Chân dung gã tập tu truy sát cửa thiền
Một tập tu với dấu hiệu bị bệnh tâm thần đã gây ra vụ án đau lòng khiến ni sư 104 tuổi tử vong, 3 sư thầy bị trọng thương…
Chùa Bửu Quang (đường Lê Thị Hoa, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) được thành lập từ năm 1938 nằm trên một khu đất rộng hơn 3 ha. Khung cảnh đẹp, hàng trăm cây cổ thụ mọc thành rừng tạo ra nét cổ kính cho ngôi chùa. Bên trong chùa ngoài khu vực cúng bái, khu vực cho các chư tăng còn có hàng chục căn nhà (được gọi là liêu cốc) dành cho những người tu học và các ni sư cư ngụ.
Khung cảnh yên bình là thế nhưng phút chốc một vụ án đau lòng xảy ra khiến nhiều chư tăng, phật tử và người dân cả nước sửng sốt. Một tập tu với dấu hiệu bị bệnh tâm thần đã gây ra vụ án đau lòng khiến ni sư 104 tuổi tử vong, 3 sư thầy bị trọng thương…
1. Trong phật pháp chuyện sống chết là vô thường, có sanh có mất, có tồn tại có kết thúc, điều đó không thể miễn cưỡng và thay đổi được. Tuy nhiên sự ra đi của ni sư Huỳnh Thị Ngọc (pháp danh Diệu Tâm, 104 tuổi) thì quả thật quá đau lòng. Ni sư Diệu Tâm ra đi bởi những nhát dao của kẻ thủ ác gây ra khi sức lực không thể kháng cự lại cái ác.
Nghi can Ngô Văn Huy - kẻ gây ra vụ truy sát trong chùa. |
Sáng 6-10, một ngày sau vụ án kinh hoàng, Ban Trị sự chùa Bửu Quang tiến hành tổ chức ma chay cho ni sư Diệu Tâm. Không tiếng khóc, không tiếng nỉ non của người thân hay những người đến viếng tang, nhưng không gian nơi đây tĩnh lặng một cách buồn bã. Ni sư Quang Thiện (tục danh Đỗ Thị Yệp, 76 tuổi) sống ở liêu cốc sát với liêu cốc của ni sư Diệu Tâm thuật lại câu chuyện một cách buồn bã.
Chùa Bửu Quang tồn tại gần 80 năm thì ni sư Diệu Tâm đã tu ở đây hơn 60 năm. Không chồng, không con, người thân ở nước ngoài, ở Việt Nam chỉ còn vài đứa cháu lâu lâu mới ghé thăm. Ni sư làm công quả và tu ở đây. 104 tuổi, sức khỏe yếu chỉ ngồi xe lăn và ăn uống phải có người mang tới, dù hơi nặng tai nhưng ni sư Diệu Tâm vẫn còn minh mẫn.
"Bình thường ni sư Diệu Tâm đến 11 giờ mới ra khỏi liêu cốc ngồi ở ghế đá ăn cơm nhưng hôm đó ni sư ra ngồi sớm hơn một tiếng. Lúc đó Ngô Văn Huy cầm dao đuổi theo một ni sư khác nhưng ni sư này bị ngã. Cặp mắt Huy long lên sòng sọc, nhiều người cầm gậy đuổi theo kêu Huy bỏ dao xuống nhưng Huy không nghe theo mà lao vào cốc nơi ni sư Diệu Tâm đang ngồi gây ra án mạng!". Ngoài ni sư Diệu Tâm bị Huy sát hại, 3 người khác bị thương nặng là Nguyễn Văn Mạo (pháp danh Nguyên Tuệ), Trần Minh Đức (pháp danh Thiện Đức) và Lê Văn Lĩnh (pháp danh Thiện Lĩnh).
Ban trị sự chùa tổ chức tang lễ cho ni sư Diệu Tâm, nạn nhân tử vong do Ngô Văn Huy gây ra. |
Dù bị tạm giữ trong Công an phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức nhiều giờ liền nhưng nghi can Ngô Văn Huy (21 tuổi, quê quán Nghệ An) vẫn trong tình trạng mắt long lên sòng sọc, nhìn người khác như kiểu muốn nuốt tươi họ. Khi điều tra viên tiến hành lấy lời khai, Huy dường như không hiểu điều tra viên đang nói gì và hỏi gì, khiến việc lấy lời khai gặp nhiều khó khăn.
