Bộ trưởng Tô Lâm: Quy định khắt khe việc nổ súng sẽ khó khăn trong triển khai
“Việc nổ súng trấn áp, đe doạ đối với lực lượng Cảnh vệ rất quan trọng, tất cả các nước đều có việc này chứ không riêng gì bảo vệ tiếp cận. Nếu quy định khắt khe quá thì nhiều khi anh em không dám sử dụng, luôn luôn lo sợ vi phạm luật pháp, sẽ khó khăn trong triển khai”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định tại phiên họp thứ 2 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV đối với quy định sử dụng súng của lực lượng Cảnh vệ.
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sáng 15-8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV đã họp phiên thứ 2.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, diễn ra trong 2 ngày 15 và 16-8, phiên họp sẽ đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các dự án Luật Cảnh vệ, Luật Công an xã; cho ý kiến Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016. Đồng thời Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 – 2015 của dự án Hồ Tả Trạch cho hợp phần bồi thường, di dân tái định cư.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. |
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Cảnh vệ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Pháp lệnh Cảnh vệ được ban hành năm 2005 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng Cảnh vệ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần phục vụ sự nghiệp bảo vệ Đảng, Nhà nước cũng như công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực cảnh vệ mới là pháp lệnh nên hiệu lực thi hành thấp, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ trong tình hình hiện nay.
|
Bộ trưởng Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật Cảnh vệ, sáng 15-8 |
Mặt khác, trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đã đặt ra các yêu cầu mới. “Qua 10 năm triển khai thi hành, Pháp lệnh Cảnh vệ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải được hoàn thiện, do đó việc nghiên cứu, xây dựng Luật Cảnh vệ là cần thiết. Dự thảo Luật Cảnh vệ gồm 5 chương, 29 điều”, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.
Về quy định sử dụng vũ khí trong thi hành nhiệm vụ, Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày cho rằng, việc quy định các trường hợp nổ súng của lực lượng cảnh vệ là cần thiết. Ngoài việc thực hiện các quy định tại Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì Luật này cần nghiên cứu, quy định cụ thể những trường hợp nổ súng của lực lượng cảnh vệ để chủ động trong các tình huống vì yêu cầu phải bảo vệ tuyệt đối, an toàn đối tượng cảnh vệ.
|
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên họp sáng 15-8. |
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đồng tình với quan điểm này: “Nên có một số quy định trường hợp được nổ súng bởi khi áp dụng vào thực tế khác lắm. Ví dụ khi chúng tôi sang Mỹ lực lượng Cảnh vệ được bố trí riêng, mật vụ có quyền nổ súng để bảo vệ các đối tượng Cảnh vệ đặc biệt. Chứ nếu chờ dẫn chiếu theo Luật quản lý, sử dụng vũ khí thì khó thực thi”, đồng chí Tòng Thị Phóng phân tích, đồng thời đề nghị phải có hướng dẫn trong trường hợp bất khả kháng thì được phép nổ súng.
Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại băn khoăn Điều 19 dự thảo Luật Cảnh vệ trao quyền quá lớn cho sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ. “Cần quy định cụ thể quyền khi nào được nổ súng gây thương tích, khi nào thì được tiêu diệt”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị cần phải quy định chặt chẽ hơn các trường hợp được nổ súng bởi việc nổ súng liên quan đến quyền sống và quyền chết của các đối tượng. “Tờ trình phân tích 3 trường hợp cụ thể là nổ súng để cảnh cáo, để gây thương tích và tiêu diệt. Ngoài ra trong một số trường hợp khác thì được nổ súng theo quy định của pháp luật. Theo tôi, việc nổ súng trong trường hợp nào phải được quy định bằng luật, phải cụ thể và chi tiết”, bà đề nghị.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, trang bị vũ khí và nổ súng là lĩnh vực hết sức đặc biệt. “Việc nổ súng trấn áp, đe doạ đối với lực lượng Cảnh vệ rất quan trọng, tất cả các nước đều có việc này chứ không riêng gì bảo vệ tiếp cận. Nếu quy định khắt khe quá thì nhiều khi anh em không dám sử dụng, luôn luôn lo sợ vi phạm luật pháp, như vậy khó khăn trong triển khai”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, kể cả đối với Cảnh sát Hình sự, lực lượng tuần tra trên đường cũng sẽ gặp khó khăn trong tình hình công tác thực tế và việc nổ súng tấn công, trấn áp tội phạm…
Giải trình thêm về nội dung này, Chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhất trí vấn đề sử dụng vũ khí trong Luật Cảnh vệ cơ bản dựa trên nền tảng cơ bản của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, Luật này phải trao cho anh em Cảnh vệ quyền cao hơn quyền trong Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
“Thứ nhất, địch là đối tượng không xin ai cả, trong khi mình cầm súng thì lại phải xin. Thứ hai, địch là đối tượng kiên quyết nhưng mình lại chần chừ vì sợ sai luật. Thứ ba, đối tượng manh động, không sợ trong khi anh em lại e ngại. Trong khi quyết định nổ súng hay không nổ súng chỉ là vấn đề tích tắc, khi lãnh tụ không an toàn thì anh em lại phải chịu trách nhiệm”, đồng chí Võ Trọng Việt lý giải. Ông đề nghị phải thiết kế luật đảm bảo cho lực lượng Cảnh vệ thực sự chủ động, nhưng không được lạm dụng.
CATP Hà Tĩnh