CẢNH GIÁC VỚI TỘI PHẠM LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN QUA MẠNG
Trong những năm qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở nước ta trở nên báo động và khá nghiêm trọng, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh và trật tự xã hội. Trong đó, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng có xu hướng phát triển mạnh, tăng về cả số lượng, mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt bằng việc sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội.
Phương thức, thủ đoạn chính mà các đối tượng sử dụng là các chiêu trò khá phổ biến nhưng vẫn khiến nhiều người dân chủ quan, lơ là và thiếu cảnh giác. Chúng thường thông qua mạng xã hội hoặc mạng viễn thông thực hiện các cuộc gọi, nhắn tin, liên lạc, đưa ra những thông tin sai sự thật khiến người dân tin tưởng, chuyển tiền vào tài khoản mà chúng yêu cầu để chiếm đoạt tài sản hoặc số tài khoản. Các thủ đoạn thường gặp là: Thứ nhất, các đối tượng thường có trình độ về tin học nhất định để chiếm đoạt quyền quản trị (hack) tài khoản mạng xã hội của người dùng. Sau đó, sử dụng tài khoản mạng xã hội đó để nhắn tin đến người thân của chủ tài khoản mạng xã hội để mượn tiền, vay tiền,… do hoàn cảnh khó khăn hoặc có điều kiện đặc biệt cần tiền gấp và hứa hẹn sẽ trả trong thời gian ngắn. Thứ hai, đối tượng lừa đảo thông qua các mạng xã hội Facebook, Zalo,… làm quen, kết bạn, hứa kết hôn và bảo lãnh đi nước ngoài, ngỏ ý gửi tặng quà có giá trị lớn trong đó có nhiều tiền, vàng,… để mua nhà tại Việt Nam, hợp tác làm ăn hoặc ngỏ ý giúp đỡ, làm từ thiện. Sau đó, chúng cho người đóng giả là nhân viên giao nhận hàng, hải quan, thuế vụ… thông báo thùng quà biếu đang bị tạm giữ vì trong đó có nhiều ngoại tệ, hàng hóa có giá trị. Các đối tượng sẽ thông báo muốn được nhận món bưu phẩm trên thì người dân phải nộp thuế, lệ phí để nhận hàng hoặc lo lót và cung cấp cho nạn nhân số tài khoản ngân hàng để nộp tiền vào. Sau đó, các đối tượng rút tiền để chiếm đoạt. Thứ ba, đối tượng dùng chiêu thức mạo giả danh Công an, Thanh tra các Sở, Ban, Ngành,… sử dụng các sim điện thoại rác để liên lạc tống tiền các cơ quan, tổ chức nhà nước hoặc người dân đưa ra các thông tin về việc họ có liên quan đến sai phạm nghiêm trọng hoặc đang bị cơ quan chức năng điều tra. Sau đó, chúng gợi ý việc lo lót bằng việc yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng chúng yêu cầu nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Thứ tư, đối tượng liên lạc đến số điện thoại của người dân, sau đó lấy các thông tin về số CMND, số tài khoản của Ngân hàng,… để thực hiện mục đích chiếm đoạt tài sản. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh đã xuất hiện một số vụ việc liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng với các phương thức và thủ đoạn như trên. Để nâng cao tinh thần cảnh giác cho nhân dân không để trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu, Công an thành phố khuyến cáo: Một là,không nên tin tưởng và liên lạc, giao tiếp với các mối làm quen, kết bạn với người nước ngoài hoặc người lạ qua mạng xã hội, qua điện thoại… Hai là, không trao đổi hoặc làm theo yêu cầu nộp tiền vào tài khoản khi các đối tượng qua liên lạc bằng điện thoại tự nhận là cán bộ cơ quan Nhà nước. Ba là, không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai. Không đứng tên, chuyển giao tài khoản, nhận tiền giúp bất cứ ai khi không biết rõ thông tin về người đó. Bốn là, tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào. Khi nghi vấn đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (nếu đã chuyển phải báo ngân hàng phong tỏa ngay số tiền đã chuyển). Mọi nghi vấn hoặc phát hiện các đối tượng, vụ việc có liên quan đến các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, đề nghị cá nhân, tổ chức thông báo kịp thời cho Công an thành phố Hà Tĩnh để ngăn chặn tội phạm./.
CATP Hà Tĩnh