Cảnh báo vấn nạn bạo lực tuổi học trò
Chỉ vì những mâu thuẫn đơn thuần trên mạng, trong trường học, hay lúc chơi cùng nhau, các học sinh sẵn sàng lao vào ẩu đả, thậm chí nhiều em đã dùng đủ loại hung khí để gây thương tích cho đối phương. Nghiêm trọng hơn, có em đã tử vong sau những cuộc "thư hùng" này.
Vụ việc mới đây nhất khi hai nhóm học sinh dùng hung khí đánh nhau gây thương tích nặng xảy ra trên địa bàn quận Gò Vấp, cùng nhiều vụ bạo lực học đường diễn ra trong thời gian qua không chỉ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương mà còn gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho học sinh và các bậc phụ huynh.
Gây án chỉ vì mâu thuẫn vặt
Thời gian gần đây, nạn bạo lực học đường tiếp tục xảy ra, có những vụ học sinh "thanh toán" nhau theo kiểu băng nhóm "xã hội đen". Ngày 19-3-2019, Công an quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh cho biết đang điều tra xử lý một vụ đánh nhau trên địa bàn khiến hai em học sinh bị thương tích nặng. Nguyên nhân được cho là hai nhóm học sinh đã có mâu thuẫn trước đó trên mạng xã hội Facebook.
|
Những hình ảnh bạo lực học đường trên mạng internet. |
Theo thông tin ban đầu, vào chiều tối 17-3, người dân sống ở một con hẻm trên đường Lê Đức Thọ (phường 15, quận Gò Vấp) nghe tiếng la, xô xát của hai nhóm học sinh… Khi người dân đến nơi thì phát hiện hai em học sinh lớp 10 là Đ.T.C (16 tuổi, ngụ phường 14, quận Gò Vấp) và N.T.H (16 tuổi, ngụ phường 5, quận Gò Vấp) bị thương nên đưa đi Bệnh viện quận Gò Vấp cấp cứu; trong đó H. bị một chiếc chìa khóa xe máy cắm sâu vào đầu, còn em C. bị một vết thương ở đỉnh đầu.
Nhận định đây là hai trường hợp nặng nên sau khi sơ cứu, bác sĩ Bệnh viện quận Gò Vấp quyết định chuyển cả hai lên Bệnh viện Chợ Rẫy để được điều trị. Sau đó, em H. đã được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật ngay trong đêm để lấy chiếc chìa khóa ra. Trong khi đó, cháu C. cũng bị chấn thương sọ não, xuất huyết não vẫn đang được tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo chị Trần Thị T., mẹ của học sinh C., lớp 10C8 của Trường THPT Gò Vấp, quận Gò Vấp, vào chiều tối 17-3, em C. cùng với em H. (học sinh cùng lớp) và anh họ của C. rủ nhau đến khu đánh bóng rổ Đất Lành, đường Lê Đức Thọ, để chơi bóng rổ. Do anh họ của C. không có xe, nên em C. quay trở về nhà đón. Nhưng khi quay trở lại thì C. thấy H. bị một nhóm học sinh vây đánh.
Dù H. đã cố chạy trốn và lên xe của C. chở ra đầu hẻm, nhưng cả hai vẫn tiếp tục bị nhóm học sinh đuổi đánh. Đáng nói, theo chị T., nhóm học sinh đánh hai em C. và H. có sử dụng cả mã tấu, tuýp sắt và một số dụng cụ nguy hiểm khác (chi tiết này trùng hợp với những hung khí mà cơ quan Công an đã thu giữ được tại hiện trường).
Nhóm học sinh này có học sinh khối 10 của Trường THPT Nguyễn Trung Trực. Cả hai nhóm học sinh này vốn có mâu thuẫn trước đó trên Facebook nên khi gặp nhau, hai bên đã đánh nhau và gây ra thương tích trên.
Cơ quan Công an cũng xác định được nhóm học sinh gồm 6 em khác có liên quan. Hiện Ban giám hiệu của hai trường đã báo cáo cơ quan Công an để tiến hành xử lý vụ việc.
Một vụ việc khác, cũng do có mâu thuẫn trên mạng xã hội, một học sinh lớp 8 của Trường THPT Ngô Quyền (xã Bảo Vinh, thị xã Long Khánh, Đồng Nai) đã bị đâm thủng ruột non.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Đồng Nai, chiều 22-2-2019, do mâu thuẫn trên mạng xã hội, em T.Đ.P (14 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Ngô Quyền) đã bị bạn học dùng dao bấm đâm vào bụng.
|
Một nam sinh tại cơ quan điều tra. |
Ngay sau đó, P. được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (thị xã Long Khánh) cấp cứu trong tình trạng mất máu nhiều với một vết thương ở phía trái rốn. Qua khám và siêu âm phát hiện có dịch tràn ổ bụng, thủng 4 lỗ ruột non, rách mạc treo ruột non. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật khâu lỗ thủng ruột non và mạc treo, rửa bụng, đặt dẫn lưu cho bệnh nhân.
Theo lãnh đạo Trường THCS Ngô Quyền, sự việc có thêm một số em liên quan, nhà trường đã yêu cầu các em này tường trình vụ việc. Sau khi em P. ổn định, trường đã mời hai bên gia đình lên làm việc, để có cơ sở giải quyết vụ việc.
