Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Cảnh giác với “mánh” thu mua rễ cây hồ tiêu của thương lái Trung Quốc

Thời gian gần đây, ở tỉnh Đồng Nai đang xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc đặt và thu mua rễ cây tiêu với giá cao. Do giá hồ tiêu đang xuống rất thấp, một số người thấy lợi trước mắt đã chặt bỏ vườn tiêu để lấy rễ bán.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai, UBND xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc phát hiện 4 thương lái mua rễ tiêu của các hộ dân với giá 20.000 đồng/kg tươi và 80.000 đồng/kg khô, sau đó bán lại cho Công ty TNHH Một thành viên Thương mại xuất nhập khẩu Ân Nga (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc). Khi UBND xã Xuân Lộc làm việc với công ty này thì họ cho biết bán cho thương lái Trung Quốc để làm thuốc. Đã có 14 nông dân chặt phá cây hồ tiêu lấy rễ bán cho thương lái. Trước hiện tượng thu mua bất thường này, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cảnh báo, việc thu mua rễ cây tiêu với mục đích không rõ ràng và có dấu hiệu bất thường, có nguy cơ gây nên tình trạng người dân chặt phá vườn tiêu để lấy rễ, đào trộm rễ tiêu để bán. Bên cạnh đó, việc làm này còn có nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại đến sản xuất trồng trọt, ảnh hưởng đến trật tự an ninh nông thôn. Việc sử dụng phế phẩm từ cây tiêu được cho là rất nguy hiểm vì trong thân, gốc và rễ tiêu nông dân bỏ đi đều có thể tồn dư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngành chức năng khuyến cáo bà con nông dân trồng tiêu cần tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, việc xử lý rễ tiêu cần làm đúng quy định về kiểm dịch thực vật, không nên đưa rễ tiêu từ vùng này sang vùng khác dễ lây lan dịch bệnh. Trong rễ tiêu sử dụng hóa chất nhiều, tích lũy trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu được sử dụng trong một sản phẩm nào đó phục vụ cho nhu cầu của con người. Ngày 3-5, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đã có văn bản cảnh báo về tình hình thu gom bất thường trên. Trong văn bản này vận động người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, đồng thời báo với chính quyền gần nhất nếu phát hiện tổ chức hoặc cá nhân liên kết giao dịch với người nước ngoài có hành vi thu mua gốc rễ tiêu khô tại địa bàn để có biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định. Chiều ngày 14-5, trao đổi với phóng viên Báo Công an nhân dân, ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai cho biết, đến thời điểm này, tại xã Xuân Thọ đã không còn tình trạng thương lái thu mua rễ hồ tiêu nữa. Ông Sinh cũng thông tin, người dân rất mù mờ về mục đích mua rễ cây hồ tiêu của thương lái Trung Quốc, họ chỉ biết sau khi thu mua rễ cây, đầu mối thu gom sẽ vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh và sau đó chế biến, hay vận chuyển tiếp đi đâu không rõ. Sự việc mới chỉ xảy ra ở một xã, chưa phát hiện có thêm xã nào xuất hiện tình trạng thu gom rễ cây hồ tiêu này. Ông Sinh cũng khẳng định, đây là năm đầu tiên xảy ra hiện tượng thu mua rễ cây hồ tiêu bất thường. Các năm trước giá hồ tiêu cao nên không xuất hiện thương lái đến tìm mua rễ cây. Được biết, rễ cây hồ tiêu được thương lái thu mua với giá khá cao 20.000 đồng/kg tươi và 80.000 đồng/kg khô. Trước đó, rải rác từ vài năm trở lại đây cũng đã xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc tìm mua rễ cây hồ tiêu tại các tỉnh có trồng loại cây này. Ngay đầu năm, vào tháng 2 cũng xuất hiện thương lái người Trung Quốc đến mua rễ cây hồ tiêu tại huyện Chư Pứh (tỉnh Gia Lai). Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, việc mua gốc rễ tiêu với mục đích không rõ ràng và có dấu hiệu bất thường, có nguy cơ gây nên tình trạng người dân chặt phá bỏ vườn tiêu để lấy rễ, đào trộm rễ tiêu để bán gây thiệt hại đến sản xuất trồng trọt, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh nông thôn và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Hành vi thu gom rễ cây hồ tiêu của thương lái Trung Quốc rất khó hiểu. Không chỉ mua rễ cây, cuối năm 2017, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã cảnh báo, có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang điều khiển thị trường hồ tiêu bằng cách cho nhiều doanh nghiệp đến ký hợp đồng mua tiêu với bất kỳ giá nào, sau đó hối thúc thực hiện hợp đồng để các doanh nghiệp Việt Nam phải gấp rút đi gom hàng, nhưng lại khất lần việc thanh toán tiền với lý do “ngân hàng đang kiểm tra hồ sơ”. Hiệp hội Hồ tiêu cho biết, trong thời gian các công ty Việt Nam lo gấp rút gom tiêu để bán thì nhóm người Trung Quốc này lại tỏa đi các địa phương để thu mua tiêu và hứa hẹn bán cho các đại lý với giá thấp hơn giá thị trường. Các đại lý thấy lợi nên mua để bán lại cho các nhà xuất khẩu. Nhưng thương lái người Trung Quốc bắt đầu giam hàng, không bán cho đại lý nữa, đưa ra lý do không có hàng, khiến giá tiêu trên thị trường bị đẩy lên rất cao. Và chính lúc này, họ dùng thủ đoạn tung hàng ra bán cho đại lý kiếm lời. Khi các doanh nghiệp Việt Nam thu gom đủ tiêu để bán theo hợp đồng, thì tất cả các thương lái Trung Quốc đều “không liên lạc được”, trong khi tiền hợp đồng thì chưa thanh toán. Theo Hiệp hội Hồ tiêu, đây chính là hành vi cố tình tạo biến động trồi sụt giá cả, khiến thương lái trong nước không dám mua bán, từ đó họ tự đẩy giá lên cao để thu lợi và bỏ mặc các doanh nghiệp thu mua tiêu.

CATP Hà Tĩnh