Cần tăng cường biện pháp an toàn PCCC các cơ sở kinh doanh Karaoke
Trong thời gian qua, trên địa bàn toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ cháy cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke, vũ trường gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Một trong những nguyên nhân đó là do chủ cơ sở nhận thức chưa đầy đủ yêu cầu an toàn về PCCC đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí nên các điều kiện PCCC không đảm bảo.
[caption id="attachment_15011" align="aligncenter" width="606"] Cháy cơ sở kinh doanh Karaoke tại khu vực số nhà 68-74 đường Trần Thái Tông (Hà Nội)[/caption]
Gần đây nhất là vụ cháy vào hồi 13h30 ngày 1/11/2016, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu vực số nhà 68-74 đường Trần Thái Tông (Hà Nội). Ngọn lửa lan ra 3 ngôi nhà kinh doanh dịch vụ nhà hàng, karaoke liền kề; về thiệt hại ban đầu cho thấy 4 ngôi nhà liền kề bị ảnh hưởng, tài sản trong karaoke cháy rụi hoàn toàn, làm 13 người chết. Trước đó tại Lạng Sơn, khoảng 15h ngày 6/11/2014, đã xảy cháy quán karaoke NonStop, khối 9, phường đông kinh TP Lạng Sơn; làm 4 người chết, trong đó có cặp vợ chồng và đứa con gái nhỏ chưa đầy bốn tháng tuổi. Tại Quảng Ninh, khoảng 21h ngày 7/9/2014, do mất điện, anh Đinh Văn Thuấn (quản lý quán Karaoke Queen Club, ở thôn 7, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) đã cho bật máy nổ phát điện gây cháy; vụ cháy đã làm 6 người chết và 6 người bị suy hô hấp tại quán (6 người suy hô hấp được đưa đi cấp cứu nhưng chỉ có 2 người qua khỏi, 4 người còn lại tử vong vài ngày sau đó)
[caption id="attachment_15012" align="aligncenter" width="600"] Lực lượng Cảnh sát PCCC tổ chức chữa cháy tại cơ sở Karaoke bị cháy[/caption]Hầu hết các cơ sở kinh doanh Karaoke không được quy hoạch, nhiều cơ sở nằm trong nhà ống nhiều tầng, được thiết kế cách âm, cách nhiệt nên thường xây dựng che chắn kín các phòng, các khu vực bằng vật liệu dễ cháy. Chưa kể có nơi còn gắn biển hiệu, biển quảng cáo che kín toàn bộ mặt tiền căn nhà, gây cản trở khả năng tiếp cận của xe chữa cháy, của lực lượng chữa cháy để cứu nạn và chữa cháy; thiếu các cầu thang phục vụ thoát nạn, hành lang thường chật hẹp, đường đi lại giữa các khu vực ngóc ngách, tối. Nhiều công trình do chuyển đổi mục đích từ nhà ở sang kinh doanh, do vậy cơ sở không đảm bảo số lối ra thoát nạn. Thậm chí có cơ sở chỉ có duy nhất một cầu thang thoát nạn hở bên trong nhà, không có lối ra mái; vì vậy, khi xảy ra cháy tại các tầng phía dưới, khói nhanh chóng bao trùm cầu thang bộ trong nhà, việc thoát nạn sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc đấu nối hệ thống điện không đúng yêu cầu kỹ thuật, sử dụng điện vượt công suất tiêu thụ cho phép, hàn cắt kim loại không tuân thủ quy định an toàn cháy là những nguyên nhân có thể gây ra cháy. Vào dịp cuối năm, ngày lễ, ngày tết, liên hoan khách hàng lui tới các quán Karaoke, vũ trường càng đông; người vào quán thường đã sử dụng rượu, bia, hoặc sẽ sử dụng chất có cồn trong quá trình hát; cùng với tiếng nhạc lớn, việc phát hiện cháy và tự thoát nạn khi có cháy rất khó khăn. Để đảm bảo an toàn PCCC cho các cơ sở kinh doanh Karaoke, chủ cơ sở cần thực hiện tốt các nội dung sau: 1. Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng hô hoán, báo động cho tất cả mọi người biết và tìm mọi cách báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số 114 để được ứng cứu; đồng thời tổ chức việc thoát nạn, cứu người và dùng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt đám cháy ngay từ đầu. 2. Việc lắp đặt biển quảng cáo cho công trình cần sử dụng các vật liệu khó cháy; vị trí lắp đặt không được che kín cả nhà, công trình, che lấp lối thoát nạn, ban công; phải lắp đặt các thiết bị bảo vệ điện, hệ thống dây dẫn, ổ cắm điện phải đảm bảo chất lượng. Đường dây dẫn điện phải đi trong ống gen bảo vệ và phải tính toán đủ tiết diện đảm bảo cấp cho các thiết bị tiêu thụ. 3. Các cơ sở karaoke phải bố trí tối thiểu 02 lối ra thoát nạn an toàn (buồng thang bộ kín hoặc cầu thang bộ bên ngoài nhà để hở). Đối với cơ sở karaoke có diện tích sử dụng từ 200 m2 hoặc khối tích từ 1000 m3 trở lên phải được trang bị hệ thống báo cháy tự động; đối với cơ sở karaoke cao từ 3 tầng trở lên hoặc cơ sở karaoke có 01 đến 02 tầng có diện tích từ 3500m2 phải được trang bị hệ thống chữa cháy tự động. 4. Không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; tầng sân thượng, mái phải bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái; trên hành lang, cầu thang, lối thoát nạn phải bố trí các đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn để phục vụ thoát nạn khi có sự cố. 5. Quản lý chặt chẽ khách ra vào không để khách mang các chất nguy hiểm về cháy nổ vào cơ sở. Tăng cường công tác tự kiểm tra, nhất là việc sử dụng các nguồn lửa trần, hút thuốc, thắp nến, hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ điện… để kịp thời khắc phục các sơ hở, thiếu sót. 6. Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho những người sống và làm việc trong cơ sở đảm bảo họ biết cách đề phòng và sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy đã được trang bị và có kỹ năng thoát nạn, hướng dẫn thoát nạn khi có cháy. 7. Xây dựng phương án chữa cháy cứu nạn - cứu hộ, đề ra tình huống phức tạp nhất nhằm phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn khi có sự cố xảy ra, đặc biệt chú trọng công tác thoát nạn, cứu nạn tại cơ sở. 8. Niêm yết nội quy PCCC, tiêu lệnh chữa cháy, trang bị đầy đủ bình chữa cháy; trang bị bổ sung thang dây thoát nạn, dây hạ chậm tại ban công, logia hoặc tầng mái của cơ sở; thường xuyên bảo quản, bảo dưỡng các phương tiện PCCC đảm bảo hoạt động tốt. 9. Đầu tư, xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ Karaoke, vũ trường, nơi vui chơi giải trí tập trung đông người phải tính đến các giải pháp an toàn PCCC và thực hiện các quy định của Nhà nước về kinh doanh dịch vụ Karaoke, vũ trường, nhất là bố trí đủ các đường, lối thoát nạn cho công trình.…/.
Đậu Hoà - PC66
CATP Hà Tĩnh