Chuyện ít biết về sự hy sinh thầm lặng của người lính lái xe chữa cháy
Khi nói về hình ảnh người lính chữa cháy, nhiều người vẫn nghĩ rằng đó là hình ảnh của những chiến sỹ bất chấp hiểm nguy xông vào biển lửa. Thế nhưng, mấy ai biết được rằng, bên cạnh đó là nhiệm vụ cao cả của những người lính lái xe chữa cháy. Họ luôn phải chịu một sức ép tâm lý, ngoài việc lái xe nhanh chóng, an toàn đến hiện trường vụ cháy còn phải nắm vững các phương tiện hiện có trên xe và thao tác thành thục, nhanh nhẹn để có thể để kịp thời cứu người và tài sản. Đối với người lính lái xe cứu hỏa mỗi lần lái xe làm nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy là một lần mang trọng trách lớn lao trên vai.
Gặp thiếu úy Lưu Đình Chinh( SN 1985, quê ở thị xã Hồng Lĩnh) vào một buổi sáng trời mưa tầm tã, với nét mặt hiền hậu vẻ ngoài bình dị, chân chất, dễ gần, anh xúc động kể với chúng tôi về câu chuyện nghề của mình. Gần mười năm làm nghề lái xe tại Đội chữa cháy thị xã Hồng Lĩnh (thuộc Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an Hà Tĩnh) anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm xương máu. Trò chuyện với anh khiến chúng tôi càng hiểu thêm công việc âm thầm lặng lẽ, nhưng vô cùng cao cả của người chiến sĩ lái xe.
Khi mới bước chân vào nghề anh gặp không ít khó khăn. Công việc lái xe chữa cháy đòi hỏi kỹ thuật cao, phải hiểu về đặc tính của xe, thao tác sử dụng máy bơm phải tự sửa chữa trong trường hợp hỏng đột xuất. Bản thân anh luôn phải tự mày mò, học hỏi để nâng cao trình độ. Nghề lái xe chữa cháy tưởng chừng như đơn giản nhưng đòi hỏi người lái xe cần có những chuyên môn kỹ thuật cao mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Bên trong xe chữa cháy, xe đặc chủng có nhiều màn hình điện tử, đồng hồ, các phím điều khiển... và điều khiển thuần thục loại phương tiện này không phải là dễ dàng.
Khi nhận được tin báo cháy, lái xe phải nhanh chóng khởi động xe đưa cán bộ chiến sĩ đến hiện trường để cứu người, cứu tài sản cho nhân dân. Trong cuộc chạy đua tốc độ với giặc lửa đòi hỏi người lái xe phải giữ tâm thế bình tĩnh, không vội vàng nôn nóng để đảm bảo an toàn cho những người trên xe và những người tham gia giao thông khác. Nhiều khi, dù lái xe đã bấm còi ưu tiên nhưng người đi đường vẫn không nhường đường, lúc này phải bình tĩnh xử lý để đảm bảo an toàn.
Anh tâm sự: “về nhà với vợ con thì có thể đi chậm một chút cũng không sao nhưng khi có lệnh điều động lên đường làm nhiệm vụ thì phải chạy rất nhanh, dù có việc gì cũng phải gác sang một bên”.
Thiếu úy Lưu Đình Chinh - cán bộ đội chữa cháy thị xã Hồng Lĩnh kiểm tra các trang thiết bị trên xe chữa cháy |
Có những vụ cháylớn như cháy Chợ Bộng (Vũ Quang) vào năm 2015, để tiếp cận được đám cháy, những người lái xe chữa cháy như anh phải điều khiển xe vượt qua gần 30 km đoạn đường quanh co, khúc khuỷu, đường rừng núi lại vào ban đêm nên bị hạn chế tầm nhìn, phải cẩn thận và cầm chắc tay lái để không bị lật xe. Khi đến nơi, người dân hoảng loạn, hàng hóa mang ra để ở đường nên rất khó để điều khiển xe vào đến khu vực cháy. Khi tiếp cận đám cháy, cần phải tính toán kỹ lưỡng, quan sát vị trí của máy bơm để đậu xe sao cho hợp lý, tránh hướng lửa, di chuyển dễ dàng và có khoảng trống để nhường đường cho người tham gia giao thông...
Có nhiều trường hợp cấp thiết, bản thân người lái xe chữa cháy cũng phải lao vào đám cháy, khói mù và đối mặt với những hiểm nguy luôn rình rập, như: sập nhà, đổ tường, ngạt khói, bỏng…mọi thứ đều có thể ập đến bất kỳ lúc nào.
Với lái xe chữa cháy, những ngày trực chiến đấu đã vất vả nhưng ngày nghỉ cũng thấp thỏm không yên, bất kể giờ nào có lệnh điều động của cấp trên thì phải có mặt ngay. Thời gian cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu, đêm khuya hay sáng sớm, vẫn phải làm nhiệm vụ.
