Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Cần thiết xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Nhằm hoàn thiện quy định pháp Luật về Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các lực lượng xã hội tham gia lĩnh vực PCCC và CNCH; thống nhất giữa các văn bản pháp luật về PCCC, CNCH và các văn bản pháp luật khác có liên quan, Bộ Công an đã dự thảo hồ sơ dự án Luật PCCC và CNCH để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Quy định về PCCC và CNCH thiếu, chưa phù hợp

Theo Bộ Công an, sau hơn 20 năm thực hiện Luật PCCC, 10 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCCC và CNCH đã đi vào thực tiễn cuộc sống. Công tác PCCC và CNCH là một bước quan trọng, góp phần nâng cao ý thức của người dân, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hệ thống lý luận và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, một số nội dung trong Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC đã bộc lộ hạn chế, bất cập.

Tại dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật PCCC và CNCH, Bộ Công an cho biết, một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới trong Luật như chưa có quy định về lĩnh vực CNCH; quy định công tác nghiệm thu về PCCC, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH còn thiếu…. Một số ngành nghề tư vấn về kinh doanh dịch vụ PCCC và CNCH, phương tiện CNCH chưa được quy định cụ thể. Công tác đầu tư cho hoạt động PCCC và CNCH chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Lực lượng Cảnh sát PCCC tích cực tham gia chữa cháy và cứu người trong một vụ cháy. 

Bên cạnh đó, việc phân công trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH giữa các bộ, ngành, địa phương còn chồng chéo. Việc thực hiện trách nhiệm của các đối tượng quản lý nhà nước về PCCC và CNCH (người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, chủ hộ gia đình) chưa quan tâm thường xuyên, liên tục. Có lúc công tác PCCC và CNCH khoán trắng cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Khái niệm, nội hàm của một số từ ngữ (cơ quan, tổ chức, loại hình cơ sở, khu dân cư, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh…) thiếu cụ thể, rõ ràng dẫn đến việc xác định phạm vi, địa bàn, đối tượng quản lý phục vụ công tác tác phân công, phân cấp quản lý còn hạn chế, bất cập.

Luật PCCC cũng chưa quy định kiểm tra về PCCC và CNCH, phòng ngừa CNCH để làm căn cứ quy định cụ thể ở văn bản dưới Luật. Nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, về con người thực hiện các hoạt động ở nhiều lĩnh vực kinh doanh dịch vụ PCCC, đáp ứng nhu cầu cần thiết của các cơ quan, tổ chức, cơ sở trong khi hiện trong luật chưa quy định.

Tính khả thi chưa cao

Cũng theo Bộ Công an, một số quy định của Luật có tính khả thi chưa cao hoặc không còn phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Cụ thể, quy định về PCCC chung đối với cơ sở chưa đầy đủ theo yêu cầu thực tiễn hiện nay. Một số nội dung còn trùng nhau (các điều khoản quy định về yêu cầu về PCCC đối với cơ sở và 9 loại hình công trình đặc thù đang được bố cục 10 Điều dẫn đến bố cục và một số nội dung bị trùng lặp). Luật cũng chưa quy định rõ về xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của cơ sở, phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Thẩm quyền phê duyệt phương án được quy định ở nhiều cấp (bộ; UBND cấp tỉnh, cấp huyện cấp xã; Công an cấp tỉnh, cấp huyện; Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH...) dẫn đến nhiều bất cập, vướng mắc và chất lượng phương án không bảo đảm yêu cầu. Quy định giao quyền huy động lực lượng và phương tiện của lực lượng phòng cháy và chữa cháy để chữa cháy cho người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC là chưa phù hợp với quy định khác.

 Ở một số địa phương, nhiều đơn vị hành chính cấp huyện chưa có đội Cảnh sát PCCC và CNCH (có 8 tỉnh chỉ có duy nhất một đội đặt tại trung tâm hành chính của tỉnh, bán kính bảo vệ lên đến hàng chục, hàng trăm km). Mô hình đội dân phòng hầu như chưa được thành lập đầy đủ ở các cấp hành chính theo quy định của Luật PCCC. Hầu hết đội dân phòng cấp thôn chỉ mang tính hình thức, thực hiện nhiều nhiệm vụ (PCCC, hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở...), đội viên tham gia nhiều ban, đội... Một số đối tượng quy định phải thành lập đội PCCC chuyên ngành chưa cụ thể về quy mô, tính chất hoạt động, chủ thể quản lý dẫn đến khó khăn trong việc thành lập đội PCCC chuyên ngành. Mặt khác, quy định cơ sở không thuộc diện trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới cơ sở mà thành lập đội PCCC chuyên ngành thì không phù hợp. Chất lượng hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở ở một số nơi còn rất hạn chế, hoạt động mang tính hình thức do thành viên hầu hết là cán bộ, công nhân viên kiêm nhiệm, chỉ làm việc trong giờ hành chính. Lực lượng PCCC tình nguyện chưa được tổ chức thực hiện do chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia.

Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật về PCCC, CNCH và các văn bản khác có liên quan, như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC rừng đã quy định cụ thể tại Luật Lâm nghiệp và các văn bản dưới luật, trong khi đó Luật PCCC cũng quy định về PCCC rừng dẫn đến chồng chéo khó thực hiện. Luật PCCC quy định “Tiêu chuẩn quốc gia về phòng cháy và chữa cháy được áp dụng bắt buộc” không phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; quy định về công tác tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động được quy định tại các hệ thống văn bản pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH và các văn bản có liên quan dẫn đến có nội dung chồng chéo. Quy định về nội dung Thanh tra PCCC chưa thống nhất với quy định Luật Thanh tra năm 2022.

Xuất phát từ yêu của thực tiễn, Bộ Công an đề nghị xây dựng Luật PCCC và CNCH tập trung giải quyết đối với 2 nhóm chính sách gồm: Hoàn thiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và quy định phân công trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. Toàn văn hồ sơ dự thảo đã được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng.

BBT