, gây bức xúc cho chính gia đình học sinh, có thể dẫn đến những hành động đáng tiếc.
Ngược lại khi phụ huynh không tôn trọng giáo viên, không quan tâm đến việc học hành của con cái thì đương nhiên sẽ có những hành xử thiếu văn hóa, gây bức xúc cho chính các thầy cô giáo.
Cũng chia sẻ về vấn đề bạo lực với giáo viên, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho biết: "Ở đây ta có thể thấy được rằng, dường như chúng ta đang chuyển sang nền kinh tế thị trường, các bậc phụ huynh thấy rằng họ trả tiền cho nhà trường và đã trả tiền thì họ có quyền đòi hỏi và sai khiến.
Cách nghĩ đó tôi chưa bàn đến đúng hay sai, nhưng rõ ràng nó đang xóa nhòa đi khoảng cách dạy dỗ con trẻ, dẫn đến những hành vi quá khích, xúc phạm người khác, thậm chí vi phạm pháp luật mà nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nhất chính là con trẻ.
Gia đình là một xã hội thu nhỏ, mỗi hành vi của cha mẹ hay người thân đều có tác động trực tiếp đến trẻ nhỏ. Ngoài ra, đa số gia đình hiện nay đều "giao khoán" con cái cho nhà trường nên khi con em họ gặp bất cứ vấn đề gì thì đều cho rằng đó là lỗi của nhà trường...".
Bạo lực học đường, bạo hành giáo viên đang trở thành vấn đề nhức nhối. Quan trọng vẫn là cách phòng tránh. Quan hệ giáo viên với học sinh, học sinh với gia đình, giáo viên với gia đình học sinh phải luôn chặt chẽ, xát xao.
Tất nhiên khi sự việc đáng tiếc đã xảy ra, vẫn cần có một hình thức kỷ luật thích đáng để răn đe, dù hành vi bạo lực xuất phát từ thầy cô, học sinh hay phụ huynh học sinh đi chăng nữa.
Ngọc Mai - Ngọc Minh/ Theo Tạp chí CSTC
CATP Hà Tĩnh