Gần đây nhất là vụ cháy ở chợ Sơn (Hương Khê) vào tối 17/9/2016. Anh kể rằng hôm đó là ngày nghỉ của anh, vào đêm khuya nhưng khi nhận được lệnh của cấp trên, anh vội vã lên đường. Lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh đã huy động 6 xe chữa cháy nhưng ngọn lửa bùng lên rất mạnh, kèm theo gió khiến đám cháy lây lan nhanh toàn chợ. Sức ép từ ngọn lửa rất lớn khiến người dân hoảng loạn. Anh không chỉ lái xe chở người và phương tiện chữa cháy đến nơi an toàn mà còn hỗ trợ đồng nghiệp nhanh chóng triển khai nhiệm vụ, hạn chế đến tối đa thiệt hại từ vụ cháy.
Công việc của các anh là vậy, không bao giờ thực sự có ngày nghỉ, dù ngày lễ hay ngày thường đều phải trực 100%, bởi có cháy là lên đường. Có những lúc, do tính chất công việc, anh chưa làm tròn nhiệm vụ của người con, người cha, người chồng. Bố mẹ hay vợ con ốm đau đều không thể về nhà chăm sóc. Cả đội chỉ có 2 lái xe nên lịch trực triền miên. Nhưng những người thân trong gia đình, đặc biệt là vợ anh luôn thấu hiểu, thông cảm để anh yên tâm làm nhiệm vụ
Khác với những lái xe thuộc lĩnh vực khác, các anh không chỉ đảm nhận nhiệm vụ đưa cán bộ, chiến sỹ, phương tiện kỹ thuật đến nơi chữa cháy mà còn tham gia vận hành máy móc, thiết bị trong khi chữa cháy. Trong một đội hình chữa cháy, các vị trí khác có thể thay thế, riêng lái xe người khác không thể thay thế. Ngoài ra, người lái xe còn phải có kiến thức về địa lý, nắm được bản đồ trên địa bàn công tác để khi có cháy xảy ra phải biết con đường nào dẫn đến hiện trường nhanh nhất, nguồn nước gần đám cháy nhất ở đâu…
Sau cuộc chiến đấu, anh lại tiếp tục quay trở về cơ quan chùi rửa sạch sẽ, kiểm tra lại nước, dầu mỡ, trang thiết bị trên xe, bảo dưỡng định kỳ để kịp thời khắc phục các sự cố... và sẵn sàng chiến đấu khi xảy ra cháy.
Ngoài công việc chuyên môn hàng ngày, thời gian rảnh, anh thường chịu khó tìm tòi học hỏi để nâng cao trình độ biết cách tiếp cận, sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy ngày càng hiện đại để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trung úy Trần Quốc Thái – cán bộ phòng PC66 Công an tỉnh: “Thiếu úy Lưu Đình Chinh ngoài làm tốt công tác chuyên môn, còn là một đoàn viên năng nổ, hăng hái tham gia các mặt phong trào văn hóa văn nghệ, rèn luyện thể dục thể thao của cơ quan đơn vị. Anh là một cán bộ hiền lành, hòa đồng và luôn được đồng nghiệp quý mến”
“Lái xe chữa cháy hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi. Họ luôn phải thường trực chiến đấu, tâm lý gò bó, căng thẳng. Mặc dù, trong thực tế chế độ lương thưởng cho đội ngũ lái xe vẫn còn phần nào thiệt thòi hơn so với các lực lượng khác. Dẫu biết vậy nhưng đồng chí Chinh vẫn luôn nhiệt huyết với công việc, luôn chấp hành nghiêm ý thức kỷ luật, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, tận tụy với công việc, không ngại khó khó ngại khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Thượng tá Hoàng Văn Long – Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC & CNCH cho biết.
Vất vả, hiểm nguy như vậy nhưng mỗi khi cứu được các nạn nhân ra khỏi đám cháy, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về tài sản cho Nhà nước, nhân dân, các anh lại thấy vui, hạnh phúc, tự hào và gắn bó hơn với nghề mình đã chọn. Khi nhắc đến công việc của mình, anh vẫn luôn tự hào rằng dù chỉ làm công tác kỹ thuật nhưng với lòng nhiệt huyết trong công việc, anh vẫn luôn được lãnh đạo tin tưởng, đồng đội quý mến.
Dẫu biết rằng công việc còn nhiều gian khổ và thiệt thòi đối với những người lính lái xe cứu hỏa, có những bất trắc không thể lường trước và đằng sau những nỗ lực để phục vụ nhân dân thì chính bản thân các anh phải gác lại niềm vui sum họp gia đình, sẵn sàng chấp nhận thương tích, thậm chí hy sinh để giữ bình yên cho nhân dân.
CATP Hà Tĩnh