Cảnh giác với chiêu “gắp lửa bỏ tay người” qua đường hàng không
Bên cạnh thủ đoạn cất giấu ma túy trong các bưu kiện và gửi qua đường chuyển phát nhanh, thời gian gần đây các đối tượng liên tục dùng thủ đoạn thuê hoặc nhờ du học sinh, người đi du lịch, thăm thân “xách” hàng (là ma túy đã được ngụy trang kỹ lưỡng) đi nhiều nước. Nếu bị phát hiện, các đối tượng sẽ phủi tay coi như không biết. C47 cảnh báo người dân hết sức cẩn trọng trước chiêu “gắp lửa bỏ tay người” của chúng.
1. Đại tá Phạm Văn Chình - Phó Cục trưởng C47 và cũng là một trong những cán bộ có kỷ lục trong nghề phá án ma túy với hơn 40 năm liên tục phụ trách công tác điều tra. Kỷ niệm về đánh án, Đại tá Chình có đến... cả kho. Trong số đó, ông đặc biệt ấn tượng với Chuyên án 515D, phá đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không do đối tượng Phạm Văn Tài cầm đầu. Chuyên án này tiêu biểu cho thủ đoạn thuê người để mang ma túy ra nước ngoài.
Sự việc bắt đầu vào một ngày nắng như đổ lửa tháng 7-2015, C47 nhận được công văn của Cảnh sát CHLB Nga thông báo vừa bắt giữ trường hợp một công dân Việt Nam vận chuyển trái phép hơn 100 gam ma túy từ Việt Nam. Cụ thể du học sinh Nguyễn Văn Thông (SN 1994, quê ở Nghệ An) đã bị cảnh sát Nga phát hiện trong hành lý của Thông có 10 gói cà phê G7 có chứa ma túy. Cơ quan điều tra nước bạn cũng đã ra lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đề nghị Công an Việt Nam phối hợp điều tra.
Nhận thấy đây là vụ việc tuy số lượng “hàng” không lớn, song có tính chất và thủ đoạn tinh vi. Điều tra ban đầu cho thấy có một đường dây chuyên thuê người vận chuyển ma túy tổng hợp dưới dạng hàng “xách tay” từ Việt Nam đi các nước châu Âu, hoạt động đã nhiều năm. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, C47 đã lập chuyên án để tổ chức điều tra, quyết tâm bóc gỡ triệt để đường dây này.
Một tổ công tác của C47 đã được giao nhiệm vụ “chuyên trách”, sử dụng mọi biện pháp nghiệp vụ để lần tìm các manh mối, dù chỉ là nhỏ nhất. Vì bị hại Nguyễn Văn Thông khi đó đang trong trại tạm giam nước bạn, nên việc ghi lời khai là hết sức khó khăn. Sau một quá trình điều tra khẩn trương, kết hợp với các thông tin từ cảnh sát Nga, các trinh sát C47 đã dần dựng lên được một ổ nhóm khoảng 4-5 đối tượng chuyên “đánh hàng” sang các nước châu Âu như Pháp, Đức, Nga...
Phạm Văn Tài đã chỉ đạo đồng bọn giấu ma túy ở đáy nồi cơm điện để vận chuyển sang châu Âu. |
Thủ đoạn của nhóm này là “đấu nối” với các tổ chức có chức năng đưa người đi lao động ở nước ngoài, du học sinh... Từ đó sẽ tiến hành làm quen, thuê họ xách giùm vài kg hành lý sang cho “người thân” ở bên đó. Ma túy sẽ được giấu trong gói mì ăn liền, gói đường, mì chính, cà phê... Mỗi vụ chúng sẽ trả công cho người vận chuyển khoảng 200-300 Euro.
Bản thân các du học sinh, người lao động khi sang nước ngoài thường hành lý xách tay không có nhiều. Khi nhận được lời đề nghị chuyển hộ hàng thì chỉ nghĩ đơn giản là vừa giúp đỡ người khác, lại có thêm một ít tiền lộ phí nên nhận lời. Chàng thanh niên Nguyễn Văn Thông cũng là trong trường hợp này.
