Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Chuyện lạ trong một vụ “đại án” ma túy

Ngày 15-9 vừa qua, vụ án “Tàng keangnam và đồng bọn mua bán trái phép chất ma túy” tiếp tục được đưa ra xét xử tại khuôn viên Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Ninh. Đã hơn 3 năm trôi qua, kể từ ngày chuyến hàng “định mệnh” của ông trùm ma túy Tráng A Tàng (Tàng “Keangnam”, SN 1982, trú tại Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La) bị bắt giữ.

Theo sát vụ án từ thời điểm đó, có thể nhận thấy đây là một trong số những vụ “đại án” ma túy có nhiều điều lạ trong lịch sử tố tụng. Chỉ riêng phiên xét xử sơ thẩm đã bị hoãn đến 3 lần và 2 lần tòa trả hồ sơ để Cơ quan công an điều tra lại.

1. Phòng xử án sáng 15-9 vắng vẻ hơn thường lệ. HĐXX vẫn do thẩm phán Vũ Công Đồng, Phó Chánh tòa hình sự TAND tỉnh Bắc Ninh làm chủ tọa cùng một thẩm phán khác và 3 hội thẩm nhân dân. Giữ quyền công tố trong phiên toà vẫn là hai kiểm sát viên thuộc VKSND tỉnh Bắc Ninh. 12 bị can trong vụ án cũng đã có mặt đầy đủ cùng lượng luật sư đông đảo. Tuy nhiên, người nhà của các bị cáo thì tuyệt nhiên không thấy bóng ai.

Còn nhớ tại 2 phiên xử trước đây (vào tháng 8 và tháng 12-2015) chúng tôi có thể đếm được hàng vài ba chục người nhà của Tráng A Tàng, Giàng Thị Sua, Tráng A Nếnh... ngồi chật khán phòng để theo dõi phiên tòa. Họ mặc sắc phục của người Mông với váy áo sặc sỡ cùng rất nhiều đồ trang sức như kiềng, vòng. Mỗi buổi trưa, khi tòa tạm nghỉ thì số người ấy lại lên mấy chiếc xe Ford Transit “đổ bộ” vào một quán cơm. Có hôm cánh phóng viên theo dõi tòa cũng theo vào cùng, thì phải đợi “dài cổ” mới đến lượt được phục vụ.

Phiên xét xử đầu tiên vào tháng 8-2015, số lượng các báo đài tham gia đưa tin lên đến hơn 30 với đủ các thể loại báo hình, phát thanh, báo in, báo điện tử. Còn lần này, theo chúng tôi quan sát, số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay.

Toàn cảnh phiên xét xử vụ đại án ma túy.

Hôm nay Tráng A Tàng ra tòa cũng có nhiều nét khác với những lần trước. Tàng mặc áo sơ mi màu xanh nhạt “đóng thùng” với quần màu đen trông khá là bảnh chọe. Tóc “ông trùm” cũng đã được cắt gọn ghẽ. Không còn ai nhận ra một Tàng “Keangnam” ngông ngênh, đầy chất “chơi” ngày nào. Nhìn kỹ, chúng tôi có thể phát hiện ra trên hai tay của Tàng đeo hai chiếc vòng cùng 5 chiếc nhẫn có màu sắc khá bắt mắt.

Trao đổi nhanh với một cán bộ trại tạm giam tỉnh Bắc Ninh, vị này cho biết trong quá trình thăm nuôi, người nhà của Tàng đã gửi cho hắn số vòng, nhẫn kia với hy vọng sẽ đem lại điều tốt lành cho Tàng. Cũng theo vị này, trong hơn 3 năm qua các cán bộ chiến sỹ của trại đã khá vất vả để trông giữ 12 can phạm của vụ đại án ma túy này. Có đến 8/12 bị can bị đề nghị mức án tử hình nên các anh lại càng phải “để mắt” tới họ nhiều hơn. Tráng A Tàng cũng là một trong số ít những trùm ma túy có thời gian ở trại tạm giam lâu nhất trong lịch sử.

