Brunei - đất nước của những điều… không tưởng tượng nổi?
Trên thế giới, nếu hỏi người dân nước nào có thu nhập vào loại cao nhất thế giới, thì câu trả lời chắc chắn là: Người dân Brunei, với số tiền hơn 40 nghìn USD/năm (đứng thứ 5 trên thế giới) - nghĩa là họ làm một năm, thì bằng người Việt ta làm… ngót hai chục năm.
Nếu hỏi quốc gia nào có số dân ít nhất, thì chắc chắn là Brunei: Với gần 50 vạn dân, sống trên diện tích gần 6 ngàn km2.
Quốc gia nào có tỷ lệ ôtô tính theo đầu người cao nhất: lại cũng là Brunei, trung bình mỗi người dân sở hữu… 2 xe con.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chụp ảnh lưu niệm với đoàn cán bộ của Petrovietnam đi tháp tùng Chủ tịch tại Brunei và Singapore |
Quốc gia nào có nhà vua trị vì lâu nhất: Vẫn là Brunei - Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah. Lên ngôi từ năm 1967, kiêm Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao - Thương mại và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, đồng thời là thủ lĩnh Hồi giáo; kiêm Bộ trưởng Tài chính.
Cũng phải nói thêm là Quốc vương Brunei là người cực kỳ lãng tử. Chỉ có ông - một Quốc vương - dám tự mình lái máy bay Boeing 747 đi sang… Mỹ dự họp. Và không chỉ lái được Boeing, ông còn lái được gần chục loại máy bay khác, trong đó, có cả máy bay tiêm kích. Ông cũng là người có bộ sưu tập xe lớn nhất thế giới và rất mê chơi Polo… Tài sản của Quốc vương khoảng hơn 20 tỉ USD.
Chỉ có ông mới là người dám lấy đến… 3 bà vợ.
Thái tử là Haji Al-Muhtadee Billah, con trai đầu của Quốc vương Sultan Haji Hassanal Bolkiah, được phong hàm Đại tướng 4 sao và tham gia chỉ huy quân đội. Ngày 23-5-2005, Thái tử được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Cao cấp Văn phòng Thủ tướng và tái đắc cử vị trí này vào 22-10-2015.
Dòng dõi quốc vương đã trị vì đất nước bé nhỏ này hơn 700 năm.
Quốc gia nào có cung điện lớn nhất: Chắc chắn là Brunei. Cung điện Hoàng gia có 1.788 phòng và là nơi tột đỉnh của vàng son choáng ngợp, xa xỉ và lộng lẫy. Tất cả đồ đạc, vật dụng trong hoàng cung đều lấp lánh ánh vàng, hoặc làm bằng vàng khối. Cung điện này lớn đến nỗi có hai đội thợ, quanh năm không bao giờ được nghỉ, đó là thợ sơn hàng rào và thợ thay bóng điện. Bởi vì, cứ sơn hết một vòng hàng rào thì lại phải sơn lại từ đầu… Thay bóng điện cũng tương tự như vậy.
Lại nữa, đất nước nào có chế độ phúc lợi cao nhất thế giới: Vẫn phải là Brunei. Người dân ở quốc gia nhỏ bé này, có cuộc sống như trên “thiên đường”. Muốn cho con đi học ở một trường đại học danh tiếng ư? Chính phủ đài thọ cho đi ngay. Nhưng học xong thì phải về, đừng có nói chuyện trốn ở lại? Có bệnh, muốn đi khám ở nước khác ư? Không có vấn đề gì. Chính phủ cho tiền. Chưa đủ tiền xây nhà ư? Chỉ cần nộp… 1 USD tượng trưng, Chính phủ sẽ cấp nhà.
Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Thương mại Brunei ký MOU quan trọng trong hợp tác kinh tế thương mại hai nước |
Tính đến tháng 6-2016, Brunei đứng thứ 18/114 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 205 dự án và tổng vốn đăng ký đạt 2,18 tỉ USD; đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Trong đó, dự án lớn nhất (cấp phép năm 2008) của Công ty TNHH New City với tổng số vốn 1 tỉ USD đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, dịch vụ du lịch, resort, nhà hàng khách sạn tại Phú Yên. Việt Nam có 1 dự án đầu tư tại Brunei của Công ty TNHH Kim Thịnh trị giá 650.000USD trong lĩnh vực kinh doanh kim loại, kim loại mầu, kim loại quý, hóa chất.
Nguồn thu nhập chính của Brunei là từ dầu mỏ và khí đốt. Hiện nay, Brunei có sản lượng khai thác dầu và khí đứng thứ tư ở Đông Nam Á và chiếm 63% GDP. Chính vì thế mà hợp tác dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Petroleum Brunei đã có từ khá lâu. Tuy nhiên, kết quả hợp tác còn cực kỳ khiêm tốn.
Trong chuyến đi thăm hữu nghị Nhà nước Brunei Darussalam của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân lần này, Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Vũ Trường Sơn và lãnh đạo một số đơn vị thành viên đi tháp tùng đoàn đã có một số cuộc gặp gỡ với các đối tác Brunei.