Khi đã dựng lên được nhóm đối tượng, tổ công tác của C47 tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để nắm mọi di biến động của chúng. Do các đối tượng sử dụng tên giả, mọi việc giao dịch đều qua điện thoại di động, và thuê shipper để vận chuyển nên để có thể chứng minh hành vi phạm tội của chúng là việc không hề dễ dàng.
Bên cạnh đó, các trinh sát buộc phải bám sát, mật phục để tổ chức bắt quả tang đối tượng đang giao hàng thì mới có thể “khui” ra được cả đường dây. Còn không thì rất dễ “rút dây động rừng”, các đối tượng chủ mưu sẽ biến mất.
Đối tượng và tang vật một vụ vận chuyển ma túy qua đường hàng không. |
Hơn 9 tháng trời ròng rã theo dấu các đối tượng, tổ công tác C47 đã nắm được thông tin chúng sẽ giao hàng vào khoảng tháng 3-2016. Trưa ngày 27-3-2016, đối tượng Triệu Quang Tùng vận chuyển một thùng các-tông đựng nồi cơm điện đến phố Chùa Láng, phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) giao cho Đoàn Thị Minh thì bất ngờ bị các trinh sát C47 ập vào bắt quả tang. Kiểm tra nồi cơm điện, Cơ quan điều tra thu 197,8g ma túy tổng hợp được giấu một cách tinh vi ở đáy nồi.
Khai thác mở rộng, Cơ quan điều tra bắt Phạm Văn Tài (SN 1986, trú tại phường Mai Dịch, Cầu Giấy, TP Hà Nội); Nguyễn Anh Tuấn (SN 1981, trú tại phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, TP Hà Nội); Nguyễn Huy (SN 1990, trú tại phường Mai Động, Hoàng Mai, TP Hà Nội) và Nguyễn Văn Tuấn (SN 1984, trú ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang).
Cũng theo Đại tá Chình, chuyên án này không những chặt đứt một đường dây chuyên lừa du học sinh, người xuất khẩu lao động vận chuyển ma túy sang các nước châu Âu mà còn có ý nghĩa to lớn hơn. Cậu du học sinh người Nghệ An “vô tình” phải nhận bản án 18 năm tù, nay nhờ vào hồ sơ tài liệu mà C47 đã chuyển sang cơ quan công tố nước bạn nên đã có cơ may giảm án. Không loại trừ có thể được trắng án!
Lực lượng Hải quan sử dụng chó nghiệp vụ để truy tìm ma túy được vận chuyển qua đường hàng không. |
2. Bên cạnh thủ đoạn dùng tiền để thuê người vận chuyển ma túy, các đối tượng còn lợi dụng sự ngây thơ, non trẻ, thiếu hiểu biết về pháp luật của một số sinh viên, người lao động Việt Nam đi học tập, lao động ở nước ngoài để “nhờ” xách hộ đồ đạc (là ma túy đã được ngụy trang kỹ lưỡng). Chúng bịa ra một lý do gì đó rất hợp lý để nạn nhân khó mà chối từ.
Tháng 6-2014, cô sinh viên Hoàng Thị M. (trú tại quận 1, TP HCM) ra sân bay Tân Sơn Nhất để đi du học. Tại phòng chờ check in, M. được một phụ nữ trung tuổi tiến đến hỏi han bắt chuyện. Bà ta bụng bầu vượt mặt, lại tay xách nách mang khá nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh. Khi biết M. đi cùng chuyến với mình, người phụ nữ đã nhờ em kéo hộ một chiếc valy. Thấy người đàn bà trong hoàn cảnh như vậy, M. không nỡ chối từ.
Chẳng ngờ khi làm thủ tục check in, cơ quan chức năng đã giữ lại chiếc valy này để kiểm tra. Thấy vậy người phụ nữ kia vội bỏ chạy, song đã bị bắt giữ. Nhờ có camera ở sân bay mà em M. sau đó đã được minh oan. Tuy nhiên, lịch học của M. vì vậy mà đã bị lỡ mất nhiều ngày.
Một vụ nhờ gửi ma túy khác mà suýt nữa khiến bà Nguyễn Thị H. (SN 1953, trú tại Đồng Nai) bị sa vòng lao lý. Trong một lần xuất ngoại sang Australia, bà H. đã cầm hộ bạn của cô con dâu một chiếc valy. Khi ra đến sân bay Tân Sơn Nhất, bà H. bị Cơ quan an ninh giữ lại vì nghi trong valy có ma túy. Qua kiểm tra, quanh thành chiếc valy đã được ngụy trang khéo léo để che giấu gần chục túi nilon chứa 1,6kg heroin.
