Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Cảnh sát đường thuỷ trắng đêm tấn công “cát tặc”

Trưa 11-7, nắng chói chang nhưng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Cục CSGT và Phòng Cảnh sát đường thuỷ (CSĐT), Công an TP Hà Nội chưa ai được nghỉ mặc dù trước đó đã là đêm thức trắng.

Nhiệm vụ áp giải 4 con tàu khai thác, vận chuyển cát trái phép từ địa bàn giáp ranh giữa quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh về bãi đỗ ở khu vực cống Chèm cũng đã mất cả tiếng đồng hồ, rồi các công tác nghiệp vụ khác khiến không ai dám nghỉ ngơi… “Đột kích” công trường khai thác cát lúc rạng sáng Đêm 10-7, mặc cho trận bán kết giữa Pháp và Bỉ diễn ra hết sức sôi động trên sân cỏ, CBCS Phòng Công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm trên đường thủy nội địa (Phòng 12), Cục CSGT và Phòng CSĐT Hà Nội không ai được rời vị trí. Nhiệm vụ của các anh hết sức quan trọng, đó là phải bắt quả tang bằng được các tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng. Hiện tại là mùa mưa, mực nước trên sông Hồng liên tục dâng cao. Nước từ trên thượng nguồn đổ xuống mỗi lúc một nhiều nên tàu thuyền đi lại khá dễ dàng. Nhưng, chính sự thuận lợi này lại là một trong những khó khăn cho việc đấu tranh với tội phạm khai thác cát trái phép, bởi nếu lực lượng chức năng tiếp cận gần khu vực đối tượng khai thác cát, chúng sẽ phát hiện ra. Chính vì vậy, để bắt quả tang các đối tượng thực sự rất nan giải. Trên địa bàn Hà Nội hiện nay cấm hoàn toàn các hoạt động khai thác cát, cộng với nước liên tục dâng cao, khó khai thác hơn nên giá cát rất cao, dao động từ 70 đến 80 nghìn đồng/m³. Với một chiếc tàu có sức chứa từ 450 đến 500m³, mỗi chuyến đối tượng có thể thu về từ 35 triệu đến 40 triệu đồng, mỗi đêm có thể khai thác 2-3 tàu, thu hàng trăm triệu đồng. Với lợi nhuận “khủng” như vậy, nên các đối tượng có “trăm phương nghìn kế” để đối phó với lực lượng chức năng. Thượng tá Võ Xuân Mạo, Phó trưởng Phòng 12, Cục CSGT – người gắn bó nhiều năm với sông nước cho biết, do lợi ích kinh tế rất lớn nên các đối tượng có rất nhiều thủ đoạn để đối phó, tránh bị phát hiện. Cụ thể, chúng thuê người theo dõi tại trụ sở của Cục và Phòng CSĐT Hà Nội, nếu thấy buổi tối có đông người là lập tức báo cho đồng bọn; không chỉ thế, trên bờ, dưới sông, các đối tượng cũng bố trí lực lượng canh gác rất cẩn thận. Nếu thấy “động”, lập tức chúng rút vòi, tắt điện khiến lực lượng chức năng không thể xử lí được. “Mỗi một tàu cát nếu khai thác trót lọt có trị giá 30-40 triệu đồng nên đối tượng bỏ ra một vài triệu để thuê người canh gác là điều dễ hiểu” -  Thượng tá Võ Xuân Mạo cho biết. Để “đánh” được các “ổ” khai thác cát trái phép, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ phải tính toán mọi biện pháp nhưng mỗi biện pháp cũng chỉ áp dụng được 1 lần bởi lần sau, đối tượng lại có cách đối phó. Chính vì vậy, sau mỗi vụ bắt cát tặc, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT lại cùng đồng đội suy nghĩ, tìm “cách đánh” mới để bắt quả tang, làm rõ được hành vi vi phạm của đối tượng. Sau khi nắm tình hình kỹ lưỡng, đêm 10-7, lực lượng chức năng quyết định “tập kích” các tàu khai thác cát. Theo đó, để tránh bị phát hiện, từ chiều, lực lượng chức năng đã chia thành các mũi công tác, ém quân ở những vị trí quan trọng. Từ vị trí làm nhiệm vụ của tổ công tác, sẽ dễ dàng phát hiện bất cứ di biến động nào của các phương tiện trên sông. Cùng với việc bố trí lực lượng trinh sát, một chiếc xuồng đặc chủng khác của Cục CSGT (Bộ Công an) cũng sẵn sàng xuất kích khi có hiệu lệnh. Ngược lên thượng nguồn chừng 3km là hai tàu của Đội 4, Phòng CSĐT Hà Nội. Tất cả kiên trì nơi mép sông sẵn sàng lao vun vút về phía trước. Đúng 4h sáng, khi vòi “bạch tuộc” đang cắm xuống lòng sông say sưa hút cát, đồng loạt các mũi trinh sát trên hai hướng thượng và hạ lưu nhanh chóng ập đến vị trí đã được thông báo. Trên sông Hồng, đoạn đi qua địa bàn giáp ranh giữa huyện Đông Anh và khu vực Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, 4 chiếc tàu đang có hành vi khai thác cát trái phép, sang mạn cát... vi phạm đã bị CSGT đường thủy bắt quả tang.      Trên khoang tàu khai thác cát được chủ tàu trang bị hệ thống máy nổ, vòi rồng khổng lồ, ùng ục hút cả nghìn khối cát từ dưới đáy sông phun thẳng vào khoang. Các mũi giáp công phối hợp nhanh, gọn, bất ngờ đã khiến cho những lái tàu, chủ thuyền không kịp trở tay. Toàn bộ số tàu này đã bị các tổ công tác lai dắt về vị trí tập kết ở khu vực Chèm, quận Bắc Từ Liêm để phục vụ quá trình lập hồ sơ, xử lý vụ việc. Cả 4 chiếc tàu đều có trọng tải rất lớn, trung bình mỗi tàu chở được khoảng 450 - 500m³ cát. Một trong những chủ tàu bị bắt giữ là ông Trần Văn Bính, 42 tuổi, trú ở xã Hồng Thịnh, Sông Lô, Vĩnh Phúc cho biết, đang lúc nông nhàn nên tranh thủ đi hút cát bán kiếm lời, không ngờ “mới chuyến đầu” đã bị lực lượng Công an bắt giữ.  

