Chơi Trung thu từ thành thị tới miền sơn cước
Nặn tò he, làm mặt nạ giấy bồi kể ra cũng quen thuộc, mấy năm nay, lễ hội thành Tuyên với lễ diễu hành cả trăm xe mô hình lớn trở thành một trong những điểm vui đón Trung thu thú vị.
Mặt nạ giấy bồi trên phố Hàng Mã (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh
Hấp dẫn lễ hội thành Tuyên Những ngày này hầu hết các xe mô hình đã xong xuôi, được đem ra diễu phố dù tối 8/9 mới tổng duyệt, trước hết cho bà con phố núi ngắm và đám trẻ hào hứng đu theo xe. Vẫn những mô hình quen thuộc như voi, cá, rồng và các nhân vật xoay theo câu chuyện dân gian và một số hình có ý nghĩa lịch sử như Khuê Văn Các, Chùa Một Cột, nhưng được biến tấu theo từng năm và kích cỡ lớn, nổi bật trong các đêm diễu hành. Phường Tân Quang là một trong những phường rinh khá nhiều giải cao trong các kỳ tham gia. Anh Lê Anh Đức, Bí thư Đoàn phường Tân Quang, TP Tuyên Quang cho biết: “Năm ngoái phường có 35 mô hình đều tham gia lễ hội, năm nay tỉnh duyệt 20 mô hình do số lượng quá nhiều. Không riêng thành phố, các huyện, xã cũng tham gia khiến quy mô ngày càng lớn. Mình phường Tân Quang cũng có 32/35 tổ dân phố tham gia làm đèn. Cuộc chơi công phu và khá tốn kém này chỉ nhận phần hỗ trợ rất nhỏ từ phía chính quyền, phần lớn đều do người dân tự góp công sức, tiền bạc”. Anh Đức cho biết, mỗi hộ góp từ một vài trăm cho đến cả triệu đồng. Lễ hội thành Tuyên hai ba năm lại đây thu hút sự quan tâm của khách du lịch các vùng lân cận, cho nên dịch vụ homestay cũng có cơ hội phát triển. Trên trang web lễ hội có danh sách hơn 20 gia đình đăng ký tham gia dịch vụ đón tiếp khách nghỉ tại nhà với đầy đủ thông số từ cơ sở vật chất, số người có thể đón tiếp và số điện thoại của các chủ hộ, bí thư Đoàn. “Chúng tôi chủ động rà soát các tổ nhân dân, gia đình có nhu cầu, có khả năng cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, các gia đình ở thành phố chủ yếu đáp ứng nhu cầu ăn ngủ nghỉ, còn lại các gia đình ở các xã đất đai rộng, có điều kiện phát triển mô hình nông nghiệp, trang trại để khách có dịp trải nghiệm đúng nghĩa”, anh Đức nói. Ông Nguyễn Văn Dũng (Đồng Mon, Thái Long, TP Tuyên Quang) cho hay, gia đình ông có thể đón tiếp 10 người, phòng xây khép kín với giá khoảng 350 nghìn đồng/phòng đôi chưa kể điện nước. Nếu khách chọn nghỉ ngơi tại một số chủ hộ ở huyện Yên Sơn có thể trải nghiệm nghỉ ngơi ở nhà sàn truyền thống hoặc nhà sàn bê tông. Lễ hội thành Tuyên 2016 được tổ chức kết hợp với chương trình hợp tác phát triển du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc, trong đó ngày 9/9 khai mạc, Đêm hội thành Tuyên vào ngày 10/9, ngày 11/9 Chung kết Người đẹp xứ Tuyên. Ngoài hoạt động rước đèn và chấm giải các mô hình đèn Trung thu, tỉnh Tuyên Quang còn tổ chức một loạt hoạt động như giới thiệu ẩm thực các dân tộc miền núi phía Bắc, triển lãm hình ảnh, liên hoan văn hóa văn nghệ dân gian, liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 16. Dự kiến, lễ hội có sự tham gia của một số đoàn khách quốc tế như Hàn Quốc, Lào, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản. Còn gì hấp dẫn? Lễ hội mặt nạ, sau khi diễn ra ngày 4/9 tại Văn Miếu (Hà Nội) sẽ đến với công chúng TPHCM ngày 10/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật. Đây là hoạt động tiếp nối thành công của nhiều dự án khơi mạch nguồn di sản của nhóm Cùng bé sáng tạo, tổ chức Cùng vẽ mặt nạ, vui tết Trung thu, Cùng bé sáng tạo, khám phá tranh Tết. Các em nhỏ tham dự có thể tự tay sáng tạo