Bên dòng Đằng Giang
Cây hoa gạo đầu tiên chỉ có một nhánh khô rồi âm thầm khô dần và chết. Người ta cưa nó đi chỉ còn lại cái gốc. Khúc sông lạnh lẽo đến ghê rợn. Ai qua đó cũng rảo thật nhanh chân. Họ bảo nhau:- Những người chết oan nghiệt thiêng lắm, sợ họ ám rồi theo mình về nhà...
Ngay sát bờ sông Đằng Giang có một cây hoa gạo không biết đã mọc ở đó tự bao giờ. Thân cây to một vòng ôm không hết. Tháng ba hoa nở đỏ rực cháy một góc trời thăm thẳm.
Những bông hoa rơi xuống như một tấm thảm đỏ trải trên bãi cỏ xanh mướt triền đê. Người ở xa đi qua, người trong làng đi lại ai cũng ngẩn ngơ đứng lại ngắm nhìn.
Cứ nói đến xã Đình Cả ai cũng nhắc đến cây hoa gạo.
Vào một ngày kia cây hoa gạo bỗng nhiên chết. Thân cây đen sạm sù sì gớm ghiếc và những cành khô chỉa lên trời, vẻ rực rỡ ngày nào biến mất. Khúc sông trở nên hoang vu và cô quạnh biết chừng nào. Nó chết từ bao giờ và vì sao chết? Người qua kẻ đến đều chung một thắc mắc trong đầu như thế.
Tại sao cây hoa gạo lại chết? Tại sao?
*
Mọi người đều bảo hoàng hôn về trên sông thật đẹp.
Thụy vuốt lọn tóc gió thổi xòa trên má thong thả đi xuống dưới lòng sông. Gió nặng hơi nước mát rượi như xua tan đi mệt mỏi trong người Thụy. Không nỡ giẫm lên những bông hoa gạo, cô bước vòng khá rộng. Thụy kéo quần lên quá gối thả đôi chân trắng mịn như con gái thị thành xuống dòng nước trong mát. Những tia nắng như mầu vàng nghệ cuối chiều dệt thành vệt lấp lánh trên những con sóng. Dòng sông như trở nên êm dịu và hiền hòa hơn.
Thụy mơ màng…
Dạo còn học cấp ba, cứ chiều chiều Thụy lại chạy ra hóng gió sông dưới gốc cây gạo. Nằm trên thảm hoa dang rộng hai tay nhìn lên bầu trời xanh ngắt, cô ước mình thi đỗ vào trường đại học và sau này sẽ trở thành cô giáo. Với sức học của Thụy thì điều ước ấy chắc chắn sẽ trở thành hiện thực. Giữa năm học lớp 12, một biến cố gia đình xảy ra đã khiến cuộc đời Thụy sang một bước ngoặt khác.
Sau một tai nạn giao thông thương tâm mẹ mất, còn bố cô sống đời sống thực vật. Thụy phải bỏ học chạy chợ lấy tiền để nuôi bố và em.
Bố Thụy nằm liệt giường mấy năm sau thì mất. Đoạn tang bố thì có người mai mối Thụy về làm dâu nhà Thực ở làng kế bên.
Thực, một chàng trai nông điền vạm vỡ là con độc đinh của gia đình. Đêm mặn nồng tân nương Thực cục mịch bảo Thụy:
- Anh sẽ cố gắng làm lụng để nuôi em.
Thụy giấu hai má hồng rực vào nách chồng ngượng ngùng đáp một tiếng vâng lí nhí.
Từ khi lấy Thực, Thụy không còn phải mua rau đầu chợ bán rau cuối chợ nữa. Cuộc sống vợ chồng êm ả trôi đi.
Thụy sòn sòn ba năm đôi đẻ cho Thực một trai một gái. Hạnh phúc như tròn đầy thêm.
Lại nữa, cuối năm ấy bỗng nhiên khu làng của vợ chồng Thụy trong quy hoạch có một khu chung cư cao tầng mọc lên và một con đường nối mạch với đường quốc lộ chạy ngang một phần đất qua trước cửa nhà Thụy. Đang là chốn ngoại ô yên bình, trong chớp mắt thành khu đô thị sầm uất. Từ xã đã lên cấp phường.