Gian nan cuộc chiến chống “cát tặc” Khai thác cát trái phép mang lại lợi nhuận rất lớn nên các đối tượng thường tìm đủ mọi thủ đoạn để đối phó với cơ quan chức năng. Theo đó, các phương tiện khai thác cát thường lắp đặt các thiết bị có khả năng hoạt động nhanh chóng và cơ động, khi phát hiện lực lượng chức năng, lập tức chúng rút ống hút cát lên khỏi mặt nước, tắt máy. Do điều kiện đêm tối, việc ghi hình khó khăn nên các đối tượng chống đối, không thừa nhận hành vi khai thác cát trái phép mà cho rằng mua cát từ tàu khác vận chuyển đi bán kiếm lời. Trong khi đó, việc vận chuyển cát sỏi không có hoá đơn chứng từ chỉ là xử lí hành chính nên không đủ sức răn đe. Rất nhanh chóng, toàn bộ danh tính những chủ tàu, thuyền và thuyền viên đã được xác định; công tác đo đạc, đánh giá về số lượng cát, sỏi... cũng được các tổ công tác khẩn trương hoàn tất. Việc khó nhất là lai dắt những chiếc tàu có trọng tải hàng trăm tấn về vị trí tập kết “Có đưa được tàu vi phạm về bãi tập kết thì lúc đó kế hoạch, phương án “đánh” cát tặc mới được gọi là hoàn thành, bởi chỉ cần sơ sẩy một chút thì vô cùng nguy hiểm, thiệt hại khó lường về người và tài sản” – Trung tá Đỗ Thị Thanh Bình, Phó trưởng Phòng CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết. Đang là mùa mưa bão, nếu cả nghìn khối cát được moi lên từ đáy sông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy; thất thoát tài nguyên khoáng sản của đất nước; đe dọa phá hủy các công trình thủy lợi, đê điều... Do lợi nhuận vô cùng lớn từ cát, sỏi nên dù liên tục bị CSGT và lực lượng chức năng quây bắt, nhưng các đối tượng cát tặc vẫn gian manh, tinh vi hoạt động. Nhiều đối tượng thuê “chim lợn” cảnh giới ngược lại CSGT, hoặc luôn tìm cách khai thác trái phép vào ban đêm, trưa, ở những vị trí khuất, hẻo lánh, thời điểm mưa to gió lớn. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, chúng sẵn sàng vứt bỏ cả máy móc, thiết bị xuống sông để phi tang, gây khó khăn cho công tác xử lí. Để đấu tranh có hiệu quả với tình trạng khai thác cát trái phép, không chỉ cố gắng của lực lượng Công an mà cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc phối hợp kiểm tra, xử lí những hành vi vi phạm tại các bến vật liệu xây dựng, các nơi tiêu thụ cát không rõ nguồn gốc và nơi tập trung các phương tiện khai thác cát. Đặc biệt, phải có sự kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở đóng, sửa chữa tàu trên địa bàn để phát hiện, xử lí các phương tiện thuỷ hoán cải, lắp đặt các thiết bị hút cát trái phép…

Theo Báo Công an nhân dân

CATP Hà Tĩnh