Bốn chữ T trong đối ngoại Trung Quốc
Phán quyết của Tòa Trọng tài có thể sẽ dẫn đến bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Báo Today (Singapore) ngày 29-8 đã đăng bài viết với đầu đề “Phán quyết trọng tài về biển Đông: Bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc?” của PGS Lý Minh Giang ở Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore). Ba đe dọa trước đây không còn PGS Lý Minh Giang ghi nhận đối với phán quyết trọng tài công bố ngày 12-7, Trung Quốc đã bộc lộ phản ứng không khác quan điểm đã công bố trước đó. Đó là không tham gia, không công nhận, không tán thành và không phục tùng. Trong những năm qua, căng thẳng ngoại giao giữa các bên tranh chấp đã quốc tế hóa vấn đề biển Đông, buộc Trung Quốc phải dành nhiều nguồn lực để đối phó với tác động tiêu cực đến lợi ích Trung Quốc. Hiện nay, phán quyết trọng tài sẽ thúc đẩy biển Đông trở thành vấn đề nổi bật trong quan hệ quốc tế của Trung Quốc và có thể dẫn đến bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trong nhiều thập niên qua, Bắc Kinh đã xây dựng các tác nhân chính trong chính sách đối ngoại gồm ba chữ T: Taiwan (Đài Loan), Tibet (Tây Tạng) và Trade (thương mại).
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn tin rằng Mỹ đứng sau vấn đề biển Đông. Trong ảnh là tàu sân bay John C. Stennis tuần tra ở biển Đông hồi tháng 4. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ
Với ba chữ T, Trung Quốc nỗ lực bảo vệ nguyên tắc “một Trung Quốc” và giải quyết tranh chấp thương mại với nhiều nước phát triển. Trong thập niên vừa qua, Trung Quốc đã đối phó với các thách thức này thành công. Nay vấn đề Đài Loan độc lập, sức ép quốc tế về nhân quyền và tranh chấp thương mại chắc chắn sẽ tiếp tục là các mối quan tâm của giới ngoại giao Trung Quốc. Dù vậy, các vấn đề này không còn là mối đe dọa như trước nữa và giảm dần giá trị trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Nguyên do vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có nhiều giải pháp chính trị hơn vào lúc quyền lực của Trung Quốc đang gia tăng và Bắc Kinh ngày càng có kinh nghiệm hơn trong xử lý ba chữ T. Có thể vì vậy mà Trung Quốc hành động mang tính chất vũ lực hơn trong xử lý các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở biển Đông và biển Hoa Đông. Các nhà phân tích đánh giá chính phản ứng thái quá và ý đồ thay đổi nguyên trạng ở biển Đông có lợi cho Trung Quốc đã khiến cái vòng luẩn quẩn tranh chấp cứ kéo dài. PGS Lý Minh Giang đánh giá dù Trung Quốc có muốn hay không, tranh chấp biển Đông đã trở nên vấn đề quan trọng mới ngày càng tác động sâu sắc đến quan hệ đối ngoại của Bắc Kinh. Chữ T thứ tư về lãnh thổ Ngày 12-7 (ngày Tòa Trọng tài công bố phán quyết) được xem là cột mốc thay đổi luật chơi ở biển Đông vì xuất hiện thêm một chữ T thứ tư trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc. Đó là Territorial (lãnh thổ tranh chấp ở biển Đông). Có nhiều lý do để giải thích: • Thứ nhất, trong những năm tới phán quyết trọng tài sẽ là nguyên nhân lớn gây xích mích giữa Bắc Kinh và các bên. Nếu căn cứ các tuyên bố của các nước then chốt và các tổ chức quốc tế như G7, ASEM (Diễn đàn Hợp tác Á-Âu), ASEAN, phần lớn các nước không dễ dàng bỏ qua phán quyết trọng tài như một công cụ để đấu tranh với Trung Quốc. Và cũng gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ thái độ bất chấp phán quyết trọng tài. • Thứ hai, mọi xung đột trong tương lai ở biển Đông chắc chắn sẽ có liên quan đến phán quyết trọng tài và rồi sẽ được phân xử căn cứ phán quyết trọng tài. Trong khi đó, hiện nay chưa có dấu hiệu rõ ràng rằng Trung Quốc hay các bên liên quan có chính sách chung nào để ngăn chặn xung đột bùng nổ. • Thứ ba, các quan điểm tương phản và các chính sách khác nhau giữa Trung Quốc với nhiều tác nhân khác ở biển Đông xuất hiện ngày càng rõ hơn. Nhiều nhà lãnh đạo chính trị trong khu vực có xu hướng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguyên tắc về quản lý xung đột và các vấn đề khu vực. Nói chung, Trung Quốc có vẻ như không phải chống lại một trật tự khu vực dựa trên luật pháp nhưng Trung Quốc cảm thấy khó chịu vì nhiều nguyên tắc và chuẩn mực hiện nay được tạo ra trong khuôn khổ vai trò thống trị của Mỹ trong khu vực. Bắc Kinh cũng nhận thức rằng các nguyên tắc của các bên khác có thể được áp dụng ở biển Đông lại trái ngược với các mục đích của Trung Quốc trong tranh chấp. Luận điểm sử dụng các nguyên tắc trong lĩnh vực hàng hải khu vực có thể tác động mạnh hơn trong quan hệ đối ngoại của Bắc Kinh. Chỉ có điều cộng đồng quốc tế lo ngại không rõ Trung Quốc sẽ duy trì hay thay đổi các nguyên tắc quốc tế hiện nay.• Báo Philippine Star đưa tin ngày 29-8, phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày Các anh hùng dân tộc tại Nghĩa trang Anh hùng ở thủ đô Manila, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói với Đại sứ Trung Quốc Trình Giám Hoa rằng Philippines không muốn gây chiến với Trung Quốc và ông muốn tạm gác phán quyết của Tòa Trọng tài để đàm phán với Trung Quốc. Ông đã đề nghị đại sứ Trung Quốc xem xét tình hình các ngư dân Philippines đánh bắt trong vùng biển tranh chấp. Ông kêu gọi người Trung Quốc đối xử với ngư dân Philippines như anh em một dòng máu.
• Cùng ngày, báo South China Morning Post (Hong Kong) đưa tin người phát ngôn không quân Trung Quốc khẳng định hệ thống tên lửa đất đối không thế hệ thứ ba đã sẵn sàng đi vào chiến đấu. Người phát ngôn cho biết không quân Trung Quốc sẽ sử dụng hệ thống phòng không và chống tên lửa do Trung Quốc sản xuất gồm các tên lửa và hệ thống phóng mới. Hệ thống này có thể bắn hạ các mục tiêu ở độ cao thấp. Thông báo trên được đưa ra vào lúc Bắc Kinh phản đối Hàn Quốc triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa và tình hình căng thẳng ở biển Đông.
_________________________________
Chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc vẫn gia tăng sau phán quyết trọng tài. Giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn tin rằng Mỹ đứng sau vấn đề biển Đông. Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc tăng cường sức mạnh thì mới có thể giải quyết tranh chấp. Quan điểm của một bộ phận thiểu số ở Trung Quốc muốn áp dụng chính sách ôn hòa đều bị gạt bỏ hoặc tự kiểm duyệt do sức ép chính trị-xã hội đè nặng. Ngay cả ý định phân tích khách quan phán quyết trọng tài cũng bị dán nhãn là “phản quốc”.
PGS LÝ MINH GIANG |
CATP Hà Tĩnh