Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Cẩm nang bảo vệ trẻ em trước nguy cơ xâm hại tình dục qua mạng

Đó là cuốn sổ tay mang tên Netsmart - nơi tổng hợp những lời khuyên của các nhà tâm lý học trẻ em, cảnh sát cũng như các câu chuyện cá nhân của những người đã từng bị lạm dụng. Cuốn sách vừa ra mắt sáng 28-11 nhằm giúp trẻ em tự bảo vệ mình trước nguy cơ xâm hại tình dục qua mạng Internet.

Theo kết quả một cuộc điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) thực hiện năm 2016 thì 74% trẻ em và trẻ vị thành niên ở Việt Nam tin rằng, các em có nguy cơ bị xâm hại tình dục hoặc bị lợi dụng trên mạng; 75% các em sẽ nói chuyện với cha mẹ hoặc người chăm sóc nếu bị đe dọa. Các số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, có hơn 1.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em được ghi nhận tại Việt Nam trong năm 2016. Những hành vi này đã và đang tác động nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ.

Cuốn cẩm nang "Hãy tôn trọng! Đây là cơ thể tôi".
Tuy nhiên, các bậc cha mẹ vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc trò chuyện với trẻ về những vấn đề này, về những lợi ích và rủi ro mà trẻ có thể gặp phải khi sử dụng Internet. Nhằm hướng dẫn và cung cấp thông tin cho các bậc cha mẹ về kỹ năng bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng, ngày 28-11 tại Hà Nội, Đại sứ quán Thụy Điển và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phối hợp cùng Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội đã ra mắt cuốn sổ tay "Sử dụng Internet thông minh" (Netsmart). Bà Victoria Rhodin Sanstrom, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Thụy Điển cho biết: "Không ai trong số chúng ta muốn con em mình bị lạc trong một thành phố, và tương tự như vậy, đừng để trẻ bị lạc trên Internet. Cho dù môi trường mạng là thế giới ảo nhưng mọi hoạt động của nó lại được tạo dựng bởi những con người thật. Hiện nay, việc trẻ muốn được giao tiếp với mọi người trên môi trường mạng là điều hết sức tự nhiên. Thế giới trực tuyến là nơi trẻ chơi, kết bạn và học được nhiều điều mới mẻ. Tuy vậy, cha mẹ, những người lớn xung quanh và chính bản thân trẻ phải nhận thức rằng Internet cũng ẩn chứa rất nhiều nguy cơ". Chia sẻ quan điểm về thực tế này, bà Dragana Strinic, Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam cho hay: "Chúng ta không thể và không nên ngăn chặn trẻ em truy cập và sử dụng Internet, nhưng chúng ta có thể hỗ trợ và bảo vệ trẻ khỏi những rủi ro trên mạng. Cha mẹ và những người lớn khác gần gũi với trẻ cần phải tạo ra một môi trường để họ có thể trò chuyện với trẻ về những gì trẻ làm hoặc những người trẻ gặp trên Internet". Vì thế, Netsmart chính là một công cụ quan trọng để giúp các bậc cha mẹ giáo dục trẻ trong vấn đề nhạy cảm này. Netsmart là một bản tổng hợp những lời khuyên của các nhà tâm lý học trẻ em, cảnh sát cũng như các câu chuyện cá nhân của những người từng bị lạm dụng. Cuốn sách hướng dẫn cha mẹ và người lớn cách bắt đầu trò chuyện với trẻ về việc sử dụng Internet trong các giai đoạn của quá trình phát triển. Cuốn sổ tay cũng dạy trẻ rằng chúng có thể nói không nếu điều gì đó chúng không thích xảy ra. Đáng chú ý là trước khi cuốn sổ tay Netsmart được chính thức ra mắt thì Đại sứ quán Thụy Điển, Văn phòng đại diện tại Việt Nam của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội trực thuộc Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn cũng đã phát hành cẩm nang trò chuyện với trẻ về cơ thể, những giới hạn và phòng tránh xâm hại tình dục mang tên "Hãy tôn trọng! Đây là cơ thể tôi". Cuốn cẩm nang được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, đã đưa ra những lời khuyên hữu ích và tư vấn cho phụ huynh về cách giáo dục trẻ em ở các lứa tuổi khác nhau, để tự bảo vệ mình khỏi bị lạm dụng. Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg cho hay: "Đầu tư cho trẻ em và thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm phòng ngừa, bảo vệ các em khỏi bạo lực, lạm dụng là ưu tiên của tất cả chúng ta. Các hành vi xâm hại trẻ em ở bất cứ quốc gia nào, hoặc trong bất kỳ môi trường nào, đều không thể chấp nhận được và phải bị lên án". Luật Trẻ em ở Việt Nam đã chính thức có hiệu lực từ tháng 6-2017. Đây là một sự tái khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với việc thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em kể từ khi chính thức phê chuẩn công ước này năm 1990. Trước những lợi ích cũng như nguy cơ từ sự phát triển của công nghệ số, Luật Trẻ em đã dành riêng một điều (Điều 54) cho vấn đề bảo vệ trẻ em trên mạng Internet.

Linh-Phương/ Theo Báo CAND

CATP Hà Tĩnh