Phiên tòa đã “nóng” lên ngay từ khi chủ tọa Vũ Công Đồng tiến hành kiểm tra căn cước lý lịch bị can. Bị can Tráng A Tàng và Tráng A Nếnh liên tục giơ tay xin phát biểu. Tàng nói do bị bệnh gout, rất đau chân nên xin được... ngồi trong phiên tòa. Còn Nếnh thì không đồng ý với sự thay đổi luật sư, và từ chối sự bào chữa của hai luật sư mà gia đình hắn thuê. Và trong khi 11 bị cáo đã phải đứng suốt gần 100 phút đồng hồ để nghe vị đại diện VKSND tỉnh Bắc Ninh đọc bản cáo trạng thì riêng Tàng “Keangnam” được ngồi.

Tàng “Keangnam” trong phiên xử ngày 15-9-2016.

Bước vào phần xét hỏi, 11 bị cáo được đưa ra khỏi phòng, chỉ còn một mình Tàng “Keangnam” đối mặt với HĐXX. Cũng giống như mọi lần, Tàng trả lời một cách khá rành rọt mọi câu hỏi mà HĐXX đặt ra, với sự già dặn có thừa của một ông trùm. Đặc biệt, nếu như hai lần xét xử trước Tàng đã khai nhận đủ 13 hành vi buôn bán ma túy thì lần này Tàng chỉ nhận có... 4 lần, tổng cộng là hơn 500 bánh heroin.

“Tại sao ở hai phiên xử trước, bị can nhận tất cả mà lần này chỉ nhận có 4 hành vi?” - chủ tọa hỏi.

“Do lần trước tôi muốn tòa xử nhanh nên nhận bừa, chứ bị cáo chỉ tham gia có 4 vụ mua bán ma túy thôi” - Tàng trả lời.

“Tài liệu điều tra, lời khai của các bị can đã chứng minh bị cáo tham gia mua bán 13 lần, bị cáo nói sao?” - chủ tọa vặn.

“Thực sự là bị cáo chỉ tham gia mua bán 4 lần, còn tòa muốn cho bị cáo bao nhiêu lần cũng được, 100 lần bị cáo cũng nghe” - Tàng lấp liếm.

Về phần tài sản, Tàng khai hắn có 3 ngôi nhà. Căn nhà ở tiểu khu Tiền Tiến và tiểu khu 70 (thị trấn nông trường Mộc Châu) do ông Tráng A Chư (bố đẻ của Tàng) đứng tên. Căn nhà liền kề diện tích hơn 62m2 ở khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội) do vợ của y đứng tên. Tàng cũng khai sở thích của hắn là sưu tập xe ô tô. Ngoài chiếc xe bán tải Hilux, trong bộ sưu tập của hắn còn có Land Cruiser và hắn cũng rất thích đi chiếc Subaru.

Dầu vậy, sau khi vợ chồng Tàng bị bắt thì mấy đứa con của hắn đã phải rời Hà Nội về Sơn La. Trước kia, khi Tàng còn là một “đại gia” thường xuyên vung tiền không tiếc tay. Người ta thấy Tàng thường xuyên chở vợ con trên xế hộp để đi ăn uống mua sắm thả cửa tại nhiều siêu thị hạng sang ở Hà Nội. Nhưng hiện tại ở bản Lũng Xá (Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La) chỉ còn một bà mẹ già sống cùng 3 đứa cháu lít nhít. Và những đứa trẻ ấy lại phải ăn những bữa cơm độn ngô độn sắn.

Do đã nhập khẩu tại Hà Nội, nên hai đứa con giai đầu của Tàng không được hưởng chế độ học sinh dân tộc miền núi. Người em họ của Tàng mấy lần ra xã để xin cho các cháu được hưởng chế độ, các anh Công an hướng dẫn cậu ta nhập lại hộ khẩu cho các cháu, song chẳng ai đi được.

2. Còn nhớ tại phiên tòa trước, một chuyện lạ đã khiến cho nhiều người dự phiên tòa cũng như cánh phóng viên theo dõi băn khoăn. Đó là việc hai bị can quan trọng của vụ án là Giàng A Nhà và Giàng Thị Sua là hai chị em ruột nhưng lại chỉ hơn nhau có 3 tháng(!?). Theo lý lịch bị can trong bản cáo trạng, Sua sinh ngày 1-4-1984 còn Nhà sinh ngày 14-7-1984. Đây cũng là một trong số 4 tình tiết khiến HĐXX phải trả hồ sơ để điều tra lại.

