Cả dàn lãnh đạo Quỹ TDND Phùng Xá vướng vòng lao lý
Để “rút ruột” quỹ lấy tiền phục vụ việc kinh doanh cá nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền lập 18 hồ sơ giả vay tiền mang tên người thân của chủ tịch, rút và chiếm đoạt trên 9,1 tỷ đồng. Vụ việc khiến 8 người trong dàn lãnh đạo của Quỹ tín dụng vướng vòng lao lý.
Những vi phạm xảy ra ở các quỹ TDND trong thời gian qua không chỉ ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mà còn làm giảm niềm tin của người dân đối với loại hình tín dụng này.
Vi phạm có tổ chức
Quỹ TDND Phùng Xá có trụ sở tại thôn Thượng, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, được thành lập và hoạt động theo Giấy phép số 17/NH-GP ngày 26-5-1995 của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Hà Tây (nay là Chi nhánh TP Hà Nội). Quỹ là tổ chức tín dụng hợp tác hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12, quy chế hoạt động của Quỹ TDND Phùng Xá và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Nguồn vốn hoạt động của quỹ được hình thành từ các khoản vốn chủ sở hữu, vốn huy động tiền gửi dân cư, vốn vay các tổ chức tín dụng khác. Quỹ không có vốn nhà nước cấp hoặc tham gia hoạt động.
Cuối năm 2014, sau khi thanh tra hoạt động kinh doanh của Quỹ TDND Phùng Xá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội đã phát hiện một số hành vi sai phạm và có dấu hiệu tội phạm hình sự tại Quỹ nên đã chuyển hồ sơ tài liệu thanh tra đến Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội để điều tra và xử lý theo thẩm quyền.
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội làm rõ, Hội đồng quản trị (HĐQT) Quỹ TDND Phùng Xá (nhiệm kỳ 2011-2015) gồm 5 người được đại hội đại biểu thành viên bầu ngày 22-1-2011 và đã được Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội chuẩn y, do ông Phạm Đình Phúc (SN 1953, ở Đội 4, thôn Thượng, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), làm Chủ tịch HĐQT. Ban kiểm soát quỹ gồm 3 thành viên do ông Đỗ Hữu Quang (SN 1959) làm Trưởng ban kiểm soát; Tổ chức nhân sự Ban điều hành và cán bộ quỹ gồm 7 người do ông Nguyễn Huy Du (SN 1972) làm Giám đốc.
Quy chế hoạt động của Quỹ TDND Phùng Xá và Luật Các tổ chức tín dụng quy định: Chủ tịch HĐQT là người chịu trách nhiệm cao nhất trong quỹ TDND, là người ký các văn bản thuộc thẩm quyền của HĐQT, là người điều hành Quỹ TDND hoạt động đúng pháp luật, đúng điều lệ quỹ TDND và nghị quyết đại hội thành viên, nghị quyết HĐQT.
|
Các đối tượng trong vụ việc vi phạm pháp luật tại Quỹ TDND Hoằng Đồng (Thanh Hóa) trước vành móng ngựa. |
Tuy nhiên, trong quá trình điều hành hoạt động của quỹ từ năm 2013 đến 2014, ông Phạm Đình Phúc, Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Phùng Xá đã chỉ đạo Nguyễn Huy Du - Giám đốc quỹ và một số cán bộ cấp dưới lập 18 hồ sơ giả tên người khác và không có tài sản thế chấp để rút 9.116.000.000 đồng của Quỹ tín dụng sử dụng vào mục đích cá nhân. Đáng chú ý, 18 hồ sơ giả này đều mang tên những người thân thích của ông Phúc như anh chị em ruột, con cháu, thông gia và bạn ông Phúc.
Tại cơ quan điều tra, ông Phạm Đình Phúc khai, do nhu cầu cần tiền để kinh doanh nên đã nghĩ ra kế “rút ruột” Quỹ tín dụng như trên. Trong 18 hồ sơ giả có 15 hồ sơ do ông Phúc ký giả tên người vay, 3 hồ sơ do ông Phúc nhờ đứng tên trên hồ sơ vay vốn, tuy nhiên khi giải ngân, ông Phúc là người nhận tiền và sử dụng.
Trong số tiền trên 9,1 tỷ đồng đã chiếm đoạt, ông Phúc khai đã sử dụng 2,4 tỷ đồng để kinh doanh vàng, số còn lại trên 6,7 tỷ đồng dùng để trả nợ gốc và nợ lãi cho các khoản vay khác. Cho đến thời điểm thanh tra vào cuộc thì còn 18 hồ sơ ông Phúc không trả được tiền.