Ma túy được giấu cùng thùng hoa quả rồi lên máy bay đi quốc tế. |
Sau khi điều tra, C47 đã khởi tố bị can Huỳnh Thị Thu Trà hiện đang định cư tại Australia về hành vi tàng trữ vận chuyển trái phép chất ma túy. Trà chính là đối tượng chủ mưu, tổ chức liên lạc với một số đối tượng ở Việt Nam, chỉ đạo việc giấu ma túy vào valy. Thông qua một số quan hệ, đối tượng nhờ bạn của cô con dâu bà H. nếu có dịp sang Australia thì sẽ mang hộ.
Bà H. không thể nào biết rằng đã vô tình tiếp tay cho một âm mưu buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn như vậy. Chính bà H. cũng thừa nhận lúc đầu thấy chiếc valy xấu xí quá nên đã định không sử dụng. Nhưng vì cô con dâu nằn nì nên mới nể lời.
3. Theo Đại tá Phạm Văn Chình, mặc dù số lượng ma túy bắt giữ trong chuyên án 515D là không lớn, nhưng lại có tính chất phức tạp, tinh vi. Các đối tượng không từ bỏ thủ đoạn, thậm chí “gắp lửa bỏ tay người”, lợi dụng sự ngây thơ, non trẻ, thiếu hiểu biết về pháp luật của một số sinh viên, người lao động Việt Nam đi học tập, lao động ở nước ngoài đã gửi hàng có chứa ma túy để các em vận chuyển ra nước ngoài, vô tình các em đã phạm trọng tội. Được biết Cơ quan công tố Nga đã tuyên phạt Nguyễn Văn Thông đến 18 năm tù giam.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra các vụ án ma túy qua đường hàng không, điều tra viên C47 đã gặp không ít những trường hợp sinh viên, người lao động Việt Nam vô tình “xách hộ” valy của đối tượng từ khu vực làm thủ tục check in lên máy bay. Và khi bị phát hiện trong hành lý xách hộ có ma túy thì sẽ rất khó để có thể chứng minh rằng mình vô can. Với một số quốc gia có luật pháp nghiêm khắc như Trung Quốc, Australia... tội vận chuyển ma túy thường phải chịu án rất nặng, có thể là tử hình.
Cũng theo một lãnh đạo C47, qua nhiều chuyên án ma túy qua đường hàng không có thể thấy đối tượng phạm tội ma túy vì siêu lợi nhuận sẽ không từ bỏ bất kỳ thủ đoạn nào để vận chuyển ma túy. Đặc biệt bọn chúng thường lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của một số công dân đi học tập lao động ở nước ngoài và sự kiểm soát chưa chặt chẽ của An ninh hàng không đã vận chuyển trót lọt nhiều ma túy từ Việt Nam ra nước ngoài.
Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, số lượng công dân Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài ngày càng tăng. Đối tượng phạm tội ma túy sẽ coi đây là cơ hội thuận lợi để lợi dụng, mua chuộc những người nhẹ dạ, chưa hiểu biết về thủ đoạn, tác hại, pháp luật về ma túy vì lợi nhuận trước mắt mà tiếp tay tham gia vận chuyển ma túy cho đối tượng phạm tội ma túy.
“Để người dân hiểu, cảnh giác với thủ đoạn nêu trên, đề nghị các cơ quan, tổ chức xã hội quản lý hoặc có người đi lao động, học tập ở nước ngoài, An ninh hàng không thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho những người xuất cảnh đi lao động, học tập ở nước ngoài cảnh giác với thủ đoạn nêu trên. Tại các sân bay, bến cảng nên có những biển quảng cáo, pa nô, áp phích, loa truyền thanh về thủ đoạn cất giấu ma túy trên tuyến hàng không. Đồng thời nhân viên hàng không phải nêu cao cảnh giác, tích cực kiểm tra, soi chiếu phát hiện ma túy giấu trong hành lý, trong người của hành khách xuất nhập cảnh để xử lý” - Đại tá Phạm Văn Chình cảnh báo.
CATP Hà Tĩnh