Người ta kể một câu chuyện tình yêu đầy cay đắng trong nỗi hờn ghen của một cặp tình nhân bên "Gành đá đĩa" ở thôn An Ninh Đông, Tuy An, Tuy Hòa. Du khách càng tò mò hơn muốn tìm đến. Họ nói cơn cuồng nộ của chàng trai làm cho núi đổ, rừng cây rú rít như giông bão. Những cơn sóng điên rồ của chàng trai tạo nên những cơn xoáy lốc, đem những cột đá ném xuống biển xanh. Vì thế mà "Gành đá đĩa" ra đời.
Khi gặp những người dân ở đây, họ còn có câu chuyện khác về những cột đá hình lục lăng kỳ bí trên bờ biển. Đó là những chồng bát đĩa của người trời ném xuống sau cuộc liên hoan vui thú. Họ xuống trần gian du ngoạn, đàm đạo thơ văn rồi tổ chức ăn uống no say. Tiện tay ai nấy ném cả chồng bát đĩa cùng những cốc vàng chén ngọc xuống biển. Những chiếc đĩa đó chồng lên nhau từng lớp, từng lớp dưới ngọn sóng biển vỗ ào ạt ngày đêm.
Một kỳ quan của người trời vô tình để lại. Những cột đá nghiêng. Những cột đá thẳng. Tất cả đều tăm tắp như có bàn tay thần tiên gọt dũa sắp đặt vậy. Một triền đá hình lục lăng kéo dài dọc bãi biển đến mấy cây số.
Nhưng thực ra, những nhà địa chất học lại có câu chuyện của riêng mình. Họ ghi lại rằng, cách đây 30 km, vùng cao nguyên Vân Hòa có những ngọn núi lửa phun trào nham thạch làm xáo động cả một vùng rộng lớn. Một dòng nóng chảy xuống biển, bị đông cứng lại khi gặp lạnh. Những khối đá khổng lồ nứt kẽ, dồn ép lại thành những cột đá liền kề bên nhau như cắm xuống biển sâu.
|
Biển gắn di tích. |
Thoạt nhìn ngỡ những cột đá như được đẽo gọt thành từng hình thù lục lăng đều chằn chặn, nuột nà như được bào mòn nhẵn thín. Ấy là gành đá đĩa ở Ninh Đông ngày nay. Đặc biệt luồng gió ở "Gành đá đĩa" này rất mạnh. Liên tục sóng trào trắng xoá làm những thớt đá ở trên gành càng lúc càng đen bóng.
Đời sống của người dân thôn Phú Hạnh gắn liền với những trảng đá dài trên vịnh biển. Họ xây những ngôi nhà đá vững chãi thầm lặng bên đường. Tường chuồng trâu bò, gia súc đều được xây đắp bằng những hòn đá xanh, đá đen chồng khít lên nhau. Kể cả những ngôi mộ bằng đá trên trảng cát vàng. Thâm nghiêm và trầm mặc bên rặng phi lao.
Còn những cái giếng thường được xếp đá từ dưới đáy lên thành, hết sức bề thế với nguồn nước trong vắt. Khi thấy du khách tràn tới đây, người dân xã An Đình Đông mơ tới một tương lai sáng sủa, vì có gành đá đĩa, bởi theo thống kê thì dọc mấy ngàn cây số biển, không vùng nào có "Gành đá đĩa" như ở đây. Độc nhất vô nhị là thế.
Và lại nghe nói trên thế giới cũng chỉ có một gành đá đĩa nữa ở tận vùng biển Iceland. Vậy đúng là kỳ thạch ở xứ mình. Chưa hết, ở phía nam của gành đá đĩa là bãi cát trắng, có tên là bãi Bàng, chạy dài tới 3000m, trở thành bãi tắm sinh thái rất sạch sẽ, nước trong vắt. Từ xa xưa dân Phú Yên vẫn truyền tụng câu ca: "Chiều chiều sóng bổ Bãi Bàng/ Một ngày xa bạn ăn vàng (cũng) không ngon".
Tuy lợi thế thiên nhiên độc đáo, nhưng "Gành đá đĩa" cũng chưa được khai thác bảo tồn như một di tích thắng cảnh số một về đá biển ở nước ta. Khi tôi gặp những người dân nơi đây, họ cũng tỏ ra phân vân vì chưa biết bắt đầu làm gì với kỳ quan của mình.
Ai cũng nghĩ sống chết với đá nhưng để cho "Gành đá đĩa" gắn bó và nâng cao đời sống của mình ra sao thì còn là bài toán nan giải. Hầu như nhiều năm qua, người dân chỉ còn biết mỗi chuyện lặn xuống biển mò tìm rong mọc bám quanh đá để hái về phơi khô bán cho tư thương. "Gành đá đĩa" lớn chạy dọc bờ tới vài cây số, có điểm rộng tới hơn trăm mét, đều ngập trong sóng biển.
Người hái rong biển
Tôi thẫn thờ ngắm bãi đá lúc chìm lúc nổi sau một đợt sóng trào. Ánh nắng chan hòa chiếu rọi vào gánh đá. Những chùm sáng hắt lên từ triền đá thật sự ám ảnh chúng tôi. Nhưng bất ngờ hơn là từ làn nước biển bên ghềnh đá, một cô gái nhô lên như người cá trong câu chuyện cổ tích vậy. Cô mặc áo đỏ và đầu đội chiếc kính lặn nhoẻn cười chào tôi. Cô buộc một chiếc túi lưới bên hông. Ánh nắng chói chang. Cô gái người rắn rỏi, với gương mặt khắc khổ, gày gò.
|
Lặn biển hái rong. |
Tôi hỏi cô đang làm gì, sao lại mang nhiều thứ vậy. Cô gái giải thích đây là những đồ nghề cần thiết của người đi hái rong biển. Tôi chưa hình dung ra rong biển hình thù ra sao. Hơn nữa sao không nói là đi vớt rong mà lại là đi hái.