Với tâm lý bất thường của Huy, nghi ngờ nghi can Huy sử dụng chất kích thích, cơ quan điều tra đã tiến hành cho Huy test nhanh, tuy nhiên kết quả kiểm tra cho thấy, Huy âm tính với ma túy và chất kích thích. Trước hiện tượng này, Công an quận Thủ Đức đã lập hồ sơ đưa Huy đi giám định tâm thần.
2. Trở lại vụ gây án của Huy tại chùa Bửu Quang, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng khi cửa chùa bị Huy làm náo loạn. Một phật tử trong chùa đã thuật lại, buổi trưa ngày 5-10, bà đến chùa để nhờ chùa làm cơm cúng thất cho người cha vừa qua đời.
Lúc này sư thầy Nguyên Tuệ ôm đầu từ bên dưới bếp chạy ra, máu vung vãi, theo sau là một số sư thầy khác đang đuổi theo Huy cố giằng con dao trên tay Huy. Trong số sư thầy này, Thiện Đức đã dùng một cái ghế nhựa cùng sư thầy Thiện Lĩnh chạy ra áp sát Huy hòng khống chế thì bị Huy dùng dao chém gây thương tích.
Một số người viếng cảnh chùa và người trong gia đình đến làm thất thấy thế đã đuổi theo Huy. Huy bỏ chạy ra bên hông chùa, nơi có nhiều liêu cốt của các ni sư và người theo học kinh Phật. Thấy một ni sư ở đây, Huy cầm dao đuổi theo. Phát hoảng với bộ mặt đằng đằng sát khí của Huy, ni sư này bỏ chạy thì bị vấp té. Huy dường như lên cơn nên không phân biệt được chuyện đúng sai (?). Thấy ni sư Diệu Tâm ngồi trên xe lăn trước liêu cốc chuẩn bị ăn cơm, Huy xông vào và ra tay sát hại.
Liêu cốc nơi ni sư Diệu Tâm sống và tu tập trong chùa. |
Lúc này các Phật tử, người viếng chùa đã cầm gậy đuổi theo Huy. Một người có mặt tại thời điểm vây bắt Huy cho hay. Huy lăm lăm con dao, người này đã dùng lời lẽ kích bác Huy và kêu Huy buông dao đấu tay đôi. Trong lúc phân vân ném dao xuống đất, Huy bị những người này áp sát cùng Công an phường Bình Chiểu khống chế Huy. Những người bị thương nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện Quân đoàn 4 (Bình Dương) và Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức cấp cứu. Do vết thương quá nặng lại cộng thêm tuổi già, sức yếu, ni sư Diệu Tâm đã không qua khỏi.
Nằm chữa trị trên giường bệnh, sư thầy Nguyên Tuệ cho hay, sau khi rời chùa đi đến một chùa ở Bà Rịa -Vũng Tàu tu, tối 4-10, Huy trở lại chùa Bửu Quang. Mọi người hỏi chuyện thì Huy lầm lỳ không nói mà trở về phòng. Khi bị gặng hỏi, Huy mới cho hay, Huy bỏ chùa về lại chùa cũ vì những người trong chùa nói Huy có biểu hiện tâm thần.
Ngôi chùa yên tĩnh phút chốc trở nên hỗn loạn bởi vụ án. |
Sáng 5-10, sư trụ trì Thích Thiện Minh đi công việc nên giao việc quán xuyến chùa cho sư thầy Nguyên Tuệ. Buổi sáng có buổi cúng thất cho gia đình một phật tử, sư thầy Thiện Minh và một sư thầy khác đã gọi Huy lên để giải quyết chuyện nội bộ trong chùa. "Trong lúc bàn chuyện, Huy tỏ vẻ không nghe và la lớn với đại ý là sẽ lấy dao đâm chém. Lúc này gương mặt của Huy nhìn thất thần và Huy lao xuống bếp lấy dao. Tôi đã la lên cho thầy Nguyên Tuệ biết nhưng Huy vẫn chém trúng. Tôi cầm ghế xông vào thì bị Huy chém gục" - sư thầy Thiện Đức kể lại.
