Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương về nêu gương

Vấn đề nêu gương, noi gương đã trở thành truyền thống và phương thức lãnh đạo của Đảng mà Hồ Chí Minh là tiêu biểu. Người là tấm gương sống để cho toàn Đảng, toàn dân noi theo, quy tụ được mọi lực lượng, đoàn kết được toàn dân vượt qua khó khăn, thách thức để giành thắng lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương về nêu gương

Trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết” (Ảnh tư liệu).

Hồ Chí Minh luôn cho rằng muốn thu phục được mọi người làm theo mình thì trước tiên mình phải là tấm gương. Bởi vậy, nêu gương không những là nếp sống mà còn là trách nhiệm, là phẩm chất văn hóa của người lãnh đạo.

Với thể chế chính trị do Đảng cầm quyền, thì người cán bộ, đảng viên của Đảng ở đâu, ở vị trí nào cũng là người lãnh đạo, nên họ phải là tấm gương để mọi người nhìn vào đó mà noi theo làm theo. Đảng viên giữ trách nhiệm càng cao, chức vụ càng cao thì trọng trách nêu gương càng lớn.

Quy định của Đảng về nêu gương cũng nhấn mạnh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp từ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến đảng bộ, chi bộ cơ sở. Hồ Chí Minh thường căn dặn: “Một tấm gương sống có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền” và chính người là tấm gương về nêu gương trong suốt cuộc đời của mình.

Tấm gương của Hồ Chí Minh cũng như nội dung nêu gương mà Người nêu ra cho cán bộ, đảng viên rất cụ thể, được thể hiện ở ba mối quan hệ: Với mình, với người và với công việc. Đối với mình phải cần, kiệm, liêm, chính, thường xuyên học tập rèn luyện, tự soi, tự sửa, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, tự cao, tự đại, tự mãn… cũng như những hạn chế, khuyết điểm của bản thân trong công việc và trong cuộc sống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương về nêu gương

Bác Hồ trong dịp đến thăm hỏi thầy và trò một lớp bình dân học vụ. Ảnh tư liệu

Đối với người, phải chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, thương yêu, độ lượng. Với cộng sự, với đồng chí thì hết lòng giúp đỡ, khoan dung; luôn nêu cao tự phê bình, phê bình để giúp nhau cùng tiến bộ. Với quần chúng thì gần gũi, kính yêu, chăm lo đến lợi ích, nguyện vọng cũng như lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý để dân yêu, dân tin. Ngay đối với trong gia đình, từ cách cư xử với ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, đến việc giáo dục con cháu giữ gìn gia phong, gia tộc cũng phải nêu tấm gương mẫu mực.

Đối với công việc, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ, gương mẫu phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, phải “chí công vô tư”, “nói đi đôi với làm”, hy sinh lợi ích cá nhân cho tập thể, cho nhân dân, không tham ô, vụ lợi, cơ hội, bè phái.

Ngày nay đứng trước nhiều thời cơ và thách thức của biến động xã hội ba yếu tố về nêu gương mà Hồ Chí Minh nêu ra có mối quan hệ mật thiết, chứa đựng nhiều nội dung về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội; gắn cái riêng với cái chung, giữa lý luận với thực tiễn. Vì thế những tấm gương về liêm chính, không tham lam, tự mình biết làm chủ, biết chế ngự, vượt lên chính mình, thoát khỏi sự ham hố hàng ngày đối với cán bộ, đảng viên như lời Bác Hồ dạy: “Không tham tiền của, không tham địa vị, danh tiếng để cậy thế làm bậy” là hết sức quan trọng, thật có giá trị vô cùng.

Là một Đảng “đạo đức, văn minh” Đảng cầm quyền, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng luôn phải nêu cao tính tiên phong gương mẫu, phải chủ động xây dựng các điển hình, các tấm gương tốt để cùng nhau học tập. Chính Hồ Chí Minh đã nêu ra việc học tập “người tốt, việc tốt”, Người cho rằng: “Lấy gương người tốt, việc tốt hàng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương về nêu gương

Hồ Chủ tịch tát nước chống hạn ở cánh đồng Quang Tô, xã Đại Thanh, tỉnh Hà Tây (1958). Ảnh tư liệu

Cũng cần nhận thức được rằng các tấm gương tốt vẫn có chừng mực và luôn gắn với nhiệm vụ chính trị, với cuộc sống và sự biến đổi của thời gian qua từng giai đoạn của lịch sử. Trong nêu gương tuyệt nhiên không có chuyện phô trương, tô hồng, tâng bốc; lại càng không cho phép cơ hội, vụ lợi, chạy chọt, tiêu cực trong đánh giá, trong thi đua khen thưởng. Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Thi đua là phải thực chất, nếu lòng dạ không còn trong sáng, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân thì thi đua không còn có ý nghĩa”.

Có thể nói, một trong những thành công to lớn của Đảng ta là sự thu hút, sự lan toả của những tấm gương sáng mà Hồ Chí Minh là tiêu biểu. Tự hào cho Đảng ta, dân tộc ta có được tấm gương Hồ Chí Minh để noi theo, làm theo và chính người cũng là tấm gương của sự nêu gương.

Tấm gương của Người vừa ở tầm cao của tư tưởng, của sự định hướng đường lối cách mạng; mà lại gần gũi thân thuộc với mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Tấm gương đó cùng với những giá trị văn hoá của Đảng cầm quyền là tài sản vô giá mà mỗi cán bộ, đảng viên luôn phải gìn giữ, phát huy, để trong mọi giai đoạn cách mạng, dù trong hoàn cảnh nào, cương vị gì và ở đâu cũng làm được như lời Bác Hồ “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

 

CATP Hà Tĩnh