Cháy do chập điện và một số biện pháp phòng ngừa trên địa bàn Hà Tĩnh
Trong những năm qua, tình hình kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng, phát triển theo hướng khá bền vững, tốc độ tăng trưởng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp; tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; Hà Tĩnh là một trong 16 tỉnh, thành phố có nhiều khu đô thị, khu công nghiệp nhất của cả nước.Hà Tĩnh hiện có 02 khu kinh tế, 02 khu công nghiệp, 19 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Đặc biệt Khu kinh tế Vũng Áng có hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, điển hình như: Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I với 02 tổ máy 1.200 MW hiện nay đã hòa lưới điện quốc gia; khu trung tâm thương mại 36 tầng, biệt thự cao cấp tại thành phố Hà Tĩnh và khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Cửa Sót huyện Lộc Hà của tập đoàn Vingroup... Hà Tĩnh còn nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà nhiều tầng, cao tầng, kho bảo quản vật liệu nổ công nhiệp, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng ...
Bên cạnh tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nhiều khu dân cư, tổ hợp nhà cao tầng, nhà máy, xí nghiệp… được xây dựng, nhiều loại vật liệu dễ cháy được sử dụng để xây dựng các công trình này. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ cháy, nổ, nhất là cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng cũng ngày càng gia tăng. Chỉ tính trong 05 năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 287 vụ cháy, làm 06 người chết, 15 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 92,8 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh ra 49 vụ cháy, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 4,8 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm xảy ra 57 vụ cháy, làm chết 01 người, bị thương 03 người, thiệt hại về tài sản khoảng 18,6 tỉ đồng.Trong các vụ cháy nổ xảy ra, nguyên nhân do chạm chập điện luôn chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng tăng dần. Điển hình là vụ cháy Chợ Bộng - huyện Vũ Quang ngày 31/8/2015, vụ cháy thiêu rụi gần 50 quầy hàng của bà con tiểu thương, tổng thiệt hại về tài sản ước tính trên 2 tỷ đồng, nguyên nhân được xác minh là do chập điện. Mới đây nhất vào ngày 25/3/2018 xảy ra cháy cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke Kingdom Clup ở thành phố Hà Tĩnh, qua công tác khám nghiệm hiện trường, lực lượng Cảnh sát PCCC nhận định nguyên nhân ban đầu có thể là do sự cố chập điện. Vậy những nguyên nhân nào gây cháy, nổ khi sử dụng điện và biện pháp phòng ngừa như thế nào cho hợp lý, đảm bảo an toàn. Nguyên nhân xảy ra cháy khi sử dụng điện - Do dùng điện quá tải: Hiện tượng dòng điện của các phụ tải tiêu thụ lớn quá so với dòng điện định mức của dây dẫn làm cho cá thiết bị đóng cắt hoặc nguồn cấp gọi là quá tải. - Do chập mạch: là do các pha chập vào nhau hoặc dây pha chạm đất làm điện trở dây dẫn giảm, cường độ dòng diện tăng lớn đột ngột dẫn tới cháy cách điện dây dẫn, phát sinh tia lửa điện, gây cháy thiết bị điện... Một số nguyên nhân gây chập mạch như khi hai dây bị mất lớp vỏ bọc cách điện chập vào nhau, đấu nối đầu dây dẫn với nhau hay đấu vào máy móc thiết bị không đúng quy định, môi trường sản xuất có hóa chất ăn mòn dẫn tới lớp vỏ bọc cách điện bị phá hủy. - Cháy do mối nối dây không tốt (lỏng, hở): Khi nối dây dẫn không tốt làm điện trở dây dẫn tăng lên làm cho điểm nối nóng đỏ gây cháy dây dẫn và các vật cháy liền kề. - Cháy do tĩnh điện: Tĩnh điện phát sinh do ma sát giữa các vật cách điện với vật dẫn điện do va đập của các chất lỏng cách điện khi rót hoặc va đập của các chất lỏng với kim loại. - Cháy do hồ quang điện: Hồ quang điện là một dạng phóng điện trong không khí, thường thấy khi hàn điện, đóng mở cầu dao. -Do sự truyền nhiệt của vật tiêu thụ điện: Vật tiêu thụ điện trong thời gian sử dụng hoạt động đều tỏa nhiệt. Nhiệt tỏa ra phụ thuộc vào tính chất môi trường, công suất và thời gian. Nếu nguồn nhiệt quá lớn và không được kiểm soát thì có thể gây ra cháy. Các biện pháp phòng chống cháy, nổ khi sử dụng điện - Dùng cầu dao tự động có chất lượng cao cho hệ thống điện của gia đình hoặc cơ quan bạn để khi có sự cố cầu dao tự ngắt kịp thời. - Dùng ống chống cháy để luồn đường dây điện trong nhà, hạn chế tối đa các mối nối. Nếu có mối nối cần phải cuốn bằng băng keo cách điện chuyên dụng thật chặt và đúng kỹ thuật. - Các thiết bị gia dụng có công suất tiêu thụ lớn như bế điện, bàn là (bàn ủi) cần phải sử dụng cẩn thận, không dời thiết bị khi đang hoạt đông, Nếu cần thiết phải tắt thiết bị trước khi làm việc khác - Ngắt cầu dao tổng hoặc công tắc hoặc tắt tất cả các thiết bị điện đang hoạt động khi ra khỏi phòng hoặc ra khỏi nhà. - Sử dụng các thiết bị điện phù hợp với dòng điện và dây dẫn điện. - Khi sử dụng quạt làm mát, phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo quạt được quay nhẹ nhàng tránh trường hợp quạt quay nặng nề sẽ nóng lên và gây cháy. Chú ý khi sử dụng quạt gần màn (mùng) cần phải chú ý tránh trường hợp màn sẽ quấn vào quạt gây ra nguy cơ cháy và nguy hiểm cho người sử dụng. - Khi ổ cắm không chặt với phích cắm sẽ phát sinh tia lửa điện khi sử dụng, cần khắc phục tình trạng này trước khi sử dụng. - Nếu các thiết bị sử dụng điện cầm tay như máy mài, máy cắt… thường phát sinh tia lửa trong khi chúng ta thao tác cắt và mài, nên tránh xa các vật liệu dễ bắt lửa như xốp, giấy, xăng, dầu…
Khắc Quân - Mạnh Tuấn (PC07)
CATP Hà Tĩnh