Cảnh sát PC&CC Hà Nội: Lực lượng nòng cốt thực hiện công tác cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô
Trong những năm qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội, bên cạnh tình hình cháy và thiệt hại do cháy thì nhiều vụ tai nạn rủi ro khác xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Với tinh thần “Tất cả vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân”, lực lượng Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đã luôn phát huy vai trò trong việc tiếp nhận thông tin kịp thời và tham gia cứu nạn, cứu hộ thành công nhiều vụ tai nạn, góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Được thành lập từ tháng 7-2011, bên cạnh nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội còn là lực lượng chuyên nghiệp thường trực cứu nạn, cứu hộ theo Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bất kể trong mọi điều kiện, hoàn cảnh nào, lực lượng Cảnh sát PC&CC luôn đảm bảo sẵn sàng về lực lượng và phương tiện, tổ chức thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin và tổ chức cứu chữa các sự cố, tai nạn. Từ khi thành lập cho đến nay, Cảnh sát PC&CC Thủ đô đã tham gia thực hiện hàng trăm vụ cứu nạn, cứu hộ, được Nhà nước và nhân dân đánh giá cao. Năm 2015, lực lượng Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đã trực tiếp cứu được 382 người; tìm được 13 thi thể nạn nhân trong khi tổ chức cứu nạn, cứu hộ (CNCH) 63 vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông, đuối nước, sập đổ công trình, tự tử…; ngoài ra đã hướng dẫn thoát nạn cho gần 2.000 người trong các vụ cháy, nổ. Riêng 6 tháng đầu năm 2016 (từ 16-11-2015 đến 15-5-2016) lực lượng Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cũng đã tham gia, tổ chức CNCH 43 vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông, đuối nước, sập đổ công trình, tự tử, trực tiếp cứu được 72 người; tìm được 10 thi thể nạn nhân; ngoài ra đã hướng dẫn thoát nạn cho gần 50 người trong các vụ cháy, nổ.
Công tác CNCH của lực lượng Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội tại vụ sập nhà số 107 Trần Hưng Đạo
Cụ thể, có 13 vụ cứu nạn trong sự cố cháy nổ: cứu được 60 người (trong đó có 11 người bị thương) và tìm được 6 thi thể nạn nhân; 9 vụ cứu nạn trên sông, suối, hồ, ao, giếng nước, hố sâu có nước: cứu được 1 người và tìm được 4 thi thể nạn nhân; 2 vụ cứu nạn người mắc kẹt trong các phương tiện khi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông: cứu được 2 người bị thương; 9 vụ cứu nạn người mắc kẹt ở trên cao, dưới hầm, hố sâu, trong hang, công trình ngầm: cứu được 8 người (trong đó có 2 người bị thương); 10 vụ cứu nạn, cứu hộ tình huống khác: cứu được 1 người. Xác định công tác CNCH là nhiệm vụ quan trọng, do đó, thời gian qua, Ban Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đã chỉ đạo Chỉ huy các đơn vị quán triệt đến toàn thể CBCS thường xuyên luyện tập, sử dụng thành thạo các trang thiết bị CNCH, đồng thời nâng cao các kỹ năng, chiến thuật cứu nạn, cứu hộ trong nhiều tình huống khác nhau như sự cố sập nhà, công trình, tai nạn giao thông đường bộ, sự cố tai nạn trên sông nước... Bên cạnh đó, đơn vị còn thường xuyên tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cho các lực lượng dân phòng, phòng cháy và chữa cháy cơ sở, phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành và các lực lượng khác theo yêu cầu; chú trọng đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về công tác cứu nạn, cứu hộ, xây dựng phong trào quần chúng tham gia cứu nạn, cứu hộ. Cũng như việc tiếp nhận thông tin báo cháy, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về sự cố, tai nạn và có yêu cầu CNCH, Cảnh sát PC&CC sẽ nhanh chóng điều động lực lượng, phương tiện đầy đủ kịp thời đến hiện trường, nơi xảy ra tai nạn, sự cố để thực hiện nhiệm vụ CNCH. Với tinh thần trách nhiệm cao, nhiều năm qua, lực lượng Cảnh sát PC&CC luôn nỗ lực hết mình, vượt qua mọi khó khăn, chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, thực thi tốt nhiệm vụ CNCH. Nhiều vụ CNCH do lực lượng Cảnh sát PC&CC tham gia đã thực sự để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân về sự nỗ lực và những cố gắng trong quá trình bảo đảm an ninh trật tự và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Điển hình như vụ sập ngôi nhà 2 tầng nổi, một tầng hầm tại số 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào 12h45 ngày 22-9-2015. Khi sự cố xảy ra, có nhiều người đang ở trong nhà. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đã huy động 5 xe cứu hộ, 10 xe chữa cháy, 1 xe cứu thương tới hiện trường để tổ chức cứu nạn cứu hộ. Vụ sập đã làm gạch vữa, mái tôn đổ xuống chèn lấp lối đi, đè bẹp nhiều ngôi nhà lân cận. Sau 8 giờ khẩn trương cứu hộ và tìm kiếm, lực lượng CNCH đã đưa được 5 nạn nhân bị thương và 2 nạn nhân tử vong ra khỏi hiện trường.Công tác CNCH tại số 43 Cửa Bắc, Hà Nội