Tại phiên tòa lần này, chủ tọa đã công bố bản KLĐT bổ sung của CQĐT. Tại thời điểm bắt giữ, CQĐT đã thu giữ nhiều giấy tờ của Nhà và Sua trong đó có giấy CMND, theo đó xác định Giàng Thị Sua sinh ngày 1-4-1984 còn Nhà sinh ngày 14-7-1984. Qua làm việc với Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Sơn La, Cơ quan công an xác định lý do cấp CMND có ngày tháng như trên là do Nhà, Sua tự khai khi đi làm CMND tại bản Tà Dê, Lóng Luông và do đó Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã cấp theo bản khai đó.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành xác minh tại tư pháp xã Lóng Luông xác định Giàng Thị Sua, Giàng A Nhà là con đẻ của ông Giàng A Đua và bà Sồng Thị Phếnh có HKTT tại bản Tà Dê (Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La) nhưng không làm thủ tục khai sinh tại UBND xã Lóng Luông.

Trong lần xét xử này, không một người nhà nào của Tàng đến dự.

Kiểm tra sổ đăng ký thường trú lưu tại Công an xã Lóng Luông thì Giàng Thị Sua sinh năm 1982, Giàng A Nhà sinh ngày 17-4-1984. Qua xác minh hồ sơ tàng thư hộ khẩu lưu tại Công an huyện Vân Hồ, Sơn La xác định Giàng Thị Sua SN 1982, Giàng A Nhà SN 1984. Vậy có thể kết luận Sua hơn Nhà 2 tuổi chứ không phải là hơn có... 3 tháng!

Bên cạnh đó, KLĐT bổ sung của Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng khẳng định yêu cầu của TAND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu thực nghiệm điều tra cho Tráng A Tàng một mình thực hiện đưa 256 vật tương tự như 256 bánh heroin đã thu giữ vào thùng tự chế và cánh cửa xe bán tải BKS 29C 125.79 trong thời gian tương tự xem bị cáo có thực hiện được không là không có căn cứ. Bởi vì người đã đưa 256 bánh heroin vào xe bán tải là Tráng A Lầu và Sùng A Lánh. Còn người lái chiếc xe bán tải chở ma túy lại là Tráng A Nếnh.

Trở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 3, nếu như Tàng “Keangnam” và nhiều bị can khác lần lượt phản cung, chối tội thì “đối tác” của Tàng là Lương Thị Thảo lại khai nhận tuốt tuồn tuột các hành vi phạm tội.

Thảo khẳng định những lời khai của mình tại hai phiên tòa trước và tại cơ quan chức năng là đúng sự thật. Thậm chí Thảo còn nói vì biết tội buôn bán ma túy là rất nặng nên đã chuẩn bị sẵn chất độc cyanua để... tự vẫn. Tuy nhiên chưa kịp sử dụng thì bị Cơ quan công an bắt.

Nữ bị cáo cũng khẳng định đến giờ có nhiều sự việc liên quan đến vụ án đã quên vì thời gian diễn ra đã quá lâu. Thậm chí, số điện thoại của người thân mình, Thảo cũng không nhớ. “Giờ bị cáo không biết 3 con của mình ai nuôi, cuộc sống của chúng ra sao, xin HĐXX cho bị cáo con đường sống để về nuôi con”, đồng bọn của Tàng giọng nghẹn lại. Thảo cũng không biết Sua (vợ Tàng) có liên quan đến vụ án không bởi duy một lần chị ta gặp vợ Tàng khi đến một siêu thị lớn ở Hà Nội giao túi tiền cho ông trùm ma túy.

Khẳng định sức khỏe của mình bình thường, Giàng A Chờ (SN 1971, công an viên, phó bản Lũng Xá) cho biết không có lời khai khác so với 2 phiên xét xử lần trước. Tuy nhiên, tại tòa hôm nay, Chờ xin HĐXX trả lại 800 USD cho mình bởi đây là số tiền anh ta bán hàng tạp hóa có được.

