Chưa chính quy hoá lực lượng Công an xã
Theo Tờ trình, nếu chính quy hoá lực lượng Công an xã sẽ làm tăng rất lớn biên chế lực lượng CAND và Nhà nước khó có khả năng bảo đảm kinh phí để chi trả tiền lương, phụ cấp, chế độ chính sách. Vì vậy dự thảo Luật Công an xã quy định theo hướng Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách. Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) cũng nhất trí với quan điểm này.
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 8-8, Thường trực Uỷ ban QP-AN của Quốc hội tiến hành phiên họp thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Công an xã.
Mấu chốt là địa vị pháp lý và chế độ chính sách Công an xã
Tờ trình của Chính phủ cho biết, Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của CAND, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.
Trong điều kiện hiện nay, khi tình hình đất nước có sự thay đổi, các quy định của Pháp lệnh Công an xã đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm ANTT ở cơ sở trong tình hình mới. Vì vậy, cần xây dựng Luật Công an xã để quy định một cách đầy đủ, cụ thể, toàn diện hơn về tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách và bảo đảm các điều kiện hoạt động đối với lực lượng Công an xã.
Đại biểu thảo luận tại phiên họp |
Dự thảo Luật quy định Trưởng Công an xã là công chức cấp xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên là những người hoạt động không chuyên trách. Có ý kiến đề nghị bổ sung 1 Phó trưởng Công an xã là công chức cấp xã, tuy nhiên Chính phủ thấy điều đó không phù hợp với yêu cầu về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cũng như kinh phí chi trả tiền lương, chính sách nên chỉ giữ nguyên quy định công chức đối với Trưởng Công an xã.
Nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật Công an xã, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, thực tế hoạt động của lực lượng Công an xã ở nhiều nơi do địa bàn phức tạp nên Công an cấp trên đã cử lực lượng xuống xã. Điều này đặt ra yêu cầu lớn cho dự án luật là phải có quy định thống nhất, đặc biệt về chế độ chính sách.
“Khi tôi tiếp xúc cử tri nhiều nơi người ta cho rằng phụ cấp của Công an xã quá ít ỏi so với lực lượng Công an chính quy, không đủ tiền mua xăng. Theo quy định, địa phương có mức hỗ trợ kinh phí thường xuyên, nhưng nhiều địa phương làm gì có tiền hỗ trợ đâu. Nếu chế độ chính sách thấp, lực lượng Công an xã không thể lớn mạnh được”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết.
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Thường trực Uỷ ban QP-AN cũng đồng tình với quan điểm này: “Có hai vấn đề mấu chốt của dự thảo luật là địa vị pháp lý và chế độ chính sách đối với anh em Công an xã. Nói như đại biểu Nguyễn Sỹ Cương là nếu chúng ta không giải mã được hai vấn đề này thì dù có ban hành luật cũng không thể làm lực lượng Công an xã mạnh lên được”.
Chính quy hoá lực lượng Công an xã khi điều kiện đất nước phù hợp
Về địa vị pháp lý của Công an xã, Thường trực Uỷ ban QP-AN tán thành với quy định của dự thảo luật vì cho rằng Công an xã cần đặt trong mối quan hệ tổng thể của hệ thống chính trị, chính quyền cơ sở, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay của đất nước.
Mặt khác, thực tiễn tổ chức mô hình lực lượng Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách không có vướng mắc lớn, đảm bảo thực thi nhiệm vụ tại cơ sở, cho nên hiện chưa nên chính quy hoá lực lượng Công an xã.
Chủ nhiệm Uỷ ban QP-AN phát biểu tại phiên họp |
“Trưởng Công an xã là công chức nhà nước, Phó Công an xã và Công an viên là không chuyên trách. Hướng về lâu về dài lực lượng CAND sẽ chỉ đạo đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng, xây dựng lực lượng Công an xã thành một cấp trong CAND. Khi điều kiện đất nước phù hợp thì sẽ triển khai theo hướng này”, Chủ nhiệm Uỷ ban QP-AN Võ Trọng Việt cho biết.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật và cho rằng việc giao và mở rộng thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ cho Công an xã là tạo cơ sở pháp lý cho quá trình thực thi công vụ, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội ngày càng phức tạp ở cơ sở. Một số ý kiến đề nghị rút bớt quyền của Công an xã.
Thường trực Uỷ ban QP-AN nhận thấy, Công an xã là lực lượng ở địa bàn phức tạp, khó khăn, xa trung tâm, xa địa giới hành chính…, rất cần thiết để đảm bảo ANTT cho nên đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật. Đối với những vụ án ít nghiêm trọng, bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã nên giao quyền tổ chức một số hoạt động điều tra ban đầu cho Công an xã, như tạm giữ vũ khí, bảo quản tài liệu, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường…
Về chế độ chính sách, đa số ý kiến nhất trí theo hướng ưu tiên đảm bảo chế độ chính sách cho lực lượng Công an xã, như chế độ thương binh, liệt sỹ, bảo hiểm xã hội…; tạo điều kiện cho anh em yên tâm công tác…
CATP Hà Tĩnh