Bọn trai trẻ ở làng tóc cợp tai phóng vèo vèo trên con xe máy mà bố mẹ chúng mua từ tiền được đền bù đất, ngồi sau là các cô nàng môi đỏ tóc lò xo bận trên người những chiếc quần cạp trễ đến hững hờ. Mùi vị đô thành tràn vào các hộ gia đình như một cơn lốc. Các quán bia hơi, mát xa, bi a mọc lên bốn bề đông tây nam bắc.
Mọi thứ đổi thay đến ngỡ ngàng, chỉ riêng cây hoa gạo sát bờ sông cứ đến độ tháng ba hoa vẫn nở đỏ rực đến nao lòng, đỏ rực đến cháy trời.
*
Bắt nhịp cùng sự đô thị hóa, vợ chồng Thụy cũng dùng số tiền được đền bù mở một cửa hàng bán tạp hóa.
Kinh tế gia đình dư dả lên trông thấy. Trong nhà ti vi, tủ lạnh đủ cả. Một bữa, vợ anh bí thư phường qua mua đồ thấy Thực đang lúi húi phụ bán hàng cho vợ bèn thẽ thọt:
- Đàn ông đàn ang phải làm những việc lớn. Còn nghĩ tương lai sau này cho bọn trẻ nữa, tôi thấy chú có tướng mạo làm quan đấy…
Chồng Thụy ngây người hỏi lại:
- Chị nói vậy là sao? Em chẳng có bằng cấp gì, chị cứ nói đùa.
Chị vợ bí thư phường cười toác miệng bảo:
- Chú này chả hiểu thời thế gì cả. Thế nhà tôi đấy bằng cấp gì? Cả xã này, à phường này hỏi chú là có ai oai bằng nhà tôi. Đến cụ Cả người nhiều tuổi nhất, hễ mỗi lần gặp nhà tôi bao giờ chả chắp tay cung kính chào ông bí thư.
Chồng Thụy nhìn vợ bí thư từ đầu đến chân, chiếc áo nhung mầu huyết dụ cắt khéo ôm thân hình mỡ màng, làn da căng mướt thầm nghĩ: Rõ là khác xa ngày trước.
Thấy chồng Thụy cứ ngẩn tò te nhìn mình vợ Bí thư phường tiến sát lại kiễng chân ghé vào tai thì thầm…
Nghe xong chồng Thụy ngập ngừng bảo:
- Em biết thế…
Những lời vợ bí thư phường nói thầm vào tai chồng Thụy hôm ấy cứ ngấm dần ngấm dần. Thụy nắm được tâm ý của chồng bèn bảo:
- Em thấy chị vợ bác bí thư nói đúng đấy, ngày xưa em cũng ước này ước nọ, chẳng may gia cảnh nên đành dở dang. Nhà mình bây giờ có miếng ăn của để, mình đừng băn khoăn gì để em thu xếp hôm nào mình đến gặp bác bí thư xem sao.
Thụy trích một khoản kha khá cùng chồng đến nhà bí thư phường vào một buổi tối. Vợ bí thư phường đon đả rót nước ân cần mời vợ chồng Thụy.
Chốt cuộc gặp mặt bí thư phường khật khừ bảo:
- Cô chú cứ về đi để tôi nghĩ cách xem sao.
Giữa năm ấy, chồng Thụy trở thành cán bộ phường. Công việc xã hội mới mẻ cuốn chồng Thụy đi tối ngày.
Một tuần phải có đến bốn ngày chồng Thụy đêm khuya mới về, hôm nào cũng trong tình trạng say mèm.
Giọng lướt khướt chồng Thụy bảo:
- M…ẹ mày lấy cho bố cái ch..ậu
Thụy luýnh quýnh chưa kịp Thực đã nôn ra đầy góc giường, tay trỏ vào mặt Thụy nói:
- Ngu lắm…
Rồi ngủ lịm, người mềm oặt như củ khoai nướng vừa lấy từ lò bánh mì ra.
Thụy nằm cạnh chồng ấp chiếc khăn tay lên mặt để đỡ mùi rượu bỗng dưng hai hàng nước mắt chảy ra.
Cái anh Thực nông điền cục mịch giờ như đã biến đi đâu mất, thay vào đó là một kẻ với dáng vẻ khệnh khạng, đôi mắt luôn đỏ ngầu, cái miệng luôn thở ra mùi rượu.
Chồng Thụy cho rằng mình giờ đây đã ở một tâm thế khác. Chỉ nhìn cái cách anh ta tiếp dân là thấy ngay.
