Bộ Giáo dục - Đào tạo lại chuẩn bị… đổi mới!
Theo dự thảo báo cáo đề án thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ chính quy 2017 mà Bộ GD&ĐT mới đưa ra thì trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017, dự kiến các thí sinh sẽ thực hiện 5 bài thi thay vì tổ chức thi theo từng môn.
Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã lên các phương án tuyển sinh năm 2017 và sẽ công bố tới học sinh trước ngày 10/9.
Dự thảo này được Bộ GD&ĐT đưa ra mang tính chất “trưng cầu dân ý” để tiến tới hoàn thiện phương án chính thức.
Theo đó, trong Dự thảo có đề xuất 5 phương thức xét tuyển ĐH, CĐ đang được xem xét như sau: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT; Dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; Sơ tuyển kết hợp với thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt; Xét tuyển bằng kết quả đánh giá năng lực chuyên biệt của trường (hoặc nhóm trường) khác; kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh.
Các trường cũng có thể tự tổ chức thi hoặc thành lập nhóm trường để tổ chức thi.
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia |
Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tự tổ chức thi phải công khai cấu trúc bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận), cách tính điểm xét tuyển từ kết quả thi THPT và kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
Dự thảo cũng nêu ra phương án, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017 mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi cho tất cả các thí sinh tại địa phương do Sở GD&ĐT chủ trì, các trường ĐH, CĐ chỉ thực hiện giám sát. Thời gian thi của các cụm sẽ diễn ra cùng lúc trên toàn quốc.
Như vậy, nếu phương án này đưa vào thực hiện thì trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017, cả nước chỉ có một loại cụm thi do Sở GD&ĐT tổ chức, thay vì có thêm một cụm thi do trường ĐH chủ trì như vừa qua.
Để dự thi THPT Quốc gia, thí sinh hệ THPT sẽ làm 5 bài thi: Toán, Văn, Ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân); thí sinh hệ giáo dục từ xa làm 4 bài thi (bớt đi bài Ngoại ngữ).
Đề thi môn Ngoại ngữ sẽ có 40 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian 60 phút. Các bài thi Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 50 câu trắc nghiệm với thời gian làm bài 90 phút. Mỗi thí sinh sẽ được cấp 1 mã đề khác nhau để tránh tình trạng quay cóp, gian lận.
Ngoại trừ môn Văn vẫn thi theo hình thức thi tự luận, bài thi được viết trên giấy và do giáo viên chấm thì 4 bài thi còn lại sẽ thi theo hình trắc nghiệm và việc chấm bài thi sẽ do máy chấm.
Như vậy là tính đến năm 2017, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ trải qua 3 mùa. So mới năm 2015, thì năm 2016 kỳ thi này cũng đã có nhiều điều chỉnh. Vậy nên, với những điều chỉnh tiếp theo trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017 này đã khiến nhiều bậc phụ huynh, cũng như dư luận xã hội lo ngại.
Về dự thảo kỳ thi THPT Quốc gia 2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói: “Phương án thi năm 2017 không phải hoàn toàn mới mà là sự kế thừa những ưu điểm, hạn chế khuyết điểm của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 để tốt hơn. Bộ chủ trương tổ chức theo hướng trắc nghiệm khách quan và áp dụng công nghệ thông vào thi cử để tránh tình trạng học lệch, học tủ và công bằng trong thi cử từ công tác chấm thi”.
Nói thì là vậy, nhưng những chia sẻ này của Bộ trưởng chưa trấn an được dư luận khi mà những tiền lệ xấu từ đổi mới của kỳ thi THPT Quốc gia vẫn khiến phụ huynh và học sinh bị ám ảnh.
Dẫu biết đổi mới một phương pháp thi không thể đòi hỏi hoàn thiện được ngay. Nhưng có lẽ Bộ GD&ĐT cần thận trọng hơn nữa trong những bước đổi mới tiếp theo của mình. Bởi suốt 2 năm qua, nhiều phụ huynh đã phải kêu trời vì con em mình bị coi như “chuột bạch”.
Huy An/ Theo petrotimes.vn
CATP Hà Tĩnh