Cần giải pháp đồng bộ trong công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản
Thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng như đất, cát trái phép diễn biến khá phức tạp tại nhiều địa phương trong tỉnh. Nguyên nhân chính là do nhu cầu san lấp mặt bằng phục vụ các dự án, công trình dân sinh tăng cao. Trong khi các lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn, gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng môi trường, tạo bức xúc trong dư luận; điều đó đặt ra cần một giải pháp đồng bộ, toàn diện trong công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản…
Mặc dù không được cơ quan chức năng cấp phép nhưng khu vực đất trống thuộc địa bàn thôn Ân Phú, xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã bị ngang nhiên xẻ thịt nhiều lần. Các vết khai thác cũ có, mới có. 10h sáng 5/4/2018, khi chúng thôi có mặt thì lái xe ủi vẫn ngang nhiên khai thác. Bởi theo người này, đây là việc làm thực hiện ý kiến chỉ đạo của chính quyền xã Sơn Phú.
Trao đổi với chúng tôi, chủ tịch UBND xã Sơn Phú Nguyễn Quang Tạo thừa nhận, việc mỏ đất chưa được cấp phép mà vẫn cho chủ trương khai thác là sai, không đúng quy định; tuy nhiên đây là nhu cầu dùng đất để làm công trình giao thông, xã đã nhiều lần có văn bản trình các cấp nhưng chưa được giải quyết.
Thực trạng này không riêng tại xã Sơn Phú mà số số địa phương trong tỉnh vẫn diễn ra tình trạng này. Nguyên nhân chính là do nhu cầu san lấp mặt bằng phục vụ các dự án, công trình dân sinh tăng cao. Trong khi đó, các mỏ vật liệu được quy hoạch, phân bổ không đồng đều. Một số địa phương chính quyền cơ sở còn buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, thậm chí còn dung túng, tiếp tay cho đối tượng vi phạm. Khi việc khai thác hay vận chuyển tài nguyên bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, thì lúc đó, chính quyền cơ sở đều thừa nhận biết sai nhưng vẫn làm. Ông Cù Huy Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn cũng thừa nhận trên địa bàn có thực trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Đất, đá, cát, sỏi… là những tài nguyên quý giá mà thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho con người. Hà Tĩnh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng với nhiều loại có tiềm năng và giá trị kinh tế lớn. Những năm gần đây, một số khoáng sản có sự suy giảm mạnh về số lượng như quặng, đất san lấp, cát sỏi ở lòng sông do hoạt động khai thác trái phép ở một số khu vực thường xuyên tái diễn và tiềm ẩn nguy cơ tái phát. Bởi lý do có cầu ắt có cung. Việc nhiều tài nguyên ngang nhiên bị xẻ thịt lâu nay đã trở thành bài toán nan giải cho lực lượng chức năng. Sau khi tiến hành thanh tra, kiểm tra thì đâu lại vào đó. Tài nguyên bị cạn kiệt, ảnh hưởng môi trường, an ninh trật tự bị ảnh hưởng, tạo bức xúc trong quần chúng nhân dân. Ông Nguyễn Văn Thắng, ở Thôn Hồng Lam, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc cho biết, người dân mong muốn các cấp, các ngành chức năng sớm giải quyết triệt để thực trạng khai thác khoáng sản trái phép hiện nay.
Trước thực trạng trên, Công an Hà Tĩnh đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng ban, ngành đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ có liên quan phối hợp với lực lượng Công an triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, huy động lực lượng đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện chặt chẽ công tác đăng ký, quản lý tạm trú, tạm vắng tại cơ sở, kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý các hành vi tạo dựng bến bãi, lán trại; đào hầm, hố, sử dụng công cụ, phương tiện máy móc hoặc vật liệu nổ công nghiệp để khai thác khoáng sản, tập kết khoáng sản. Theo số liệu thống kê, năm 2017, các lực lượng chức năng công an Hà Tĩnh đã phát hiện, xử lý 29 vụ, xử phạt 315 triệu đồng trên lĩnh vực vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. 3 tháng đầu năm 2018 phát hiện và xử lý 9 vụ. Mặc dù đã vào cuộc quyết liệt, thế nhưng công tác điều tra, phát hiện, xử lý vi phạm trên lĩnh vực này lực lượng Công an gặp không ít khó khăn. Theo Thiếu tá Trần Văn Thiết, Đội trưởng, phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Tĩnh đối tượng khai thác khoáng sản trái phép dùng nhiều thủ đoạn để qua mắt lực lượng chức năng.
Ngày 14/12/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 3753 về phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Quyết định này quy định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; qua đó góp phần ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép cũng như nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản. Đối với người đứng đầu chính quyền địa phương cơ sở Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc địa bàn quản lý, trước pháp luật. Đến nay tuy các địa phương đã ban hành các quyết định thành lập tổ công tác kiểm tra và xử lý khai thác tài nguyên trên địa bàn, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân mà thực trạng này còn tái diễn, việc xử lý vi phạm như ném đá ao bèo. Theo ông Nguyễn Viết Chuân, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc mong muốn lực lượng chức năng đồng hành cùng với cấp ủy, chính quyền xã để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, đảm bảo môi trường, ANTT trên địa bàn.
Tính đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm cơ sở được cấp phép khai thác khoáng sản đang hoạt động. Mặc dù các cấp, ngành liên quan đã phối hợp chấn chỉnh, siết chặt hoạt động trên song tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra trên địa bàn, tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. Công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác còn bộc lộ nhiều hạn chế, đặt ra vấn đề cấp thiết là cần sớm có giải pháp nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên chưa khai thác, phục vụ sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Khoáng sản là những tài nguyên quý mà thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho con người. Tuy nhiên tài nguyên này sẽ cạn kiệt nếu con người cố tình khai thác tràn lan, bừa bãi, không có biện pháp quy hoạch và bảo vệ trước mắt và lâu dài. Từ thực tế đã diễn ra, muộn còn hơn không, công tác bảo vệ và quản lý tài nguyên cần một giải pháp đồng bộ, toàn diện và lâu dài.
CATP Hà Tĩnh