- Tôi nói cho nhà bà biết, việc lấy đất của nhà bà cấp trên đã ký duyệt rồi. Bà còn thắc mắc cái gì? Định chống đối nhà nước à?
Ánh mắt vằn lên những tia giận dữ, ngón tay trỏ xỉa xỉa vào mặt bà Quy. Gương mặt người đàn bà mới chớm ngưỡng sáu mươi tuổi mà héo quắt, những nếp nhăn lằn ngang lằn dọc như của bà lão tám mươi.
Bà Quy kéo vạt áo chấm giọt nước mắt vừa rỉ ra giọng van lơn:
- Thôi thì trăm lạy bác Thực, mong bác xét hoàn cảnh gia đình, nhà tôi khốn khó quá. Từ ngày ông nhà mất, thằng Cả vào tù giờ chỉ có một thân một mình giờ chỉ biết trông vào mấy sào đất ruộng để sinh sống. Thôi thì tình nghĩa láng giềng…
Chưa để bà Quy nói hết nhời chồng Thụy quắc mắt dằn giọng:
- Không lôi thôi với bà nữa. Bà về đi, chế độ chính sách có phải chuyện con trẻ đâu.
Bà Quy mếu máo bước thấp bước cao ra về gương mặt chan chứa thất vọng.
*
Thằng cu nhớn nhà Thụy sốt rừng rực như lò than hồng, có lẽ tại nó chiều nay mải đá bóng thì trời đổ mưa giữa trận.
Thụy đã nhai cả nửa rá rau dấp cá để đắp vào trán nó mà không thấy nó hạ sốt tí nào. Cái miệng thằng cu nhớn cứ ngớp ngớp để thở.
Kim giờ đồng hồ đã chỉ con số chín. Chồng Thụy vẫn chưa về. Thụy tất tả ôm đứa gái bé chạy sang bà Quy giọng gấp gáp:
- Con nhờ bà trông cháu giúp con đưa thằng lớn vào viện.
Bà Quy giơ hai tay đỡ gái bé giọng hốt hoảng:
- Cháu nó làm sao?
Chẳng cả trả lời, Thụy lại huỳnh huỵch chạy sang nhà anh Đôn giật cửa.
Anh Đôn đối diện nhà Thụy số cô quả cha mẹ mất sớm mãi ngoài ba mấy mới lấy vợ. Lấy vợ chưa đầy năm thì vợ mắc bệnh hiểm nghèo đã mất hồi năm ngoái. Thi thoảng nhìn cảnh lầm lũi sớm tối của Đôn mà Thụy thấy thương cảm.
Tiếng giật cửa khiến Đôn giật mình. Mở cửa thấy Thụy mặt tái xanh Đôn bỗng thót tim dự đoán có chuyện chẳng lành hỏi ngay:
- Bên nhà có chuyện gì à? Cần tôi giúp? Để tôi lấy cái áo khoác rồi sang ngay.
Thụy lắp bắp:
- Nhờ anh đưa thằng cu nhà em ra viện, cháu sốt cao quá.
Đôn bảo:
- Cô về sắp xếp để tôi lấy xe rồi sang ngay.
Thằng cu nhớn viêm phổi cấp tính, được cấp cứu kịp thời tiếng thở có vẻ đã êm hơn.
Đôn thương Thụy ở lại cùng viện đêm ấy. Nhìn Thụy mệt quá gục mặt thiếp đi Đôn lặng lẽ cởi chiếc áo khoác ngoài đắp lên người cô, trong lòng có đôi phần xót xa.
Chồng Thụy như mọi bận về khuya sau cuộc vui vẻ ngoài luồng ở quán Karaoke và lướt khướt đã từ lâu tự mở cửa vào nhà ngủ ghế sa lông. Mãi sáng dậy không thấy vợ con đâu mới tá hỏa chạy sang hàng xóm hỏi.
Gái bé đã dậy đang được bà Quy nấu cho ăn sáng, thấy bố mếu máo.
- Bố đi đâu không về đêm qua mẹ phải đưa anh đi viện rồi.
Vừa lúc ấy Đôn từ viện về báo với chồng Thụy.
- Tối qua anh về muộn, cô Thụy sang nhờ tôi đưa cháu đi viện giờ cháu đang nằm ở khoa cấp cứu đấy.
Chồng Thụy không một lời cảm ơn, mắt nhìn Đôn gườm gườm kéo đứa gái bé về nhà.