Nói về pháp danh Thiện Huy của Ngô Văn Huy, nhiều người cho hay, hàng năm chùa Bửu Quang có mở các lớp thiền để người dân và Phật tử ở các nơi về học. Khoảng 5 tháng trước, Huy được anh trai dẫn đến xin cho học thiền. Sư thầy Nguyên Tuệ là người trực tiếp đứng ra giảng dạy cho Huy.
Tuy nhiên trong thời gian ngắn những người trong chùa phát hiện Huy có dấu hiệu của bệnh tâm thần nên lên kế hoạch đưa Huy đi điều trị. Phát hiện ra chuyện này, Huy đã rời khỏi chùa và đến một ngôi chùa tại Bà Rịa - Vũng Tàu tu. Tại đây những biểu hiện của Huy khiến nhiều người tại ngôi chùa Huy tu nghĩ Huy có vấn đền về thần kinh nên Huy không tiếp tục tu ở đây nữa và quay lại chùa Bửu Quang.
3. Tất cả những nhân chứng tại hiện trường và những nạn nhân bị thương tích trong vụ bị Huy dùng dao truy đuổi đều cho rằng, trong lúc gây án, hành vi của Huy không bình thường, mắt trợn trừng, mặt như vô hồn, lạnh lùng, biểu hiện của một người đang hóa điên, tâm thần(?) Ngay cả khi bị bắt, tại cơ quan điều tra, tinh thần Huy cũng không ổn định khiến điều tra viên phải mất rất nhiều thời gian để lấy lời khai của Huy.
Những nạn nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu. |
Về việc Huy là có phải là tu sĩ trong chùa hay không, ngày 6-10, Hòa thượng Thích Thiện Tánh - Phó ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã có công văn trả lời như sau: Ngô Văn Huy, pháp danh Thiện Huy là một tín đồ bình thường, không phải là tu sĩ Phật giáo. Huy chỉ vào chùa tu gieo duyên (tập tu) khoảng 4 tháng nay theo truyền thống của Hệ phái Phật Giáo Nam Tông Kinh.
Việc trụ trì chùa Bửu Quang không đăng ký người nhập tu theo quy định của Nội quy Ban tăng sự Trung ương cần phải kiểm tra làm rõ. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo quận Thủ Đức tiến hành kiểm tra việc tiếp nhận người vào tu gieo duyên tại chùa Bửu Quang (Ngô Văn Huy - PV).
Sau khi có kết quả, căn cứ vào Nội quy Ban tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tùy theo mức độ vi phạm, Ban thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, TP Hồ Chí Minh sẽ xử lý nghiêm để chấn chỉnh việc tiếp nhận người nhập tu. Vụ việc xảy ra tại chùa Bửu Quang là một vụ án nghiêm trọng, đang được cơ quan chức năng thụ lý và điều tra. Do đó, mọi thông tin có liên quan đến vụ án phải đợi kết luận của Cơ quan điều tra và sẽ được xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
Như vậy Ngô Văn Huy chỉ là một người tu tập trong chùa, không phải là sư thầy. Vì Huy có nhiều dấu hiệu biểu hiện tâm thần nên trước khi chuyển giao Huy cho Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC44, Công an TP Hồ Chí Minh) xử lý theo thẩm quyền, Công an quận Thủ Đức đã làm các thủ tục đưa Huy đi giám định tâm thần và chờ kết quả giám định rồi mới có hướng xử lý sau.
Một vụ án mạng nghiêm trọng lần đầu tiên xảy ra nơi chốn cửa thiền nên việc xử lý cần phải có thời gian dài điều tra để tránh gây ảnh hưởng đến nơi chốn tôn nghiêm. Về hành vi của Huy, Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh cho biết, với những biểu hiện trên, Huy sẽ phải tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
Nếu kết quả trưng cầu pháp y tâm thần xác định nghi can Huy bị bệnh tâm thần khi thực hiện hành vi gây án thì Huy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (theo quy định tại khoản 1, Điều 13 BLHS hiện hành) mà bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa trị.
Còn trường hợp nghi can Huy không bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì Ngô Văn Huy phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi "giết người" theo quy định BLHS về các tội giết người, cố ý gây thương tích.
Mạnh Đức/ Theo Báo CAND
CATP Hà Tĩnh