Những vụ đục két “hoàn hảo”
Lâu nay, nhiều người thường nghĩ két sắt là nơi cất giữ tiền, vàng, tài sản có giá trị an toàn và phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, các đối tượng trộm cắp tài sản đã “chọn” két chính là “địa bàn tác nghiệp”. Và thực tế, thời gian qua trên địa bàn Hà Tĩnh đã xuất hiện một số đối tượng từ các địa bàn tỉnh khác đến hoạt động, phá két gây mất ổn định tình hình ANTT; đặc biệt là đối tượng chọn các cơ quan, công sở để hoạt động gây án. Tuy nhiên các vụ trộm tưởng chừng như “hoàn hảo” ấy đã không qua khỏi tai mắt của quần chúng nhân dân và lực lượng Công an. Trong số đó phải kể đến đối tượng Nguyễn Tiến Quân ((34 tuổi, trú tại Quảng Bình). Chỉ với chiếc tuốc nơ vít làm “bạn đồng hành” đã thực hiện nhiều vụ siêu trộm tại 9 tỉnh, 13 lần lấy được tài sản. Tại Hà Tĩnh, đột nhập vào UBND tỉnh, Quân tìm đến hầu hết chỉ tìm đến các phòng làm việc của lãnh đạo trộm tài sản. Ngoài trụ sở UBND tỉnh, Quân còn đột nhập tại các phòng làm việc của lãnh đạo UBND Tp Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh, Thị xã Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc, huyện Cẩm Xuyên, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Tháng 7/2016 vừa qua, Nguyễn Tiến Quân bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt 8 năm tù giam về tội Trộm cắp tài sản.
|
Công an Thị xã Kỳ Anh tiến hành khám nghiệm dấu vết trong 1 vụ phá két sắt |
Mới đây, ngày 7/10/2016, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thị xã Kỳ Anh phối hợp với phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh điều tra, làm rõ 2 đối tượng Đỗ Văn Hiệp, Hoàng Văn Hải (đều SN 1985, ở xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) là thủ phạm gây ra 4 vụ phá két của doanh nghiệp với tổng giá trị 300 triệu đồng. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, đã mua khẩu trang, găng tay, búa, tuýp – nơ - vit, xà cạy từ Hải Phòng vào Khu Kinh tế Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh để trộm tài sản. Sau khi thực hiện trót lọt một vụ phá két, Hiệp đã gọi Hải vào để cùng gây án. Các đối tượng thường leo tường đột nhập trong khoảng thời gian từ 1h đến 3h sáng. Hiệp là đối tượng trực tiếp phá két, Hải ở ngoài cảnh giới. Các đối tượng đã gây ra vụ phá két tại Công ty Châu Anh (chuyên kinh doanh đồ ăn uống, bán vé máy bay tại Công ty Formosa) lấy trộm 110 triệu đồng; tại khách sạn Polaris (Phường Kỳ Thịnh) phá két, lấy trộm 160 triệu đồng, phá két Công ty Vạn Thái An (Phường Kỳ Long) lấy 35 triệu đồng; văn phòng Khu Công nghiệp Phú Vinh (phường Kỳ Liên) lấy 20 triệu đồng và 1.000 USD. Sau khi lấy tiền, Hiệp chia cho Hải. Cả hai dùng số tiền đó để tiêu xài cá nhân và trả nợ. Được biết, Hiệp đã dùng số tiền trộm được ra cửa hàng bán vàng trên địa bàn Thị xã Kỳ Anh mua Đô la Mỹ, sau đó vào ngân hàng bán đổi ra tiền Việt, dùng tài khoản của vợ để chuyển tiền.
|
Đối tượng Đỗ Văn Hiệp, Hoàng Văn Hải gây ra 4 vụ phá trộm két sắt tại Thị xã Kỳ Anh |
Trước đó, ngày 21/9, Công an huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) khởi tố, bắt tạm giam Phan Văn Đạt (SN 1996, trú xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà) về tội trộm cắp tài sản. Vào lúc 0h gày 6/9 tại UBND xã Tân Lộc, Đạt một mình đột nhập trụ sở, sử dụng xà cày phá khóa 4 phòng làm việc và cạy một két sắt để trộm tài sản.Tuy nhiên, sau nhiều giờ hỳ hục phá cửa, phá két nhưng không có tài sản gì đáng giá, nên Đạt bực bội viết lên tờ giấy A4 với nội dung rằng, “Xã quá nghèo. Hẹn dịp sau” rồi bỏ đi. Đến khoảng 5h30 cùng ngày Đạt tiếp tục phá khóa đột nhập vào nhà bà Bùi Thị Phượng (SN 1967, tại thôn Thống Nhất, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) dùng xà cạy phá két lấy đi số tài sản gồm 5 cây vàng 9999 và số tiền khoảng 20 triệu đồng rồi bắt xe vào TP. Hồ Chí Minh lẩn trốn. Nhận tin báo, Công an huyện Lộc Hà đã tổ chức lực lượng điều tra, phá án. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, CQĐT xác định Phan Văn Đạt là thủ phạm các vụ trộm nói trên. Ngày 14/9, CQĐT đã bắt được đối tượng Phan Văn Đạt khi y đang lẩn trốn tại TP Hồ Chí Minh; thu giữ số tiền 82.070.000 đồng, 1 xe máy mang biển kiểm soát 59T- 19347 cùng một số tài sản khác có liên quan và di lý đối tượng về Hà Tĩnh tiếp tục làm rõ.