Điều tra việc lập 18 hồ sơ giả để “rút ruột” Quỹ TDND Phùng Xá, Cơ quan điều tra làm rõ một loạt cán bộ của quỹ đã tham gia “giúp sức” cho ông Phúc chiếm đoạt trên 9,1 tỷ đồng. Theo đó, mặc dù biết ông Phúc lập hồ sơ tín dụng giả và chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ lập hồ sơ giả tên người vay để rút tiền của quỹ nhưng các cán bộ như Giám đốc Nguyễn Huy Du, Phó Giám đốc Phạm Đình Sơn, Phan Văn Tuấn - nguyên Kế toán trưởng, Hoàng Đức Tuấn - Kế toán trưởng, Nguyễn Khả Tiến - cán bộ tín dụng, vẫn ký xác nhận trên hồ sơ tín dụng và các sổ sách, chứng từ kế toán, tạo điều kiện để Phạm Đình Phúc chiếm đoạt tiền.
Đối với Đoàn Kim Hân - Phó Giám đốc Quỹ phụ trách công tác kế toán, mặc dù biết các cán bộ kế toán, thủ quỹ lập chứng từ giải ngân không đúng quy định nhưng Hân không ngăn cản. Đối với Đỗ Hữu Quang - Trưởng ban kiểm soát, có chức năng kiểm tra, giám sát Quỹ tín dụng hoạt động và chấp hành đúng pháp luật nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, biết việc làm của ông Phúc và các cán bộ thuộc bộ phận tín dụng, kế toán, thủ quỹ lập hồ sơ, chứng từ không đúng quy định, biết nhân viên Ban Kiểm soát ký xác nhận kiểm soát trên các chứng từ kế toán không đúng nhưng Quang cũng không ngăn cản. Hành vi “im lặng” trước những sai phạm trên của ông Hân và Quang đã “giúp” ông Phúc rút số tiền trên 9,1 tỷ đồng của Quỹ để chiếm đoạt trót lọt.
Ngoài việc lập hồ sơ giả, rút tiền, Cơ quan điều tra còn làm rõ ông Phạm Đình Phúc và Nguyễn Huy Du có hành vi chỉ đạo cán bộ Quỹ TDND Phùng Xá vay “nóng” tiền của các cá nhân ngoài xã hội với lãi suất cao, gây thất thoát tại quỹ tiền mặt số tiền trên 7,7 tỷ đồng so với chứng từ, sổ sách kế toán. Theo đó, ngày 12-11-2014, khi thanh tra Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hà Nội và Quỹ TDND Phùng Xá tiến hành kiểm tra tiền mặt tại quỹ đã lập biên bản xác định số tiền thất thoát tại quỹ tiền mặt so với sổ sách là 7.709.650.000 đồng.
Tại Cơ quan điều tra, ông Phạm Đình Phúc - Chủ tịch HĐQT và Nguyễn Huy Du - Giám đốc Quỹ khai nhận, do Quỹ TDND Phùng Xá không có tiền trả nợ Quỹ TDND Trung ương và tiền gửi của dân nên từ tháng 5-2011 đến thời điểm thanh tra, Phúc và Du đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền huy động tiền “nóng”, vay bên ngoài với lãi suất cao để trả nợ cho khoản vay của Ngân hàng Hợp tác xã - chi nhánh Hà Tây và người gửi tiền, với tổng số tiền huy động bên ngoài là 39 tỷ đồng (tiền gốc). Trong đó Quỹ đã thanh toán, trả nợ được 38,6 tỷ đồng gốc và gần 9,3 tỷ đồng tiền lãi. Vì vậy khoản tiền thất thoát tại quỹ trên 7,7 tỷ đồng chính là tiền chênh lệch lãi cao mà quỹ phải trả cho bên ngoài.
Để hợp thức hóa số tiền vay ngoài trên sổ sách giấy tờ theo quy định của Nhà nước, các khoản vay này được các đối tượng thể hiện bằng các sổ tiết kiệm mang tên người thân quen, sau đó được cân đối trên sổ sách bằng cách lập 29 hồ sơ tín dụng cho vay giả mang tên những thành viên của Quỹ. Việc làm này nhằm mục đích tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng khi kiểm tra. Việc làm này trái với quy chế hoạt động của Quỹ cũng như Luật Các tổ chức tín dụng, thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt.
Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT đã đề nghị VKSND TP Hà Nội truy tố Phạm Đình Phúc - Chủ tịch HĐQT, Nguyễn Huy Du - Giám đốc Quỹ TDND Phùng Xá về các tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” - theo khoản 4, Điều 280 và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” - theo khoản 4, Điều 165 Bộ luật Hình sự. Về trách nhiệm dân sự, ông Phúc phải chịu trách nhiệm về số tiền trên 9,1 tỷ đồng đã chiếm đoạt.
Liên quan đến những sai phạm trên, Cơ quan CSĐT cũng đề nghị truy tố nhóm cán bộ gồm Phạm Đình Sơn - Phó Giám đốc, Phan Văn Tuấn - nguyên Kế toán trưởng, Nguyễn Khả Tiến - cán bộ tín dụng, Hoàng Đức Tuấn - Kế toán trưởng, can tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4, Điều 280 Bộ luật Hình sự. Các đối tượng Đoàn Kim Hân - Phó Giám đốc và Đỗ Hữu Quang - Trưởng ban kiểm soát bị đề nghị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2, Điều 285 Bộ luật Hình sự.
