Bộ Quốc phòng tổ chức lại 4 cơ quan chiến lược, giải thể 14 lữ đoàn
Bộ Quốc phòng giải thể, điều chỉnh một số cơ quan trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; giải thể 14 Lữ đoàn, tổ chức lại 4 cơ quan chiến lược, giảm 10% quân số biên chế.
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo quý IV/2018 của Bộ Quốc phòng, tổ chức sáng 27/12 tại Hà Nội.
Giải thể 14 Lữ đoàn Công binh dự bị động viên
Theo TTXVN, tại họp báo, Đại tá Nguyễn Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ tổng Tham mưu Quân đội nhân dân cho biết, thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, triệt để, với quyết tâm chính trị cao các Nghị quyết, kết luận, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; xây dựng, triển khai thực hiện các Nghị quyết, đề án, kế hoạch, tổ chức xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong đó, trọng tâm là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; xây dựng, triển khai thực hiện Đề án về Điều chỉnh tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2016 – 2021; Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: QĐND. |
Kết quả, Bộ Quốc phòng đã giải thể, điều chỉnh tổ chức, biên chế một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (quân số giảm gần 3.000 người); giải thể 14 Lữ đoàn Công binh dự bị động viên thuộc 7 tổng công ty. 6 trung tâm dạy nghề - giới thiệu việc làm; tổ chức lại 4 cơ quan chiến lược làm điểm, giảm 10% quân số biên chế.
Tổ chức lại làm quân đội mạnh lên
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng, quá trình điều chỉnh tổ chức của Bộ Quốc phòng được thực hiện theo tinh thần tinh, gọn, mạnh, cơ động nhanh và sức chiến đấu cao; giảm đầu mối trung gian, sáp nhập các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng.
"Việc tổ chức biên chế, sắp xếp lại không làm ảnh hưởng đến sức mạnh chiến đấu mà việc tổ chức ấy phải làm cho sức mạnh chiến đấu của quân đội ngày càng mạnh lên", Thiếu tướng Đức nhấn mạnh.
Tuy phải thành lập mới một số cơ quan, đơn vị theo yêu cầu nhiệm vụ; song Bộ Quốc phòng đã nghiêm túc thực hiện tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, bảo đảm không tăng quân số. Đến nay, tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam được điều chỉnh tương đối hợp lý giữa các lực lượng, sức chiến đấu được nâng lên.
Thành lập Tổng công ty sản xuất, sửa chữa vũ khí
Theo báo QĐND, trong phương hướng tổ chức xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2019 - 2021, Bộ Quốc phòng xác định tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch về tổ chức xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo đó, sẽ tiếp tục rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối trung gian và lực lượng phục vụ, bảo đảm; sáp nhập các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; chuyển đổi cơ chế hoạt động một số đơn vị phục vụ, bảo đảm, sang hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng triển khai thực hiện Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống kho vũ khí, trang bị kỹ thuật toàn quân giai đoạn 2018 - 2025 và các năm tiếp theo; thực hiện Đề án tổ chức lực lượng Bộ đội Biên phòng đến năm 2021 và những năm tiếp theo; tiếp tục hoàn thiện Đề án quy hoạch hệ thống cơ sở sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật toàn quân; thí điểm thành lập Tổng công ty sản xuất, sửa chữa vũ khí.
Cùng với đó, sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của cơ quan, đơn vị; xây dựng biểu biên chế thời bình cho các đơn vị mới thành lập.
Theo Chinhphu.vnCATP Hà Tĩnh