|
Đối tượng Phan Văn Đạt phá két trụ sở UBND xã Tân Lộc (huyện Lộc Hà) và nhà dân |
Nâng cao tinh thần cảnh giác...
Từ các vụ án trên cho thấy tội phạm trộm cắp két sắt phần lớn là các đối tượng chuyên nghiệp hoạt động theo băng, ổ, nhóm. Trước khi hành động đối tượng thường điều tra và nắm rõ giờ giấc sinh hoạt của nạn nhân. Do đó, hầu hết những vụ trộm két sắt trong thời gian qua đều thực hiện trót lọt. Với tâm lý người dân lâu nay luôn coi két sắt là tủ đựng tài sản an toàn nhất, nên thường có tâm lý chủ quan trong việc bảo quản, tuy nhiên với hoạt động manh động, liều lĩnh của tội phạm hiện nay thì người sử dụng cần nâng cao cảnh giác là cách tốt nhất để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, bảo vệ tài sản của gia đình…
|
Phương tiện gây án của các đối tượng phá két sắt |
Trung tá Nguyễn Thanh Thiện, Phó Trưởng Công an Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết: Trước khi trộm, các đối tượng thường theo dõi công sở, doanh nghiệp, nghiên cứu quy luật bảo vệ, thời gian nhận tiền lương, thưởng và tập trung vào phòng tài vụ, kế toán, lãnh đạo. Lợi dụng sơ hở trong công tác bảo vệ vào buổi tối, đêm để đột nhập, cao điểm từ 1 – 4 h, thời điểm giấc ngủ say. Đối tượng dùng các dụng cụ chuyên nghiệp như xà cầy, đột, tô vít… để phá khóa cửa, đục két. Chúng thường bố trí người cảnh giới. Đây là loại tội phạm tinh vi, manh động, liều lĩnh và hầu như không để lại dấu vết tại hiện trường, thường dùng khẩu trang, găng tay để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Tài sản là tiền, vàng sau trộm tẩu tán nhanh, khó truy tìm. Nhiều đối tượng là người ngoại tỉnh hoạt động lưu động, khó khăn trong công tác điều tra. Bên cạnh đó, các đối tượng này còn nghiên cứu kỹ hệ thống camera của các gia đình, cơ quan, doanh nghiệp và vô hiệu hoá trước khi đột nhập.
|
Công an Thị xã triển khai phương án đấu tranh với đối tượng trộm cắp tài sản |
Để phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản các cơ quan, doanh nghiệp, cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động tự quản lý, bảo vệ tài sản của mình, bố trí lực lượng bảo vệ chuyên trách, có đủ sức khỏe, năng lực hoàn thành nhiệm vụ; trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, tổ chức tuần tra, canh gác thường xuyên, giám sát chặt chẽ khách ra vào cơ quan. Lắp đặt hệ thống an ninh như: camera giám sát, thiết bị báo động. Thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm trộm cắp cho cán bộ, công chức biết để nâng cao ý thức phòng ngừa; yêu cầu cán bộ, công chức không để tiền, tài sản có giá trị trong tủ đựng tài liệu, ngăn bàn làm việc, nêu cao trách nhiệm bảo vệ tài sản của mình và của cơ quan. Đối với những phòng có nhiều tài sản như thủ quỹ, kế toán cần gia cố hệ thống cửa an toàn và lắp đặt hệ thống chống trộm cho két sắt.
Các địa phương cơ sở chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình, phòng, chống tội phạm tại địa bàn. Lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố, lực lượng dân phòng... tăng cường tuần tra kiểm soát để phòng ngừa và kịp thời phát hiện, bắt giữ đối tượng trộm cắp; đặt các biển cảnh báo nơi công cộng, nơi thường xuyên xảy ra trộm cắp để nhân dân biết, nâng cao cảnh giác.
Cán bộ và nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm. Khi phát hiện các thông tin về đối tượng trộm cắp, đối tượng tiêu thụ tài sản trộm cắp thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất, góp phần đấu tranh có hiệu quả với tội phạm phá két sắt nói riêng, tội phạm trộm cắp tài sản nói chung, nhằm đảm bảo ANTT trên địa bàn./ |