Vào viện giọng Thực hạch sách:
- Cô trông nom con thế nào để đêm hôm phải đi viện? Tư tình gì mà thằng Đôn nó nhiệt tình thế?
Thụy định cãi lại một câu nhưng nhìn tia mắt vằn đỏ của chồng lại thôi.
*
Nghe giọng nói ấm áp của Đôn đang nói với ai phía ngoài cửa, Thụy hóng mắt nhìn ra.
Bốn mắt như chợt giao hòa, tim Thụy bỗng nhiên nhảy nhót trong lồng ngực. Ánh mắt lúc nào cũng như đám mây đen trên bầu trời của Đôn từ sau ngày vợ mất cũng chợt ánh lên tia sáng lấp lánh.
Thỉnh thoảng nấu nồi canh ngon Thụy lại bưng một bát sang cho Đôn.
Trái tim đơn côi lầm lũi của Đôn như được sưởi ấm.
Đôi má Thụy mỗi lần nhìn thấy Đôn lại chợt đỏ lên như cánh hoa bích đào.
Chồng Thụy vẫn mải mê với những cuộc vui. Thụy cũng chẳng còn bận lòng về chồng mình nữa.
Đôn cứ nhìn mãi không chán vào gương mặt và đôi mắt nhắm chặt, chỉ còn lại hàng mi đen thẫm của Thụy. Anh nhẹ nhàng đặt môi mình lên đó thì thầm:
- Em thật dịu dàng ước gì em là vợ của anh…
Thụy choàng tay qua cổ Đôn áp sát gương mặt mình vào mặt anh giọng nóng bỏng:
- Ước gì…
Không gian như ngừng trôi. Thế giới giờ đây chỉ có Đôn, Thụy và tình yêu của họ.
*
Tiếng đồn sắc nhọn len lỏi cuối cùng đã đến đích. Trong cơn nóng giận, chồng Thụy định về nhà sẽ đánh cho Thụy một trận tơi bời rồi sang nhà Đôn đấm cho vài quả vào giữa mặt. Không biết có phải Thực nhiễm tính thâm độc từ ngày làm cán bộ phường hay bản tính vốn thế nhưng chưa có cơ hội để cái mầm thâm độc ấy nảy ra. Thế rồi hắn cố kìm nén cơn ghen tưởng như làm cho lá phổi của Thực thải ra toàn khí độc.
Thực rắp tâm. Thực toan tính…
Đêm ấy có trăng non, lại đúng mùa hoa gạo nở. Dưới ánh trăng huyền ảo những cành gạo đan sít những bông hoa sắc đỏ tươi giữa ban ngày giờ nhường vào đó chỉ là một màu thâm thẫm nổi trên nền trời sáng mờ cùng những ngôi sao nhỏ nhấp nhánh.
Thụy nằm gối đầu lên cánh tay của Đôn. Cả hai cùng ngắm nhìn vầng trăng. Đôn nói với Thụy:
- Hay anh bán nhà rồi mình đi đâu thật xa. Đem cả bọn trẻ đi em ạ.
Thụy xoay người ấp mặt mình vào vầng ngực Đôn giọng thì thào:
- Em cũng ước thế mình ơi, nhưng em sợ lắm…
Đôn xiết Thụy trong vòng tay bảo:
- Sợ gì chứ? Có anh bên em thì sợ gì chứ!
Thụy nép vào người Đôn tin cậy. Một bông hoa gạo rơi bộp một cái trúng giữa hai người. Thụy giật mình ôm Đôn chặt hơn. Đôn lấy ngón tay chọc vào nách Thụy bảo:
- Người gì mà nhát thế?
Cả hai rúc rích cười. Dưới chân họ dòng sông vẫn mải miết chảy.
Thụy và Đôn có biết đâu rằng những bước chân rất nhẹ đang tiến sát về phía mình.
Thực xuất hiện như một hung thần, đôi mắt cháy lửa, miệng mím chặt tịnh không có một tí hơi rượu nào phả ra. Con dao sáng loáng nhấp nhoáng dưới ánh trăng vung lên rồi xỉa xuống liên tiếp để Thực xả cơn hờn ghen như ngọn núi lửa đang gầm gào trong tim trong óc hắn.
Máu chảy thành một vệt dài loang xuống dòng sông. Sông vẫn âm thầm mải miết chảy.
Thực ném con dao xuống sông ôm đầu chạy lên đê, Thựa chạy về nhà xục xạo hắn ngửa cổ cầm chai rượu tu ừng ực.
