Cải cách hành chính, thước đo là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp: “Trụ cột ba chân kiềng” của tiến trình cải cách
Bên cạnh một số cách làm, mô hình hiệu quả về CCHC ở TP Hải Phòng và hai tỉnh Quảng Bình, Gia Lai, cũng cần nhận thức sâu sắc định hướng cơ bản, quan trọng làm thế nào nâng cao chất lượng toàn diện, tháo gỡ những “nút thắt” trong lĩnh vực CCHC từ Trung ương tới địa phương.
|
Bộ phận một cửa liên thông tại Cục Thuế Gia Lai giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn |
Luật pháp khai mở, dẫn đường
Các chuyên gia về cải cách nhận định, thời gian tới, tiến trình đổi mới, phát triển đất nước cần tiếp tục kế thừa và phát huy những kinh nghiệm tốt trong CCHC giai đoạn vừa qua, đồng thời chủ động nghiên cứu kinh nghiệm tiên tiến của các nước để áp dụng phù hợp vào thực tiễn của Việt Nam. Thể chế của nền hành chính được cải cách và dần được hoàn thiện cơ bản phù hợp với yêu cầu chủ trương quan trọng của Đảng và cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu lớn được đề ra và đang tiếp tục được thực hiện quyết liệt trong quá trình phát triển đất nước, đó là phải gắn CCHC với cải cách lập pháp, tư pháp, từ đó cải thiện toàn diện, rõ nét môi trường đầu tư, kinh doanh.
Báo cáo tổng kết thực hiện CCHC trong 5 năm qua, theo Bộ Nội vụ, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao rõ rệt qua công tác kiểm soát, ban hành mới, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; mở rộng hình thức, phạm vi công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính và các thông tin quản lý nhà nước, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh. Cơ chế một cửa tiếp tục được duy trì, mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện. “Điểm nhấn” thời gian qua là dưới sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và quyết tâm của các cơ quan, bộ, ngành đã công tác xây dựng các dự thảo luật, pháp lệnh trình QH được chú trọng đã ban hành một số lượng lớn nghị định hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, thể hiện rõ các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Với việc triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực rà soát, hệ thống hóa hơn 100 nghìn văn bản quy phạm pháp luật các loại, đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới hơn 17 nghìn văn bản, nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, khả thi. Đáng chú ý là bảo đảm phân định trách nhiệm, thẩm quyền giữa chủ thể quản lý hành chính là Nhà nước với các chủ thể dân sự, kinh tế, thương mại; làm rõ các vấn đề về sở hữu, tạo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; khuyến khích thực hiện xã hội hóa các dịch vụ công.
Về mặt nội dung, pháp luật đã thể hiện tư duy lập pháp mới, thể hiện tính cân đối, đồng bộ giữa thể chế về kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, bảo vệ quyền con người, phù hợp hơn với yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Các chuyên gia, giới nghiên cứu pháp luật nhận định, quá trình lập pháp giữ vai trò “khai dẫn”, “mở đường” tạo khuôn khổ pháp lý cho những bước phát triển mới về kinh tế - xã hội.
Trọng tâm cải cách hành chính
CCHC có mối quan hệ hữu cơ với cải cách lập pháp (CCLP) và cải cách tư pháp (CCTP) và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện tại chưa có giải pháp phù hợp để bảo đảm sự kết nối có hiệu quả các nội dung cải cách, đổi mới của cả hệ thống chính trị. Phân tích làm rõ hơn nội dung này, TS Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, đại biểu QH tỉnh Bến Tre cho biết: CCHC phải gắn với CCLP và CCTP, vì đó là ba vấn đề thuộc ba lĩnh vực của thực hiện quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, CCLP nhằm tạo ra các đạo luật có chất lượng cao, khả thi, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội. CCHC nhằm triển khai hiệu quả các luật, bộ luật, văn bản quy phạm pháp luật khác vào đời sống nhằm phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống xã hội. CCTP giúp kiểm soát các vi phạm pháp luật trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, bảo đảm công lý, quyền con người, quyền công dân. Nếu không CCHC thì các nội dung CCLP không thể được triển khai thực hiện; chất lượng CCHC ảnh hưởng rất lớn tới CCTP, tức là kiểm soát của quyền lực tư pháp đối với quyền lập pháp và hành pháp.
Thực tiễn cho thấy, nếu CCHC không rõ mục tiêu, thiếu định lượng, thiếu cụ thể, nhất là xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan, sẽ gây khó khăn cho hai quá trình còn lại. Vì cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp không thể đánh giá hiệu quả, mức độ đúng đắn của các hành vi pháp lý, hậu quả pháp lý của các hành vi đó, những ưu, nhược điểm của hệ thống pháp luật… để điều chỉnh việc xây dựng chính sách; khó khăn trong xác định tính chất, mức độ hành vi vi phạm chế độ, chính sách của cá nhân, tổ chức để xử lý theo pháp luật. Vì vậy, mục tiêu, nội dung CCHC phải rõ ràng, phải có tiêu chí cụ thể để đánh giá trách nhiệm mới có thể bảo đảm hiệu quả của chính hoạt động CCHC và CCLP, CCTP.
Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cũng đã chỉ rõ hệ thống pháp luật nước ta còn cồng kềnh, phức tạp, với quá nhiều hình thức văn bản quy phạm pháp luật do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành. Bên cạnh đó, pháp luật lại chưa được thường xuyên rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất cho nên khó tiếp cận, gây khó khăn cho việc tuân thủ, thi hành. Quá trình CCLP đã dần dần được cải thiện nhằm tạo ra một “hệ thống” pháp luật đồng bộ, giảm tính trùng lặp, chồng chéo, xung đột. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng “mạnh ai nấy làm”, ai có nhu cầu, cơ quan nào có đề xuất, lĩnh vực nào “gay cấn” thì đặt ra yêu cầu làm luật mà chưa có giải pháp tổng thể. Chưa có cơ quan nào đặt ra được giải pháp toàn diện cho hệ thống pháp luật theo tinh thần của Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị (về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020) cũng như các chủ trương nêu trong các văn kiện của Đảng để tham mưu đề xuất về CCLP. Do đó, hoạt động CCHC và CCTP còn phụ thuộc nhiều vào CCLP, vào hệ thống pháp luật. Cải cách từ... báo cáo
Diễn giải một hệ thống pháp luật cồng kềnh sẽ trở nên nặng nề cho các hoạt động thực thi pháp luật, TS Lưu Bình Nhưỡng cho rằng khi đó, hoạt động CCHC và người dân lại phải “gồng mình” để “gánh vác” cả những nghĩa vụ pháp lý và các thủ tục hành chính rườm rà, thậm chí là hết sức vô lý, vô nghĩa, gây tốn kém cho toàn xã hội. Nghị quyết số 48-NQ/TW (24-5-2005) của Bộ Chính trị xác định mục tiêu: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật;… Điều đó đòi hỏi phải tạo lập một hệ thống pháp luật dễ đi vào đời sống, gọn nhẹ, hữu hiệu, trở thành “vật chủ bất ly thân” của các chủ thể xã hội. Hiện nay, với “tầng tầng, lớp lớp” các văn bản quy phạm pháp luật, nhiều cán bộ, công chức nhà nước còn khó nhận thức đầy đủ và thực hiện, thì khó có thể đòi hỏi người dân hiểu và tuân thủ.
Rõ ràng, tiến trình CCHC vẫn còn rất nhiều nhiệm vụ quan trọng ở phía trước, với không ít khó khăn, thách thức, cần sự nỗ lực, quyết tâm cao hơn. Đơn cử những ý tưởng cụ thể, thiết thân trong CCHC như đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Theo đồng chí Ngô Hải Phan, Cục trưởng Kiểm soát thủ tục hành chính Bộ Tư pháp, việc thực hiện chế độ báo cáo trong cơ quan hành chính bộc lộ nhiều bất cập như số lượng báo cáo nhiều. Thời gian xây dựng, xử lý báo cáo chiếm một tỷ trọng rất lớn trong tổng thời gian làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước. Việc phải làm nhiều báo cáo gây không ít khó khăn cho các cơ quan hành chính nhà nước trong bố trí cán bộ, thời gian, chi phí thực hiện...
Số liệu khảo sát cho thấy, đối với địa phương, tính trung bình tổng số lượng báo cáo một địa phương phải thực hiện tại các cấp hành chính là 2.521 báo cáo với nhiều tần suất báo cáo khác nhau. Bà Nguyễn Thị Bích Ngân, Cục Kiểm soát TTHC cho biết: Năm 2015, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tổng cộng 2.054.776 báo cáo! Theo kết quả nghiên cứu, khảo sát, thời gian các cơ quan phải thực hiện chế độ báo cáo rất lớn, từ hàng chục đến hàng trăm nghìn giờ làm việc.
Như thế, tiến trình CCHC rất cần bắt đầu từ những việc cụ thể, cần thiết, dù tưởng là nhỏ như việc điều chỉnh phương cách thực hiện công việc báo cáo, để đơn giản và thống nhất, khoa học hơn của tổ chức, cá nhân cơ quan nhà nước trong thời gian tới.
Làm được thế, sẽ góp phần đắc lực, đạt kết quả hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, và chắc chắn nhận được sự đồng thuận, mức độ hài lòng và ủng hộ nhiệt thành của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
“CCHC nằm ở “trung điểm” của quá trình cải cách xã hội, nó động chạm vào hầu hết mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, liên quan chặt chẽ, thường xuyên đến công việc của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và của người dân”. (TS Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu QH tỉnh Bến Tre)
Năm 2015, để thực hiện chế độ báo cáo, tỉnh Thái Bình đã phải sử dụng 244.729 giờ làm việc; tỉnh Cà Mau sử dụng 131.813 giờ làm việc; tỉnh An Giang sử dụng 117.262 giờ làm việc... Đi liền với sự tốn kém về thời gian, công sức, là chi phí văn phòng và cước phí bưu chính và nhiều vấn đề liên quan khác. (Theo số liệu khảo sát của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Bộ Tư pháp).
CATP Hà Tĩnh