Thấy nét mặt ngơ ngác của tôi, cô lấy từ trong túi lưới vài nhành rong như ngọn lá màu xanh phơn phớt hồng đưa cho tôi xem. Sau đó cô giải thích rằng, rong biển mọc và sinh sản trên đá, ở sâu dưới nước, muốn nhổ được chúng, phải lặn xuống dưới đáy. Thì ra đó chính là hình ảnh của người cá bên gành đá đĩa.
Người dân bản địa chung quanh đều đi hái rong biển sau đó phơi khô. Một cân khô bán được cũng chỉ vài chục ngàn gì đó. Nhìn những cọng rong biển nhỏ xíu kia, tôi nghĩ cô gái cũng phải hái cả dăm cân rong tươi, mới được phơi khô được một cân.
Thật khó hình dung trong một ngày họ phải lặn ngụp bao lần để hái rong dưới những gành đá nơi đáy biển. Hình như cô ta sợ mọi người sẽ chiếm hết chỗ có rong nên vội chào tôi và chạy vượt qua gành đá đĩa để nhào xuống biển. Gió lồng lộng thổi qua vách gành đá đĩa tạo nên âm thanh ma quái tựa như tiếng cô gái đang khóc vậy.
Phải chăng đó là bài ca dang dở của một cuộc tình bị nỗi hờn ghen cuồng dại tàn phá. Vẻ đẹp kỳ ảo của những cột đá thẳng đứng bên ngọn sóng, hiển hiện cho nỗi đau khổ của chàng trai cô gái. Bài ca cứ nửa chừng bị ngắt quãng, rồi lại ngân lên lời than thở, nhớ nhung lưu luyến…
Trước mắt tôi là những con người đang quay cuồng với biển xanh. Họ lặn ngụp và hít thở, hai tay chới với trong hy vọng, dưới biển sâu. Đó là những cánh rong biển trôi nổi như số phận con người. Bởi lẽ đâu có phải ngày nào cũng có rong biển, và việc gì cũng có giới hạn, cũng có thời vận của nó. Tôi cứ ngẩn ngơ nhìn cánh áo đỏ của cô gái bồng bềnh trên mặt sóng. Từ phía xa, một ông già vác túi lưới đầy rong vội vã đi qua "Gành đá đĩa" và mất hút trong những lùm cây, bờ phía Bắc. Nơi ấy sóng cũng tung lên cao tới mấy mét. Phía đó còn một bãi đá khác, đó là dãy Hòn Nhàng, gồm những tảng đá lớn mầu nâu xám, nằm rải rác trên bãi cát vàng. Có lẽ hôm nay gió lộng hơn mọi khi. Con sóng dữ dằn trắng xoá. Hình cô gái áo đỏ như lướt trên dòng nước xanh…
|
Góc đẹp của gành đá đĩa. |
Những người thợ lặn vớt rong trên gành thường dễ gặp hiểm nguy vì đá ngầm, nếu không thông thạo lạch nguồn và hiểu biết tâm tình của đá. Cô gái áo đỏ ấy đã níu kéo, như giăng lưới bủa vây tôi cùng sóng biển. Dáng người cô gày gò, má rám nắng và cánh mũi đỏ rực vì đeo kính lặn. Lòng tôi bỗng trĩu xuống vì nỗi muộn sầu thân phận.
Sự lo toan của người mẹ, người vợ trên sóng nước sao nặng nhọc làm vậy. Bên cái vẻ đẹp kiêu sa của "gành đá đĩa" kia lại là cuộc mưu sinh khốn khó. Bên câu chuyện buồn về tình yêu, trong truyền thuyết của bờ đá muôn đời, giờ đây vẫn là những con người lặn lội đến ngạt thở vì những nhành lá sinh trên từ gánh đá cổ vào bậc nhất trên đời này.
Nỗi niềm bên đá
Cuộc vật lộn gắng gượng sống với biển cả, với gành đá vẫn diễn ra hàng ngày. Thỉnh thoảng người thợ lặn phải nhô lên để thở. Và nếu có nụ cười thể hiện niềm vui, vì những mớ rong biển nhưng cũng là sự héo hắt của làn da, bởi sự lo toan cuộc sống.
"Gành đá đĩa" đẹp như bài thơ trừu tượng trên xứ biển Phú Yên. Đây là một di tích thắng cảnh, được Nhà nước công nhận cấp quốc gia từ năm 1998. Nhưng có lẽ người dân Tuy An vẫn còn phải nhiều suy tư về cách khai thác, để tìm ra nguồn lực kinh tế có giá trị, thay cho sự mưu sinh đơn lẻ.
Một không gian rộng lớn mênh mang trước biển. Không thể để "Gành đá đĩa" như bị bỏ rơi, mà cần phải được bảo vệ giữ gìn như vật báu thiên nhiên ban tặng. Đã có hiện tượng cuối tuần từng đoàn đến cắm trại, sau đó để lại bên bãi cát và đá, những rác rưởi ô nhiễm cả vùng đất. Nước biển bên gành đá trong xanh và thơ mộng biết bao. Những cột đá hội tụ thành hàng triệu chiếc đĩa, điệp trùng dưới làn sóng biển neo vào tâm hồn bao người cùng những khắc khoải của người dân làng An Ninh Đông.
Vương Tâm