chiếc mặt nạ cho riêng mình, thay vì mua sẵn những chiếc mặt nạ Trung Quốc bày bán ở các phố đồ chơi. Không chỉ vẽ mặt nạ, các em tìm hiểu cách bồi mặt nạ truyền thống, sáng tạo bột màu trên quạt giấy. Không chỉ khơi gợi văn hóa truyền thống, BTC đưa những chiếc mặt na châu Phi vào lễ hội để tăng tính giao lưu văn hóa. Không chỉ là hoạt động vui chơi giải trí cho các em nhỏ và gia đình tìm về cội nguồn, BTC biến lễ hội thành hoạt động ý nghĩa: Đem những chiếc mặt nạ do các bé, tình nguyện viên và họa sỹ vẽ tặng cho các em nhỏ tại Bệnh viện Nhi Trung ương vui Trung thu. Một lễ hội mặt nạ thu nhỏ sẽ đến với các bạn nhỏ Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn vào giữa tháng 9. Không chỉ được chơi, được gói mang về, các em có cơ hội nhận quà tặng của Alpha books và NXB Trẻ, hai đơn vị này cũng dành tặng tủ sách thiếu nhi cho các bạn nhỏ ở ngôi trường tại Sóc Sơn. Lễ hội mặt nạ do giảng viên, sinh viên ĐH Mỹ thuật Việt Nam, các CLB mỹ thuật thiếu nhi và nhiều CLB khác tổ chức. Phụ huynh có thể đăng ký cho con tham gia với mức chi phí hoạt động không quá cao đối với trẻ thành phố. Trung thu phố cổ 2016 khai mạc tối 2/9 trước cửa chính chợ Đồng Xuân (Hà Nội) trong tiếng trống hội, ánh đèn ông sao và các tiết mục múa lân, sư tử truyền thống. UBND quận Hoàn Kiếm cũng tặng quà cho thiếu nhi và trao học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Sau khai mạc, Trung thu phố cổ diễn ra liên tục đến 15/9, trung tâm là chợ Trung thu truyền thống Hàng Mã, khu vực cửa chính chợ Đồng Xuân, tuyến phố đi bộ Hàng Đào-Đồng Xuân-Hàng Giấy và không gian đi bộ mở rộng. Điểm nhấn trong lễ Trung thu ở đây là Đêm hội trò chơi dân gian tối 9/9, Đêm hội Trung thu phố cổ tối 15/9 tại sân khấu trước cửa chính chợ Đồng Xuân. Một số hoạt động: Giới thiệu và hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống, trưng bày ảnh “Những người giữ hồn Trung thu”, sắp đặt không gian Trung thu truyền thống của gia đình Hà Nội, ảnh Tết Trung thu Hà Nội đầu thế kỷ 20 tại các điểm hẹn quen thuộc như đình Kim Ngân, đền Quan Đế, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ), ngôi nhà cổ 87 Mã Mây. Rước trăng chơi phố 2016 diễn ra hai ngày 10, 11/9 tại Bảo tàng Hà Nội được tổ chức theo tinh thần quảng bá giá trị văn hóa truyền thống. Theo đó, lãnh đạo Bảo tàng biến không gian này thành nơi để các em nhỏ khám phá các trò dân gian: Nặn tò he, đan giỏ thị, kéo co, nhảy dây, chạy ba chân, bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố, bắt chạch trong chum. Nghệ nhân hướng dẫn các em tự tay làm đèn lồng truyền thống, mặt nạ giấy bồi, tự tay làm bánh nướng bánh dẻo, bánh rán nước Đường Lâm, bánh tẻ Sơn Tây, thi vẽ tranh dân gian. Khuôn viên bảo tàng cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động giao lưu, rước mâm cỗ, múa lân múa rồng. Sắc màu Bạc Liêu tại Bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội trong hai ngày cuối tuần 10, 11/9 với sự phối hợp của Sở VHTTDL, hàng chục nghệ nhân, thợ thủ công tỉnh Bạc Liêu và khoảng 200 tình nguyện viên. Bảo tàng vốn quen thuộc với chuỗi hoạt động như nặn tò he, nặn hoa quả, làm cốm, bánh dẻo, cắt tỉa hoa quả bày mâm cỗ Trung thu và hàng chục trò chơi dân gian. Năm nay, công chúng xem và giao lưu với nghệ nhân trình diễn làm bánh tằm Ngan Dừa, ẩm thực đặc trưng của Bạc Liêu như dưa bồn bồn, mắm cá rô rút xương. Văn hóa Nam bộ không thể thiếu phần trình diễn đờn ca tài tử, được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.CATP Hà Tĩnh