Hai đứa trẻ ngủ ngon lành trong nhà. Trên trần nhà tiếng con Thạch sùng vẫn tắc lưỡi đều đều.
Sáng ra, cả phường nhốn nháo, kinh hãi khi biết về án mạng xảy ra đêm qua.
Khi các cơ quan chức năng đến tìm hiểu và làm sáng tỏ vụ việc thì Thực vẫn đang ngồi giữa nhà, mặt đỏ rựng, tóc tai bù xù, đôi mắt ngầu đỏ đờ đẫn. Xung quanh Thực rượu chảy lênh láng cùng những vỏ chai rượu đã cạn. Khắp phòng mùi rượu nồng nặc.
Chưa hết kinh hoàng về vụ án hai mạng người tổ dân phố lại một lần nữa nhốn nháo vì sự mất tích của hai đứa con của Thụy.
Có người bảo:
- Hôm qua tôi nghe nói người nhà bố nó trong miền Nam ra đón chúng đi
Nhưng có người lại quả quyết:
- Chiều qua vào lúc hoàng hôn tôi thấy hai đứa dắt nhau ra bờ sông chỗ cây hoa gạo ấy.
Thông tin về hai đứa trẻ người nói này kẻ nói nọ lâu rồi cũng chả ai còn bận tâm và cuộc sống lại trở về nhịp ồn ào hối hả của đô thị mới đang độ phát triển, họ dần quên đi bi kịch của nhà Thụy.
*
Cây hoa gạo đầu tiên chỉ có một nhánh khô rồi âm thầm khô dần và chết. Người ta cưa nó đi chỉ còn lại cái gốc. Khúc sông lạnh lẽo đến ghê rợn. Ai qua đó cũng rảo thật nhanh chân. Họ bảo nhau:
- Những người chết oan nghiệt thiêng lắm, sợ họ ám rồi theo mình về nhà.
*
Thời gian vẫn bền bỉ trôi cùng dòng sông. Năm qua tháng lại chẳng biết đã bao lâu rồi tự dưng ngay sát chỗ cây hoa gạo ngày xưa lại mọc lên một cây hoa gạo bé. Cây hoa gạo này lớn nhanh như có phép nhiệm mầu. Chẳng mấy mà nó lại ra hoa. Cả thân cây đỏ rực toàn hoa là hoa. Hoa lại đốt cháy một góc trời xanh thắm. Cái thảm hoa dưới gốc cây cũng rộng dần tỉ lệ thuận với vòng ôm của thân cây.
Bỗng nhiên nhiều lời đồn đại cứ lan truyền khắp mọi nơi thế này:
- Tối qua tôi có việc đi qua chỗ cây gạo tự nhiên nghe thấy tiếng cười rúc rích của đôi nam nữ các bà ạ.
- Thế à? Tôi lại thấy tiếng nói của con trẻ các bà ạ. Thật đấy chả tin các bà cứ qua đấy lúc chín hay mười giờ đêm mà xem.
- Tôi thì lại ngửi thấy mùi thức ăn. Sực như mùi maggi nấu cháy.
- Ối tối hôm rồi tôi còn nhìn thấy có hai bóng người nắm tay nhau đi từ gốc gạo xuống bờ sông, đằng sau thấy có hai đứa trẻ một trai một gái đi theo. Tất cả đều lội xuống sông, sau đấy chẳng thấy họ đâu cả. Tôi không tin dụi mắt rồi véo một cái vào đùi rõ đau để xem mình mơ hay tỉnh. Thật đấy.
Chẳng biết có những ai tin vào các lời đồn đại ấy. Nhưng có một sự thực hiển nhiên rằng: Phía bên trong con đê những tòa nhà lừng lững cao vút, những kẻ lô đề túm tụm toan tính mỗi khi chiều về. Đâu đó mấy thanh niên tầm choai choai mặt hốc hác xanh lét ngáp vặt liên tục, đôi mắt lờ đờ bỗng lóe lên như ánh chớp khi nhìn thấy khách từ đâu đến hớ hênh khoác chiếc túi xách ở tay.
- Cướp, c…ướp…
Tiếng kêu lạc giọng chìm vào giữa chiều.
*
Tháng ba, hoa gạo đỏ cháy trời xanh thẳm và sông vẫn mải mê đưa dòng chảy ra biển.
Truyện ngắn của Đặng Lưu San
Minh họa: Tô Chiêm |
CATP Hà Tĩnh