Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Cải cách hành chính của Hà Tĩnh 4 năm liên tiếp xếp thứ nhất khu vực Bắc Trung Bộ

Sau gần một thập kỷ tập trung quyết liệt, cải cách hành chính Hà Tĩnh đã tăng 15 bậc, xếp thứ 12 cả nước, 4 năm liên tiếp (2016 - 2019) xếp thứ nhất các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ

Công tác CCHC đã đóng góp to lớn cho sự phát triển KT- XH, đảm bảo QP-AN của Hà Tĩnh trong thời gian qua (Ảnh: Đình Nhất).

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là mũi đột phá, là then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội, nên từ năm 2011 Hà Tĩnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên cả 6 lĩnh vực gồm: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính.

Theo đánh giá từ Sở Nội vụ - cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo CCHC tỉnh, trong suốt thời gian qua công tác chỉ đạo điều hành thực hiện công tác CCHC đã có nhiều đổi mới, sáng tạo từ đòi hỏi của thực tiễn địa phương. Hà Tĩnh đã tăng cường số lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát, đồng thời cầu thị trong chỉ đạo khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, mạnh dạn làm thí điểm một số mô hình, cách làm được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao.

CCHC đã đóng góp quan trọng vào hoạt động thu hút đầu tư.

Trong giai đoạn từ 2011 đến nay, toàn tỉnh đã ban hành 4.590 văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi. Trong đó, có nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội, phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về CCHC trên địa bàn.

Hà Tĩnh cũng đã thực hiện thành công việc cắt giảm 1/3 thành phần hồ sơ, giảm ½ thời gian giải quyết các TTHC. Kết quả đã giảm được 2.157 thành phần hồ sơ và trên 21.706 ngày giải quyết so với quy định của Trung ương, tiết kiệm chi phí khoảng 4,2 tỷ đồng/năm cho người dân, doanh nghiệp. Thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cấp huyện và nâng cấp bộ phận một cửa cấp xã, đồng thời áp dụng phần mềm dịch vụ công cho cả 3 cấp.

Các trung tâm hành chính công sau khi được thành lập đã hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Ông Trần Đình Trung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Xác định cải cách tinh gọn tổ chức bộ máy là trọng tâm, đột phá nên tỉnh đã triển khai sớm, có thể coi là đi trước một bước so với nghị quyết của Trung ương. Từ năm 2011, Hà Tĩnh đã thực hiện Nghị quyết 26/2011 của HĐND tỉnh với kết quả giảm 7 chi cục, phòng chuyên môn, chuyển 16 đơn vị sang hoạt động tự chủ, giảm 323 biên chế, giảm 702 thôn, tổ dân phố”.

Hà Tĩnh mạnh dạn triển khai sắp xếp thí điểm một số mô hình tổ chức bộ máy (Ảnh: Thành Chung)

Sau khi có Nghị quyết 18, 19 của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, Hà Tĩnh đã sắp xếp giảm 3 tổ chức tương đương sở, 44 chi cục, phòng chuyên môn thuộc sở, UBND cấp huyện; chuyển 17 đơn vị sự nghiệp sang hoạt động tự đảm bảo 100% chi thường xuyên.

Sáp nhập xã, thôn giảm 46 xã, giảm 183 thôn, tổ dân phố, giảm 2.698 cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, giảm 26.170 người hoạt động ở thôn, tổ dân phố, tiết kiệm hơn 100 tỷ đồng/ năm.

Thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Trung ương, Hà Tĩnh đã tiến hành các bước sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, qua đó giảm 46 xã.

Sau gần một thập kỷ triển khai công tác CCHC, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ đạt chuẩn của cán bộ xã tăng từ 46,25% năm 2011 lên 95,95% năm 2019, tỷ lệ đạt chuẩn của công chức xã tăng từ 94,01% năm 2011 lên 100% vào năm 2019. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được siết chặt.

Đến nay tỉnh cũng đã giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho 873/873 đơn vị sự nghiệp, 338/338 đơn vị hành chính nhà nước. Mỗi năm tiết kiệm chi ngân sách do tinh giản biên chế với số tiền trên 256 tỷ đồng để tăng cường cơ sở vật chất, thực hiện các đề án, chính sách an sinh xã hội và nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Hệ thống điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã được vận hành thông suốt.

Đối với nhiệm vụ hiện đại hóa hành chính, đến nay hạ tầng CNTT, hệ thống mạng, phần mềm chuyên dụng có bước nhảy vọt, tăng 37%. Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT của Hà Tĩnh năm 2019 xếp thứ 11 trên cả nước. Trao đổi văn bản điện tử của cả 3 cấp đạt tỷ lệ 95%. Hiện, trên cổng dịch vụ công của tỉnh đã có 1.746 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 32 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện và 70% đơn vị cấp xã đã áp dụng ISO 9001:2008 hoặc ISO 9001:2015 (tăng 68,4% so với năm 2011).

“Bức tranh tổng thể về công tác CCHC của Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2020 đều được phản ánh rõ nét qua việc chỉ số CCHC của Hà Tĩnh đều tăng từng năm, trong đó năm 2019 tăng 15 bậc so với năm 2012 (năm đầu tiên Trung ương tiến hành xếp loại), xếp thứ 12 cả nước, 4 năm liên tiếp xếp thứ nhất các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ.

Tác động từ các thành tựu của CCHC đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, được Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. So với năm 2011 số lượng doanh nghiệp tăng 43,24%, thu ngân sách tăng 11.048 tỷ đồng, đến nay đã có 1.402 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn đăng ký 417.021 tỷ đồng” - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Trung đánh giá.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh