Bí mật chết người của tên lửa chống tăng M47 Dragon Mỹ
Mãi sau khi loại biên chế, người ta mới khám phá ra rằng tên lửa chống tăng M47 Dragon của Mỹ không chịu được nước muối dù nó dành cho thủy quân lục chiến.
Sự ra đời của tên lửa chống tăng M47 Dragon trong giữa những năm 1970 đánh dấu một bước đột phá lịch sử trong công nghệ tên lửa. Chưa bao giờ trong chiến tranh hiện đại với chỉ một người lính duy nhất lại có đủ hỏa lực để tiêu diệt được xe tăng, xe bọc thép ở khoảng cách an toàn.
M47 Dragon từng là trụ cột trong vũ khí chống tăng của Mỹ trong suốt thời gian dài. Nó cũng được sử dụng tích cực bởi lục quân các nước Iran, Israel, Jordan, Morocco, Hà Lan, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Tây Ban Nha, và Đài Loan.
Điều thú vị ở loại tên lửa này là khi binh sĩ mang nó, binh sĩ đó sẽ trông giống một nhà quay phim. Với độ tiện lợi khi cần khai hỏa, người lính chỉ việc tháo một đầu bảo vệ và bấm nút. Nó không đòi hỏi sự kỳ công trong tác chiến như các hệ thống tên lửa chống tăng trước đây.
Tên lửa chống tăng M47 Dragon được thiết kế rất gọn nhẹ, với chiều dài ống phóng 1.154mm (trong đó đạn tên lửa dài 856mm), tầm bắn hiệu quả từ 70 đến 1.000m. Đầu đạn M47 nặng khoảng 2,5km dùng kiểu nổ lõm có khả năng xuyên giáp thép đồng nhất dày khoảng 450-500mm.
Lợi thế của M47 so với các hệ thống khác cùng loại là sự linh hoạt. Suốt thời gian dài cùng với tên lửa TOW, nó luôn là những vũ khí đáng lo ngại cho các lực lượng tăng thiết giáp của Liên Xô như T-55, T-62, T-72 và thậm chí cả T-80.
Tuy nhiên, nó cũng tồn tại những điểm yếu “gây sốc” mà đến khi bị loại biên chế, người ta mới cho biết. Một nghiên cứu của Quân đội Mỹ phát hiện ra rằng, độ chính xác khi tác chiến của M47 Dragon chỉ đạt 20% do hạn chế của hệ thống. Và điều "nực cười" là, các vi mạch điện tử của tên lửa có thể bị ảnh hưởng bởi nước muối qua đó làm giảm phạm vi tác chiến của nó, mà mỉa mai là M47 lại được trang bị cho Hải quân Mỹ.
M47 cũng được trang bị hệ thống kính ngắm ban đêm, tuy nhiên nó lại quá cồng kềnh và phức tạp để lắp đặt. Đôi khi người vận hành phải tiến hành theo dõi bằng mắt thường các mục tiêu, điều chỉnh thủ công quĩ đạo bay của tên lửa, để dẫn hướng cho tên lửa tấn công mục tiêu trong khoảng cách 1km.
Mặc dù tên lửa chống tăng M47 trải qua nâng cấp nhỏ để nâng tầm bắn, tuy nhiên điểm yếu ở hệ thống dẫn đường bán tự động (SACLOS) khiến xạ thủ phải giữ nguyên vị trí sau khi bắn đạn vẫn không được khắc phục. Mặt khác độ ồn phát ra khi khai hỏa thường làm ù tai xạ thủ, đôi lúc tên lửa lại rơi xuống đất ngay khi vừa ra khỏi ống phóng.
Chính vì vậy, tới đầu những năm 1990, khi tên lửa Javelin xuất hiện, Quân đội Mỹ nhanh chóng vứt bỏ M47 Dragon.
Tên lửa chống tăng M47 Dragon hiện nay tuy đã bị loại bỏ bởi Mỹ và phần lớn các nước Phương Tây. Tuy nhiên nó vẫn đang hoạt động tích cực trong các lực lượng phản ứng nhanh và lực lượng đặc biệt của Iran. Trước đây Iran mua M47 Dragon của Mỹ và giờ nó được sản xuất ở trong nước với cái tên Saeghe. Qua đó ít nhiều M47 đặt ra những mối đe dọa với các loại xe tăng Mỹ và cả Israel.
CATP Hà Tĩnh