Hay vụ một học sinh lớp 10 ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, đã bị bạn học cùng trường dùng dao đâm tử vong. Theo thông tin ban đầu, hai nhóm học sinh của trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, huyện Krông Pắk là Phạm Ngọc Nam (15 tuổi, trú ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), hiện đang là học sinh lớp 9 và Trương Văn Dũng (16 tuổi, trú thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk) học sinh lớp 10 có xảy ra mâu thuẫn.
Khoảng 13h30 ngày 7-1-2019, cả hai nhóm hẹn nhau ra khu vực xưởng chế biến cà phê ở thôn Tân Thành, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk để hòa giải. Khi đi, Nam có mang theo một con dao bấm. Tuy nhiên, sau khi hòa giải không thành, hai nhóm học sinh gồm cả nam và nữ đã lao vào hỗn chiến.
Lúc này, Nam đã rút con dao bấm từ trong người đâm một nhát trúng vào cổ của Dũng và một nhát trúng ngực của Đặng Lê Minh Hiếu. Hậu quả làm Dũng tử vong trên đường đi cấp cứu, còn Hiếu bị thương tích.
Sau khi gây án, Nam đã đến Công an xã Ea Yông, huyện Krông Pắk đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Mạng xã hội là vấn đề "nóng" ở học đường
Một số vụ việc kể trên chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân nhỏ nhặt trước đó chưa được giải quyết dứt điểm hoặc do mâu thuẫn bột phát trong sinh hoạt, giao tiếp, ăn uống, vui chơi giải trí… Vậy nhưng hậu quả của những vụ việc này rất lớn. Đáng buồn là những vụ bạo lực học đường gần đây tần suất và mức độ nghiêm trọng của nó lại ngày một tăng tại nhiều địa phương trên cả nước.
Riêng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, theo số liệu của Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh, tính từ 16-11-2014 đến 15-5-2018, đã ghi nhận xảy ra 282 vụ do thành phần gây án là các nhóm đối tượng thanh, thiếu niên gây ra, phần lớn thuộc nhóm tội danh xâm phạm nhân thân, sức khỏe, trong đó đa số là các hành vi cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng.
Còn lại là các hành vi gây án hỗn hợp thuộc các tội danh "giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng". Những con số này cho thấy thực trạng bạo lực ở lứa tuổi thanh thiếu niên thật đáng lo ngại.
Chưa kể có tận mắt xem trên mạng những clip học sinh đánh nhau mới thấy mức độ tàn nhẫn, vô cảm từ hành động của những cô cậu đang ở tuổi học trò. Điều đáng nói, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những chuyện hết sức nhỏ nhặt như hỏi không trả lời, nói xấu, mỉa mai trên trang mạng xã hội, chơi nhóm, nhìn thấy ghét hay vì bạn học giỏi hơn, xinh hơn… Vậy nhưng nhiều khi chúng lại trở thành nguồn cơn cho những trận đánh đập tàn nhẫn, làm nhục bạn bè của mình.
Theo các chuyên gia tâm lý, các em học sinh này bị thiếu trầm trọng những giá trị sống về tình bạn, tôn trọng bản thân và người khác cũng như các kỹ năng để giải quyết các vấn đề nhỏ nhất… nên nhiều học sinh đã "ưu tiên" sử dụng bạo lực để giải quyết mọi chuyện.
Trong các chương trình đối thoại với lãnh đạo ngành Giáo dục TP Hồ Chí Minh, nhiều học sinh đã thẳng thắn đề cập đến tình trạng học sinh bị tấn công hội đồng, học sinh mang dao đến trường, bị "hù dọa" từ các mâu thuẫn trên mạng xã hội…
Nhìn nhận thực trạng này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh mạng xã hội là vấn đề "nóng" ở học đường khi nó chứa đựng nhiều nội dung tốt - xấu lẫn lộn. Vì thế, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các trường cần tổ chức chuyên đề cho học sinh biết cách sử dụng mạng xã hội.
|
Những hình ảnh bạo lực học đường trên mạng internet. |
Thầy cô cần phải quan tâm đến học sinh ở nội dung này, phát hiện được những nội dung tiêu cực để giải thích, uốn nắn các em kịp thời. Chính bản thân học sinh cũng cần học cách chọn lọc thông tin, hình ảnh một cách tích cực, biết phản bác cái sai trái, cái xấu…
Thực tế, bạo lực học đường đã để lại những hậu quả cả về thể chất, tâm lý và tinh thần cho học sinh, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường giáo dục. Bởi vậy, để ngăn chặn, đấu tranh phòng chống bạo lực học đường, cần xác định cụ thể trách nhiệm của gia đình, xã hội, của các ngành, các cấp.
Trong đó, quan trọng là gia đình, nhất là cha mẹ, người thân của các em phải là những tấm gương sáng, với lòng nhân ái để giáo dục, dạy dỗ các em. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật về chống bạo lực trong giới trẻ, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên.
Đồng thời, chương trình giáo dục về đạo đức, lối sống cho học sinh cũng cần được đổi mới, sao cho dễ nhớ, dễ hiểu, thấm sâu vào tâm hồn, lối sống của các em. Về khía cạnh vĩ mô thì cần hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em…
Phú Lữ - Mã Hải
CATP Hà Tĩnh