“Bị cáo bán hàng tạp hóa ở nhà cấp 4 của Tàng để kiếm thêm thu nhập. Bà con trên đó toàn tiêu tiền đô, có một số thì cũng tiêu tiền Việt” - cựu công an viên nói. Tiếp lời, anh ta khẳng định mình không đi dò đường cũng không nấu cơm cho những người Lào đến mua bán ma túy với ông trùm.

Cũng giống như các phiên xử trước Giàng Thị Sua (vợ Tàng) luôn tỏ ra ngây ngô, không hiểu gì vì không biết chữ. Bị cáo cũng khẳng định bản thân không biết gì về công việc của chồng. Nói về việc bị bắt cùng chồng, Sua nói: “Tàng bảo đi chơi cùng thì đi thôi”.

Bị cáo Vũ Văn Lâm (SN 1968, Vân Hồ, Sơn La) phủ nhận 3 hành vi mua bán 60 bánh heroin, 80 viên ma túy tổng hợp. Lâm cũng khiến cho cả khán phòng cười ồ khi nói rằng mục đích mua ma túy tổng hợp về cho... gà ăn. “Bởi ở nơi bị cáo ở, rất nhiều đồng bào dân tộc mua ma túy về chữa bệnh cho gà. Nếu tòa không tin có thể hỏi đồng bào ở đấy”, Lâm nói.

Dự kiến, HĐXX sẽ tuyên án vào ngày hôm nay.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử trùm ma túy Tàng “Keangnam” và đồng bọn dự kiến được mở vào tháng 7-2015. Sau 2 lần hoãn, ngày 4-8-2015 phiên tòa đã được tổ chức trong hội trường của Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Ninh. Ngày 6-8-2015, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung (do có một số vấn đề về tố tụng và tình tiết vụ án chưa được làm rõ). Ngày 8-12-2015, phiên tòa được mở lại. Theo bản cáo trạng của VKSND Tối cao, trong khoảng 4 năm, Tàng Keangnam và các đối tượng Lương Thị Thảo, Dúa, Nụ... đã tiến hành buôn bán trót lọt 13 vụ với số ma túy lên đến 1.800 bánh heroin. Tuy nhiên đến ngày 14-12-2016, khi mà phiên xét xử đã đi đến ngày cuối cùng, HĐXX tuyên bố trả hồ sơ điều tra bổ sung vì một số chứng cứ liên quan đến một số bị cáo chưa đầy đủ. Ngày 15-9 vừa qua, phiên tòa đã được mở lại. Bước sang ngày làm việc thứ hai, sau khi kết thúc phần xét hỏi, vị đại diện VKS đã đọc bản luận tội đề nghị mức án tử hình đối với 8 bị cáo. Ngoài Tráng A Tàng, 7 bị cáo khác bị đề nghị án tử hình gồm: Lương Thị Thảo (SN 1979, trú tại Bắc Giang), Tráng A Nếnh (SN 1991, trú tại Vân Hồ, Sơn La); Giàng A Chờ (SN 1971, trú tại Vân Hồ, Sơn La); Vũ Văn Lâm (SN 1968, Vân Hồ, Sơn La); Giàng A Nhà (SN 1984, trú tại Vân Hồ, Sơn La); Sùng A Lánh (SN 1974, trú tại Mai Châu, Hòa Bình); Sồng A Nếnh (1973, trú tại Vân Hồ, Sơn La). Riêng Tráng A Ký (SN 1972, Vân Hồ, Sơn La) bị đề nghị án chung thân nhưng tổng hợp mức án đã có hiệu lực của TAND Tối cao tại Hà Nội, Ký nhận mức án tổng hợp là tử hình. 3 bị cáo bị VKS đề nghị mức án chung thân gồm; Tráng A Mùa (SN 1971 trú tại Vân Hồ, Sơn La); Giàng Thị Sua (SN 1982, vợ Tàng); Tráng A Chư (SN 1958, bố Tàng).

Minh Tiến/Báo An ninh thế giới

CATP Hà Tĩnh