Chặn mầm mống tội phạm từ "tín dụng đen"
Quyết liệt triển khai chỉ đạo của CATP Hà Nội thông qua Kế hoạch 231 về “Tổ chức điều tra cơ bản, công tác quản lý về ANTT và phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các cơ sở, đối tượng kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính”, từng đơn vị Công an quận, huyện, thị xã và Phòng Cảnh sát hình sự đang xây dựng lộ trình từng bước phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hiệu quả những nguy cơ phát sinh tội phạm từ “tín dụng đen”.
Kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh cầm đồ là biện pháp hữu hiệu phòng ngừa vi phạm, tội phạm
Bài bản - Quy mô - Chặt chẽ
Đây là đánh giá của chỉ huy Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội đối với CAQ Hoàn Kiếm trong công tác điều tra cơ bản thực hiện theo Kế hoạch 231. Thiếu tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội CSHS CAQ Hoàn Kiếm cho biết: Bám sát tinh thần chỉ đạo của CATP Hà Nội trong Kế hoạch 231, Đội CSHS đã phối hợp với công an các phường tổng kiểm tra, rà soát tất cả những điểm, cơ sở kinh doanh hoạt động tài chính.
Đặc biệt, đơn vị đã lên danh sách, lập hồ sơ quản lý những cơ sở có dấu hiệu, nghi vấn hoạt động tài chính dưới dạng “tín dụng đen”. Không chỉ xây dựng chi tiết kế hoạch tổ chức điều tra cơ bản công tác quản lý về ANTT và phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các cơ sở, đối tượng kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính, Đội CSHS còn chủ động lên phương án phòng ngừa, trấn áp tội phạm ném chất bẩn, đòi nợ thuê. Bởi, một trong những hành vi phạm pháp phổ biến, gây bức xúc cho người dân, xã hội chính là những vụ việc đổ chất bẩn, đe dọa giết người…
“Công an các phường phối hợp với Đội CSHS triển khai biện pháp trinh sát nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ những đối tượng có hành vi nghi vấn, đổ chất bẩn, đưa về trụ sở để đấu tranh khai thác, xử lý. Đặc biệt, chúng tôi còn xác định, gọi hỏi chủ nợ, con nợ để phòng ngừa, răn đe, tránh để xảy ra các vụ án nghiêm trọng có liên quan đến nợ nần tiền bạc hay vay mượn theo kiểu “tín dụng đen”, Thiếu tá Tống Đăng Công cho biết.
Tinh thần khẩn trương, quyết liệt trong công tác điều tra cơ bản thực hiện theo Kế hoạch 231 cũng được CAQ Cầu Giấy triển khai hiệu quả. Theo chỉ huy CAQ Cầu Giấy, hoạt động “tín dụng đen” chính là mầm mống phát sinh vi phạm, tội phạm như đòi nợ thuê, ném chất bẩn và khủng bố “con nợ” dưới nhiều hình thức khác nhau. Vài năm trước, hàng loạt những vụ “vỡ họ”, “vỡ hụi”, con nợ “ôm” cả đống tiền bỏ trốn xảy ra ở một số địa bàn quận, huyện đã khiến cho tình hình ANTT phức tạp.
Sau khi tình trạng vay nặng lãi, “ôm” nợ bỏ trốn tạm lắng, những hoạt động “tín dụng đen” khác vẫn tìm đủ mọi cách hoạt động. Từ việc cho vay cá nhân, đến núp bóng các cửa hàng, cửa hiệu cầm đồ…, tất cả đều phát sinh phức tạp nếu như không được quản lý, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Một ghi nhận khác trong thực hiện Kế hoạch 231, tại CAP Láng Thượng, quận Đống Đa. Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng CAP Láng Thượng cho biết: CAP đã mời họp các cơ sở kinh doanh tài chính, quán triệt cho các chủ cơ sở nắm và hiểu rõ quy định của pháp luật. Cùng với đó, CAP tổ chức kiểm tra thường xuyên các cơ sở kinh doanh.
Từ đầu năm 2016 đến nay, đơn vị đã tiến hành kiểm tra hành chính 50 lượt cơ sở, phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 10 trường hợp. Đối với các cơ sở kinh doanh chưa đủ điều kiện, cơ sở thường xuyên vi phạm sẽ kiên quyết xử lý, trong 1 năm vi phạm 3 lần trở lên sẽ đề xuất rút giấy phép, đình chỉ kinh doanh.