Petrovietnam và PetroleumBRUNEI đã trao đổi thông tin, xem xét việc tham gia vào một số dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam cũng như các dự án hợp tác đầu tư tại Brunei, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí tại Brunei và giao dịch mua dầu thô từ Brunei.
Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã giới thiệu choPetroleumBRUNEI cơ hội tham gia các dự án dầu khí của PVEP ở trong nước và nước ngoài: Lô 102/10&106/10 (bể Sông Hồng), Lô 101-100/04 (bể Sông Hồng), Lô 10&11-1 (bể Nam Côn Sơn), Lô M2 (ngoài khơi Myanmar). Tuy nhiên, đến nay PetroleumBRUNEI chưa bày tỏ sự quan tâm đặc biệt nào đối với các cơ hội nói trên.
Cán bộ Petrovietnam và PV Drilling trao đổi với doanh nghiệp Dầu khí Brunei |
Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) đã tiến hành tìm hiểu thị trường dịch vụ khoan dầu khí tại Brunei và tiếp thị các dịch vụ của PV Drilling đến với các khách hàng PetroleumBRUNEI, Total E&P Borne B.V, Brunei Shell Petroleum Co.Sdn.Bhd., Petronas Carigali Brunei Ltd.. Từ năm 2013, PV Drliing đã ký thỏa thuận hợp tác kinh doanh với Harun Petroleum Sdn Bhd, công ty dịch vụ dầu khí do người bản xứ sở hữu 100%, để xây dựng quan hệ đại lý nhằm hỗ trợ, tìm kiếm và xúc tiến các cơ hội kinh doanh dịch vụ giàn khoan của PV Drilling tại thị trường này cũng như đáp ứng yêu cầu “Phát triển kinh doanh bản địa” trong ngành công nghiệp dầu khí của Brunei, tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ giàn khoan cho Total E&P Borne B.V. từ tháng 11-2014. Ngoài ra, PV Drilling đã cung cấp một số hàng hóa và dịch vụ dầu khí nhỏ lẻ, không thường xuyên liên quan đến hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa cơ khí cho một số đối tác khác tại Brunei.
Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC thuộc Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) hợp tác với Công ty Petroleum Brunei Services đã thực hiện thành công dự án EPCC - dự án đóng mới giàn đầu giếng Marahaja Lela South cho khách hàng Total E&P tại Brunei.
Ngoài ra PTSC đã đăng ký thành công vào sanh sách nhà cung cấp củaPetroleumBRUNEI và đang tham gia đấu thầu các dự án dầu khí củaPetroleumBRUNEI hoặc có sự tham gia của PetroleumBRUNEI tại thị trường Brunei.
Trong buổi gặp gỡ doanh nghiệp hai nước, PTSC là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất được phía Brunei giới thiệu trang trọng.
Một quan chức Brunei đi siêu xe đế dự lễ đón Chủ tịch Trần Đại Quang |
Từ năm 2012 tới nay, PV OIL Singapore có hợp đồng mua dầu thô Champion (dầu khai thác từ mỏ Champion của Brunei) dài hạn với Brunei Shell Petroleum (BSP), là công ty liên doanh giữa Chính phủ Brunei và The Asiatic Petroleum Company - công ty con của Shell (50% mỗi bên). Khối lượng dầu Champion này chủ yếu được PV OIL Singapore cung cấp cho Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất hoặc kinh doanh khi NMLD Dung Quất không có nhu cầu.
Trong giai đoạn 4 năm (2012 - 2015), PV OIL Singapore đã cung cấp 8 lô dầu Champion cho NMLD Dung Quất với tổng khối lượng đạt gần 4,7 triệu thùng. Trong năm 2016, trên cơ sở hợp đồng dài hạn cung cấp dầu Champion cho NMLD Dung Quất, PV OIL Singapore sẽ cung cấp 1 lô dầu chắc chắn và 1 lô dầu lựa chọn (khối lượng mỗi lô là 600.000 thùng).
Brunei giàu có là như vậy, có nền chính trị lạ đến như vậy, họ sống trên nhung lua, vàng bạc… nhưng lại cực kỳ tiết kiệm và coi trọng lễ nghĩa. Ngay thủ đô Brunei, trên những con đường cao tốc ven đô, thậm chí đường chạy xuyên thành phố cũng không có đèn chiếu sáng. Chỉ có những giao lộ mới có đèn. Buổi tối, đi trên đường cao tốc, nhiều đoạn cứ tưởng như đang đi trong vùng rừng Tây Bắc Việt Nam… Đường tối om, cây cối hai bên um tùm, bí ẩn.
Hỏi ra mới biết, họ không chiếu sáng trên đường cao tốc là để… tiết kiệm điện.
Thật có lý. Ôtô chạy trên đường, xe nào chả có hai đèn sáng quắc, việc gì phải có đèn nữa.
CATP Hà Tĩnh