Gần đây nhất là vụ việc xảy ra vào 3h30 ngày 4-8-2016 tại ngôi nhà 4 tầng số 43 Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Ngôi nhà 43 Cửa Bắc thuộc cơ sở kinh doanh nem Xuân Dần do ông Trần Anh Tuấn làm chủ. Do việc đào móng làm nhà của ngôi nhà số 41 sát bên cạnh và nhà số 43 cũng đã xuống cấp, nên khi thi công, ngôi nhà số 43 bị đổ sập hoàn toàn. Trong nhà có 9 người, khi sập đổ có 4 người chạy thoát được ra ngoài, còn 5 người bị mắc kẹt bên trong và bị vùi lấp dưới các lớp bê tông, gạch, vữa, sắt thép (trong đó có 3 người bị thương và 2 người bị tử vong). Vụ sập đổ nhà số 43 làm hư hỏng các nhà liền kề và làm 11 người bị mắc kẹt bên trong nhà, không thoát ra được. Nhận được tin báo, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đã điều động 14 xe cứu hộ, xe chuyên dụng, xe chỉ huy, xe cứu thương cùng 150 CBCS đến hiện trường triển khai công tác CNCH. Sau gần 8 giờ chiến đấu liên tục trong điều kiện cực kỳ nguy hiểm và vất vả, nặng nhọc (có nhiều người chết, bị thương và bị mắc kẹt trong hiện trường; diện tích sập đổ rộng với khối lượng rất lớn bê tông, gạch, đá, sắt, vôi vữa...; các cấu kiện xây dựng mất khả năng bền vững, nguy cơ sập đổ thứ cấp rất cao; bụi nhiều; các lối tiếp cận để CNCH rất chật, hẹp...), lực lượng Cảnh sát PC&CC đã giải cứu được 11 người bị mắc bên trong các nhà liền kề; cứu được 3 người bị thương mắc kẹt bên trong công trình bị sập đổ và đưa đến bệnh viện để cấp cứu; tìm thấy 2 thi thể nạn nhân, bàn giao cho các cơ quan chức năng. Bên cạnh những vụ việc điển hình trên, lực lượng Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đã thực hiện nhiều vụ CNCH khác. Nhiều vụ việc như các đối tượng sử dụng ma túy trái phép gây ảo giác nên có ý định tự tử, hay thiệt hại do các cơn mưa giông, bão đổ bộ vào thành phố vừa qua cũng luôn được lực lượng CNCH tiếp nhận, xử lý kịp thời, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn Thủ đô.Lực lượng CNCH tổ chức cưa cây, cứu tài sản cho nhân dân
Qua nhiều vụ việc, sự cố, tai nạn xảy ra trên địa bàn thành phố trong những năm qua, có thể nhận thấy rằng, mặc dù các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng CNCH Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đã kịp thời triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ, song, thiệt hại do tai nạn xảy ra còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc người dân chưa nắm rõ việc cung cấp thông tin bị nạn cho lực lượng chức năng và việc thông tin còn chậm, chưa kịp thời. Để đẩy mạnh công tác CNCH trên địa bàn Thủ đô, nâng cao chất lượng hiệu quả, lực lượng Cảnh sát PC&CC thành phố đề xuất một số giải pháp sau: Một là, đối với người dân, cần chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng chống cháy nổ và CNCH. Cần thông tin kịp thời, chính xác cho Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội theo số điện thoại 114 hoặc lực lượng phòng cháy và chữa cháy khác như lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành; đồng thời báo cho chính quyền địa phương và Công an nơi gần nhất khi xảy ra các trường hợp như: có người bị nạn trong sự cố cháy, nổ; có người bị nạn trên sông, suối, hồ, ao, giếng nước, hố sâu có nước, khu du lịch, vui chơi giải trí, bãi tắm, có người bị nạn trong các sự cố sạt lở đất đá, sập đổ nhà, công trình, có người bị mắc kẹt trong các phương tiện khi xảy ra sự cố, TNGT đường bộ, đường sắt; có người bị mắc kẹt trong nhà, trong thang máy, trên cao, dưới hầm, hố sâu, trong hang, công trình ngầm và các tình huống cứu nạn, cứu hộ khác theo quy định của pháp luật. Hai là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và các kỹ năng PCCC&CNCH tới các người dân. Sử dụng các biện pháp tuyên truyền đa dạng, phong phú, đảm bảo chiều sâu và tính hiệu quả cao. Ba là, tích cực triển khai diễn tập, thực hiện các phương án PCCC&CNCH nhằm nâng cao hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo tính khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả hành động khi có sự cố xảy ra. Bốn là, tranh thủ, tập trung các nguồn lực, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, phương tiện PCCC&CNCH đầy đủ, hiện đại, nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác PCCC&CNCH đồng thời bảo toàn cho lực lượng cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ. Năm là, tổ chức họp rút kinh nghiệm, tổng kết công tác CNCH trong quá trình làm nhiệm vụ sau mỗi vụ việc. Việc họp rút kinh nghiệm đảm bảo tính đầy đủ, khách quan, nghiêm túc, chính xác để rút ra các bài học, nâng cao chất lượng công tác CNCH trong các vụ việc khác. Trước những diễn biến phức tạp về cháy, nổ, tai nạn, sự cố hiện nay, xác định vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội sẽ luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm xây dựng đơn vị trở thành lực lượng chính quy, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong mọi tình huống, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của Nhà nước, nhân dân, giữ vững ANCT, TTATXH trên địa bàn Thủ đô.CATP Hà Tĩnh