Xử nghiêm mầm độc
Cùng với tình trạng ném chất bẩn, những cửa hàng, cửa hiệu cầm đồ cũng là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động “tín dụng đen” thỏa sức hoạt động. Tìm hiểu về “thiên đường” cầm đồ dọc đường Láng, ghi nhận việc bất cứ ai có nhu cầu cần tiền “nóng”, những cửa hàng này đều đáp ứng dưới các hình thức tín chấp khác nhau.
Dù rất “thoáng” trong việc cho vay, song số lượng con nợ “bùng” được tiền là khá ít. Còn những con nợ chây ì không trả hoặc trả muộn sẽ bị đám chủ nợ này sử dụng mọi biện pháp đe dọa từ bắt giữ người, đổ chất bẩn vào nhà, dọa đánh què chân trên đường… miễn sao tiền về với chủ.
Quay trở lại với công tác đấu tranh đối với tình trạng ném chất bẩn vào nhà dân của các chủ nợ tại quận Hoàn Kiếm. Mới đây, đơn vị đã điều tra, khám phá bắt giữ ổ nhóm gồm 4 đối tượng, trong đó cầm đầu là Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1987), ở Hai Bà Trưng, Hà Nội đã chỉ đạo đàn em đổ chất bẩn tại số 27 phố Lãn Ông và số 8 Hàng Trống.
Nguyên nhân của vụ án cũng bắt nguồn từ hoạt động cho vay nặng lãi của Tuấn với các con nợ. Khi không đòi được tiền, Tuấn trút giận lên con nợ cũng như gia đình, người thân của con nợ bằng “bom phân”, chất bẩn. Ngoài ra, CAQ Hoàn Kiếm đã phối hợp với lực lượng Tổ công tác 141 phát hiện, kiểm tra, ngăn chặn và bắt giữ 8 đối tượng tàng trữ chất bẩn chuẩn bị đi “khủng bố” con nợ…
Nhìn nhận ý nghĩa hết sức quan trọng của công tác điều tra cơ bản mà Kế hoạch 231 đặt ra, Trung tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng CAP Mai Dịch, quận Cầu Giấy cho biết: Địa bàn phường tập trung nhiều trường ĐH, CĐ, kéo theo số lượng học sinh, sinh viên rất đông. Chính vì vậy, những cửa hàng cầm đồ, những cơ sở có biểu hiện kinh doanh tài chính theo hình thức đa cấp, “tín dụng đen” đều bị CAP lập hồ sơ, phối hợp với Đội CSHS CAQ Cầu Giấy quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm khi vi phạm.
“Ngoài việc điều tra cơ bản, gọi hỏi răn đe đối với số đối tượng nằm trong diện nghi vấn hoạt động, chúng tôi còn phối hợp với các đơn vị chức năng, nhà trường… tuyên truyền đến học sinh, sinh viên và người dân biết, hiểu được những tác hại, nguy cơ khi “dính” vào những “bẫy” đa cấp, “tín dụng đen”, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc”, Trung tá Nguyễn Văn Quyền cho hay.
Bịt kín các lỗ hổng
Tại cuộc họp giao ban quý III, triển khai những nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV/2016 do Bộ Công an tổ chức mới đây, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã yêu cầu công an các địa phương phải tập trung chú trọng vào công tác điều tra cơ bản trên tất cả các lĩnh vực. “Công tác điều tra cơ bản là nòng cốt cho tất cả các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm, trong đó có hoạt động “tín dụng đen”, lãnh đạo Bộ Công an đánh giá.
Quán triệt nghiêm túc yêu cầu, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, CATP Hà Nội trong thời gian qua luôn coi trọng công tác điều tra cơ bản trên tất cả các lĩnh vực. Kế hoạch 231 là một trong những sự cụ thể hóa chỉ đạo ấy, tập trung vào “mảng” kinh doanh tài chính dưới các hình thức khác nhau.
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, CATP Hà Nội trong cuộc giao ban với Thủ trưởng CSĐT Công an các quận, huyện, phòng nghiệp vụ mới đây đã quyết liệt yêu cầu tất cả các đơn vị rà soát, bịt kín những lỗ hổng trong công tác phòng ngừa đấu tranh đối với loại tội phạm này, từ đó không để phát sinh tội phạm mới.
Theo đánh giá của Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay có hàng trăm đối tượng xã hội thường xuyên lưu động qua Hà Nội. Việc nắm bắt thông tin, quản lý những đối tượng này sẽ giúp cho công tác phòng ngừa, điều tra khám phá án được thuận lợi. Tương tự, những cơ sở kinh doanh có điều kiện như cửa hàng cầm đồ, quán karaoke… đều phải được công an các đơn vị tăng cường giám sát, quản lý chặt, ngăn chặn ngay từ đầu mầm mống phát sinh tội phạm.
CATP Hà Tĩnh