Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

“Bẫy” tín dụng “đen”

Không cần tài sản thế chấp hay quy trình thẩm định rườm rà, một cá nhân có thể thực hiện giao dịch vay vốn chỉ qua cú điện thoại. Đã có bài học “đắng lòng” từ dịch vụ này, thế nhưng, vì sự tiện lợi mà nhiều người dân Hà Tĩnh vẫn “chậc lưỡi” tìm đến tín dụng “đen”...

Dịch vụ cho vay trả góp, cho vay không thế chấp “ngoài luồng” có vẻ như đang ngày càng “nở rộ” trên thị trường Hà Tĩnh. Cho vay trả góp, cho vay tín dụng tiêu dùng, cho vay theo lãi suất ngân hàng… len lỏi khắp các ngõ ngách, khu dân cư. Những câu mời chào hấp dẫn như: Thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, lãi suất cực thấp… được in, dán nhan nhản ở cột điện, trạm biến thế, hàng rào công sở, trạm chờ xe buýt… Và, chỉ cần một cú điện thoại gọi đến số thuê bao công khai trên tờ quảng cáo, giao dịch cho vay được chấp thuận. Thế nhưng, đằng sau sự tiện ích này là chiếc “bẫy” giăng sẵn.

bay tin dung den

Tín dụng “đen” luôn len lỏi giữa cuộc sống hàng ngày. Minh hoạ của Huy Tùng

Chị Hoa (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) là dân buôn bán, vài năm nay liên tục gặp khó khăn về tài chính. Không còn tài sản thế chấp, các ngân hàng thương mại đều quay lưng với khoản vay mới, vay “nóng” trở thành cứu cánh cuối cùng của chị. “Cứ 4.000 đồng/ngày/triệu đồng, đánh lừa thị giác bằng tiền nghìn nhưng tính ra, nếu tôi vay 40 triệu đồng trong 1 tuần thì số lãi phải trả là 1.120.000 đồng. Biết bị “móc túi” nhưng đó là nguồn tiền mặt duy nhất để giải quyết khi mình cần” - chị Hoa cho biết.

Đến bây giờ, chị cũng không thể nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần tìm đến tín dụng “đen”. Cái lợi là giải quyết tiền mặt nhanh nhưng lại chịu lãi cao ngất ngưởng cuối kỳ, không ít lần chị còn rơi vào cảnh “dở khóc dở mếu” vì muôn kiểu đòi nợ của chủ nợ. Chị kể, có năm gần tết, chủ nợ đến “thăm” nhà. Hoặc có lúc, chậm trả nợ so với thỏa thuận chỉ một đêm thôi thì lãi cứ thế mà nhân lên nhưng cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Chủ yếu người vay vốn sẽ bị thu hút ngay bởi thủ tục đơn giản, chỉ cần chứng minh thư và sổ hộ khẩu. Cùng với đó, mọi giao dịch thỏa thuận cũng thực hiện rất nhanh chóng, giải ngân tiền mặt nhanh và khá bí mật. Chiêu bài nằm ở lãi suất của dịch vụ tài chính, hoặc không đưa ra cụ thể lãi suất cố định trên hợp đồng mà chỉ đưa ra mức trả góp cả gốc và lãi theo tháng (cho vay trả góp) hoặc tính lãi suất ngày, thường dao động từ 3.000 - 5.000 đồng/ngày/triệu đồng.

Nhưng tính ra, lãi suất mà người vay phải gánh chịu từ 50-200%/năm, tùy theo loại hình dịch vụ cũng như đối tượng khách hàng. Chủ của dịch vụ này là những công ty tài chính, hiệu cầm đồ và cả kênh bán lẻ ở một số ngân hàng thương mại cổ phần.

bay tin dung den

Trạm biến thế cũng trở thành nơi quảng cáo cho dịch vụ cho vay tiêu dùng ngoài ngân hàng.

Anh N.V.H. (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Ai cũng biết dễ gặp rủi ro, tiền lãi cao hơn nhiều lần so với ngân hàng, thậm chí có thể bị sự cố ngoài mong muốn, thế nhưng, chính những giấy tờ vay vốn đơn giản, giải ngân nhanh đã hấp dẫn người vay, nhất là đối với tầng lớp thanh niên”. Vào thời điểm này, khi sinh viên các trường đại học bắt đầu nhập trường thì dịch vụ này lại “rộ” hơn. Dựa vào sự thiếu hiểu biết cũng như năng lực tự bảo vệ mình của sinh viên, thanh niên, tuy mức vay không lớn nhưng nó luôn đảm bảo cho dịch vụ này luôn có “đất sống”.

Trên thực tế đã có những chuyện đáng tiếc xảy ra. Nhiều phụ huynh phải “ngã ngửa” khi có giấy báo nợ, người đến đòi nợ mới biết con mình đã “dính bẫy” của tín dụng “đen”. Trao đổi với ông Nguyễn Huy Tiến - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh, được biết: “Việc cho vay lãi suất cao (vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng - PV) là vi phạm pháp luật. Thế nhưng, để chứng minh được hành vi đó là rất khó cho Ngân hàng Nhà nước và cơ quan công an. Bởi lẽ, hoạt động vay dựa trên sự thỏa thuận giữa bên vay và cho vay mà rất ít khi thể hiện lãi suất rõ ràng trên giấy tờ liên quan. Thêm vào đó, việc chứng minh tổ chức đó cho vay chuyên nghiệp với lãi suất cao hiện chưa có cơ chế nào để thực hiện trừ khi có tố giác hoặc khiếu kiện từ khách hàng”.

Không quá xô bồ như ở các thành phố lớn, thị trường tín dụng “đen” Hà Tĩnh lại âm ỉ, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình, nhiều thân phận. Đằng sau dịch vụ tín dụng tiêu dùng, tín dụng “đen” biến tướng nhiều hình thức và chủ sở hữu vốn vay khác nhau. Không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, đã đến lúc cần một văn bản hiệu lực cao cảnh báo hình thức kinh doanh tiền tệ không hợp pháp này, nhằm bảo vệ người tiêu dùng cũng như lành mạnh hóa thị trường tín dụng.

Theo Báo Hà Tĩnh

CATP Hà Tĩnh