Báo động chất lượng đội ngũ cán bộ quỹ tín dụng
Quản lý yếu kém, để xảy ra nhiều sai phạm dẫn đến nguy cơ mất khả năng thanh toán, thậm chí có nguy cơ “vỡ nợ” là thực trạng đã và đang xảy ra ở nhiều quỹ TDND trên địa bàn cả nước. Ngay trên địa bàn Hà Nội, đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hà Nội cũng đã công bố kiểm soát đặc biệt toàn diện đối với Quỹ TDND Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ, Hà Nội).
Trước đó, theo kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, Quỹ TDND Thọ Lộc đã có nhiều vi phạm về tài chính và cấp tín dụng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của quỹ, dẫn đến khả năng mất chi trả, thanh toán.
Mới đây nhất, ngày 29 và 30-6-2016, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Quỹ TDND Hoằng Đồng.
|
Quỹ TDND Hoằng Đồng, nơi xảy ra sai phạm. |
Bản án xác định, Quỹ TDND Hoằng Đồng được cấp phép thành lập hoạt động từ giữa năm 2007, được phép kinh doanh tiền tệ, tín dụng và các hoạt động dịch vụ ngân hàng trên địa bàn 4 xã Hoằng Đồng, Hoằng Thái, Hoằng Thịnh và Hoằng Lộc của huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Từ cuối năm 2010 đến cuối 2013, Giám đốc Quỹ Nguyễn Hữu Nha đã chỉ đạo 3 cá nhân đứng tên doanh nghiệp và 1 cá nhân ngoài địa bàn không phải là thành viên quỹ vay vốn trái quy định, cho vay quá giới hạn.
Khi cho vay, quỹ không có hồ sơ pháp lý, không hợp đồng vay vốn, không tài sản thế chấp, không thẩm định, dẫn đến thiệt hại trên 28 tỷ đồng. Khi sự việc vỡ lở, Nguyễn Hữu Nha đã chỉ đạo thủ quỹ lập khống chứng từ để đối phó với cơ quan chức năng.
Với những sai phạm trên, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên phạt Nguyễn Hữu Nha 13 năm tù, 5 cán bộ của quỹ bị tuyên các mức án từ 36 tháng tù đến 8 năm tù, buộc phải bồi hoàn số tiền đã gây thiệt hại.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện toàn tỉnh có 20 quỹ TDND nhưng từ năm 2011 đến nay, đã có nhiều cán bộ làm việc tại tổ chức tín dụng này vi phạm pháp luật bị khởi tố, đưa ra xét xử, trong đó có 4 người nguyên là giám đốc quỹ. Gần nhất là cuối tháng 4-2016, TAND tỉnh Bắc Giang đã đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Mạnh Thư (SN 1972), nguyên Giám đốc Quỹ TDND Lam Cốt về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý quỹ, Nguyễn Mạnh Thư đã lấy trộm phôi thẻ trắng sổ tiết kiệm, điền thông tin giả, giả chữ ký của kế toán, thủ quỹ, đóng dấu rồi chuyển khách hàng. Bằng thủ đoạn này, từ tháng 2-2012 đến tháng 6-2013, Thư đã chiếm đoạt hơn 1,5 tỷ đồng của 4 người dân gửi tiền tiết kiệm tại quỹ.
Theo Thượng tá Mai Trọng Thắng, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an Hà Nội, một trong các nguyên nhân dẫn đến những sai phạm tại các quỹ TDND là do chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên ở các quỹ. Trình độ, năng lực yếu kém, không được đào tạo cơ bản về hoạt động tín dụng, nhận thức pháp luật hạn chế dẫn đến không ít người trong quá trình làm việc bị đồng tiền làm mờ mắt, tha hóa đạo đức và vi phạm pháp luật.
Như tại Quỹ TDND Phùng Xá, toàn bộ đội ngũ lãnh đạo và nhân viên tại đây chỉ có trình độ học vấn hết cấp 3. Để ngăn ngừa tình trang vi phạm pháp luật tại các quỹ TDND, theo Thượng tá Mai Trọng Thắng, cần thiết phải cơ cấu lại tổ chức nhân sự, thay thế các thành viên quản lý, cán bộ tín dụng, kiểm soát không đáp ứng tiêu chuẩn trình độ, năng lực, đạo đức...
Đồng quan điểm, Luật sư Hoàng Nguyên Bình - Văn phòng luật sư Bình An, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, yếu tố con người làm việc tại các tổ chức tín dụng là hết sức quan trọng. Thực tế các sai phạm, vi phạm pháp luật thời gian qua xảy ra tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng đều liên quan đến năng lực chuyên môn và đạo đức của cán bộ. Do đó, bên cạnh việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm việc tại quỹ TDND thì đối với các vụ việc vi phạm pháp luật, cần sớm đưa ra xét xử nghiêm, đồng thời chọn xét xử lưu động một số vụ việc điển hình để răn đe và phòng ngừa chung.
CATP Hà Tĩnh