Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Bí ẩn đằng sau sự vắng vẻ ở chùa Bà Đanh

Chùa Bà Đanh gồm nhiều công trình như: nhà bái đường, nhà thượng điện, nhà rung đường, phủ thờ Mẫu, nhà tổ… Trên các cột và kèo chạm khắc tinh vi nhưng luôn vắng khách một cách bí ẩn.

Chùa Bà Đanh là một danh thắng của đất Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, từ xa xưa vẫn gắn liền với câu thành ngữ nổi tiếng “vắng như chùa Bà Đanh”. Trên đường tìm đến ngôi chùa này, tôi cứ ngẫm nghĩ và tò mò mãi, không biết chùa Bà Đanh vắng vẻ, hiu quạnh thế nào mà dân gian lại lưu truyền như vậy? “Vắng như chùa Bà Đanh” Từ thành phố Phủ Lý rẽ vào quốc lộ 21, đi cầu Quế khoảng hơn 1km, chúng tôi thấy chùa Bà Đanh thấp thoáng hiện ra sau những bóng cây. Ngôi chùa u tịch nhìn ra con sông Đáy trôi chảy hiền hòa. Bến nước của chùa Bà Đanh nằm thoai thoải bên bờ sông, các bậc đá màu xám ngà ngà nổi bật giữa màu xanh của cây cỏ và dòng nước phẳng lặng như gương.
 Chùa Bà Đanh hiện ra thấp thoáng sau những bóng cây.
 Con đường nhỏ dẫn vào chùa Bà Đanh rợp bóng nhãn, vải.
Đi qua chiếc cầu treo Cấm Sơn khá bề thế bắc qua sông Đáy, vòng lên một đoạn đường đê vắng vẻ, chúng tôi bắt gặp tấm biển bằng đá ghi “Di tích lịch sử văn hoá chùa Bà Đanh và núi Ngọc”.
Chùa Bà Đanh thuộc địa phận thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách núi Ngọc khoảng 100m. Từ núi Ngọc và từ chân đê, đi qua những đoạn đường nhỏ vắng lặng rợp bóng vải thiều, nhãn..., du khách sẽ thấy tam quan chùa Bà Đanh hướng về phía con sông Đáy thơ mộng.
Khoảng sân rộng được lát đá trồng nhiều loại cây như đa, hoàng lan, sứ… Những cây bưởi trĩu quả vỏ vàng tươi tắn, những cây táo ta sai quả gợi nên hình ảnh một cuộc sống thanh đạm mà trù phú. Đặc biệt, ngôi chùa trồng một cây đào tiên tán thấp có quả to, tròn và dẹt dẹt như bưởi nhưng vỏ nhẵn thín màu xanh bóng, chi chít đầy cành.
 Tam quan ngôi chùa.
 Một góc sân chùa u tịch.
Chùa Bà Đanh gồm nhiều công trình như: nhà bái đường, nhà thượng điện, nhà rung đường, phủ thờ Mẫu, nhà tổ… Trên các cột và vì kèo chạm khắc tinh vi theo đề tài “Ngũ phúc”, “Tứ linh”, “Tùng mã”, “Mai điểu”… Ngay gần đó là một bến nước lớn uy nghiêm nhưng vắng vẻ, trên các bậc lên xuống của bến nước, lá đa rụng đầy gợi không khí u tịch. Đứng trên bến nước, ngắm nhìn khung cảnh sơn thủy hữu tình, cái lặng yên nhắc cho trái tim mẫn cảm nhớ đến câu thơ của Trần Đăng Khoa: “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”. Ngôi chùa của những truyền thuyết dân gian Chùa Bà Đanh có tên chữ là Bảo Sơn tự, ngoài thờ Phật còn thờ Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu và Tứ Pháp trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam (bao gồm Pháp Vân - mẹ Mây, Pháp Vũ - mẹ mưa, Pháp Lôi - mẹ Sấm, Pháp Điện - mẹ Chớp).
Lịch sử xây chùa Bà Đanh gắn liền với nhiều truyền thuyết lạ kỳ như tích về mẹ Phật Man Nương – được cho là nguồn gốc của Tứ Pháp – vốn lưu truyền rộng rãi ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
 Một toà nhà trong tổng thể kiến trúc chùa Bà Đanh.
 Đến chùa Bà Đanh, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm chạm khắc gỗ tinh xảo
 
 Bến nước chùa Bà Đanh nằm bên con sông Đáy hiền hoà lá đa rụng đầy.
 Con rồng đá nơi Tam quan.
Tượng Bà Chúa Đanh được thờ trong chùa tương truyền là một người con gái được các Thần phái về để trông coi vùng này. Từ khi nhân dân trong vùng xây xong chùa thì sản xuất thuận lợi, không còn thiên tai mất mùa, đời sống trở nên đầm ấm, trù phú. Do đó, trong tâm thức dân gian Bà Chúa Đanh chính là vị thần mùa màng, phù hộ cho nông nghiệp. Nhiều người kể rằng do chùa Bà Đanh quá linh thiêng nên khách thập phương cũng ít dám ghé qua vì sợ nếu thất lễ sẽ bị trừng phạt. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chùa ở xa khu dân cư, cách trở núi sông, giao thông không thuận tiện nên ít người lui tới. Dù giải thích thế nào thì dường như nguồn gốc câu thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh” vẫn là một bí ẩn!  

CATP Hà Tĩnh