Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

CBCS Công an tham gia bảo hiểm y tế: Được lựa chọn nơi khám, chữa bệnh theo ý muốn

Bắt đầu từ năm 2017, có khoảng 85% CBCS trong lực lượng Công an tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Sẽ có nhiều điều mới mẻ cho người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Để CBCS Công an hiểu được quyền lợi và trách nhiệm trong BHYT, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư 43 quy định biện pháp thực hiện BHYT đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND (gọi chung là CBCS).

Được BHYT thanh toán nhiều chi phí Theo Thông tư này, CBCS khi đi KCB BHYT sẽ được thanh toán các chi phí: KCB, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con; chi phí vận chuyển; chi phí KCB ngoài phạm vi hưởng bảo BHYT, gồm: thuốc, hóa chất, vật tư y tế được cấp phép lưu hành tại Việt Nam và các dịch vụ kỹ thuật y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo chỉ định của chuyên môn. Đặc biệt, theo Đại tá, TS. Nguyễn Khắc Thủy, Phó Cục trưởng Cục Y tế kiêm Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) CAND, chi phí KCB ở đây không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và các dịch vụ kỹ thuật y tế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Nếu CBCS đi KCB tại cơ sở KCB ngoài công lập thì được BHYT chi trả chi phí KCB theo giá dịch vụ y tế tại cơ sở đó, nhưng tối đa không vượt quá giá dịch vụ y tế tại cơ sở KCB BHYT công lập tương đương tuyến chuyên môn kỹ thuật. Phần chênh lệch do CBCS tự thanh toán với cơ sở KCB. Đối với các cơ sở y tế công lập có thực hiện các dịch vụ y tế xã hội hóa, thanh toán theo giá do cơ sở y tế quy định, nhưng không vượt quá giá thanh toán BHYT đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp có sử dụng dịch vụ y tế xã hội hóa, CBCS tự thanh toán phần chênh lệch với cơ sở KCB. Trong trường hợp chi phí KCB ngoài phạm vi được hưởng BHYT, sẽ được  thanh toán với điều kiện: CBCS KCB bệnh đúng quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật BHYT (đã được sửa đổi, bổ sung) hoặc KCB trong trường hợp cấp cứu; Thuốc, hóa chất phải được phép lưu hành tại Việt Nam; vật tư y tế phải có trong danh mục được cấp phép sử dụng; danh mục kỹ thuật y tế phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Giá dịch vụ kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giá thuốc, hóa chất, vật tư y tế theo kết quả trúng thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế; Sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế ngoài danh mục thanh toán của BHYT phải được hội chẩn hoặc người đứng đầu cơ sở KCB (hoặc người được ủy quyền) ký phê duyệt và lưu trong hồ sơ bệnh án. Mức thanh toán chi phí vận chuyển trong phạm vi quỹ BHYT và không thanh toán đối với người hộ tống người bệnh chuyển tuyến. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, đơn vị quản lý trực tiếp phải chuyển hồ sơ đề nghị thanh toán cho cơ quan tài chính. Trong 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tài chính phải xem xét, thanh toán cho đơn vị để chi trả cho CBCS. Trường hợp từ chối thanh toán phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

CBCS tham gia BHYT khi đi KCB có nhiều quyền lợi

Thẻ BHYT được quản lý chặt Thẻ BHYT của CBCS do BHXH CAND phát hành và quản lý. Mỗi CBCS chỉ được cấp một thẻ BHYT với một mã số do Giám đốc BHXH CAND quy định và được ghi trong thẻ BHYT. Thẻ BHYT có giá trị sử dụng kể từ ngày đóng BHYT. CBCS tham gia BHYT liên tục thì từ lần cấp thẻ thứ hai trở đi, thẻ BHYT có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn của thẻ lần trước. Thời hạn sử dụng thẻ BHYT tối đa không quá 60 tháng. Thẻ BHYT được cấp trong trường hợp chưa được cấp, hoặc chuyển đổi đối tượng tham gia BHYT, hoặc thẻ BHYT hết hạn sử dụng. Trước khi thẻ BHYT của CBCS hết thời hạn sử dụng, Công an đơn vị, địa phương báo cáo bằng văn bản gửi về BHXH CAND để thực hiện cấp thẻ BHYT theo quy định. Theo đại diện BHXH CAND, những trường hợp CBCS tự làm mất thẻ hoặc làm rách, nát, hỏng thẻ BHYT, sẽ phải trả phí cho việc cấp lại, đổi thẻ BHYT theo quy định của Bộ Tài chính. CBCS nộp phí cấp lại, đổi thẻ BHYT cho đơn vị quản lý trực tiếp. Thẻ BHYT của sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật do cá nhân tự quản lý và chỉ được sử dụng để đi KCB. Thẻ BHYT của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, học viên CAND hưởng sinh hoạt phí do đơn vị trực tiếp quản lý. Khi hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, học viên CAND có nhu cầu KCB, đơn vị bàn giao thẻ BHYT cho hạ sĩ quan, chiến sĩ. Kết thúc đợt KCB, hạ sĩ quan, chiến sĩ nộp lại thẻ BHYT cho đơn vị quản lý. Đơn vị quản lý trực tiếp thu hồi thẻ BHYT của CBCS và lập danh sách, báo cáo thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương để chuyển về BHXH CAND trong các trường hợp: Thôi phục vụ trong CAND: xuất ngũ, chuyển ngành, nghỉ hưởng chế độ hưu trí, buộc thôi học, tước danh hiệu CAND; chuyển sang chế độ phục vụ khác không thuộc đối tượng quy định; Thẻ BHYT cấp trùng số, trùng đối tượng; Thẻ BHYT cấp không đúng đối tượng quy định.
Mức đóng BHYT hàng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật; bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ; học viên CAND hưởng sinh hoạt phí. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí đóng BHYT cho CBCS theo phân cấp quản lý ngân sách. CBCS thuộc đối tượng hưởng lương trong thời gian nghỉ hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con, nhận con nuôi hoặc đang hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày (do Bộ Y tế ban hành), thì do quỹ BHXH đóng BHYT căn cứ vào mức tiền lương, phụ cấp tháng của CBCS nghỉ thai sản, ốm đau. CBCS được cử đi công tác, học tập tại nước ngoài và được cấp kinh phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) thì không phải đóng BHYT; thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT cho đến ngày có quyết định của cấp có thẩm quyền điều động CBCS trở lại.

CATP Hà Tĩnh